Đổi thay ở xã vùng cao Tả Phìn

Con đường nhỏ, men sườn đồi, cách trung tâm thị trấn Sa Pa (Lào Cai) khoảng 12 km đưa chúng tôi về với xã vùng cao Tả Phìn - 'ngôi làng' của người Dao đỏ. Hơn 10 năm trở lại đây nhờ áp dụng các kỹ thuật canh tác mới và phát triển du lịch cộng đồng đã mang lại một cuộc sống mới ấm áp hơn cho người dân vùng cao Tây Bắc.

Phát huy lợi thế địa phương

Nếu như thị trấn Sa Pa quyến rũ du khách với nhà thờ cổ trầm mặc, những khu phố “toàn Tây” đông đúc, nhộn nhịp bán mua, những Thác Bạc, Cầu Mây, chợ tình … thì Tả Phìn níu chân người bởi vẻ mộc mạc, chất phác của người Dao đỏ (chiếm hơn 68% dân số toàn xã), của Tu viện cổ tuy đổ nát, hoang phế do chiến tranh nhưng vẫn sừng sững giữa rừng, lưu giữ những nét kiến trúc và giá trị văn hóa độc đáo.

Nghề chế biến thuốc từ thảo dược là đặc sản của người Dao đỏ

Nghề chế biến thuốc từ thảo dược là đặc sản của người Dao đỏ

Nhưng điều làm chúng tôi ấn tượng hơn cả, đó là Tả Phìn hôm nay đang dần “thay da đổi thịt” trở thành điểm sáng trong phong trào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Xã đã được công nhận chuẩn nông thôn mới từ năm 2018, với tổng số tiêu chí hoàn thành 19/19 tiêu chí. Quá trình xây dựng nông thôn mới đã giúp 6/6 thôn của xã được đầu tư điện lưới, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 7,98% (giảm 52,82% so với trước khi xây dựng nông thôn mới), thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 31,93 triệu đồng/năm, 89% số hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn, không còn nhà tạm, dột nát…

Để tạo ra những chuyển biến trong kinh tế, nhiều kỹ thuật canh tác mới đã được đưa về giúp bà con nâng cao hiệu quả sản xuất. Vùng “rốn rét” Sa Pa, quanh năm mây mù và gió lạnh, địa hình chủ yếu là đồi dốc, núi đá, nhưng người dân nơi đây đã biến sự khắc nghiệt của thời tiết thành lợi thế để phát triển mô hình trồng hoa địa lan, cho thu nhập bình quân mỗi hộ từ 700-1.000 triệu đồng/năm.

Đặc biệt, bà con Tả Phìn đã biết phát huy những nét đẹp bản sắc văn hóa truyền thống của mình để giới thiệu, phát triển các sản phẩm du lịch nức tiếng cả vùng Tây Bắc. “Đặc sản” của Tả Phìn chính là thổ cẩm, với đủ kiểu dáng và sắc màu rực rỡ. Từ những chiếc ba lô, túi khoác du lịch, những chiếc khăn, túi xách tay, ví đựng tiền, áo choàng thổ cẩm… đều do chính đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của những người phụ nữ nơi đây thêu từ sợi tơ tằm. Các họa tiết thêu tay được sáng tạo, lấy cảm hứng từ thiên nhiên, là một phần của thế giới tín ngưỡng của người Dao.

Bản du lịch Tả Phìn hấp dẫn du khách trong và ngoài nước còn phải kể đến nghề chế biến thuốc từ nguồn thảo dược tự nhiên lấy từ rừng. Tích lũy kinh nghiệm lấy thuốc chữa bệnh từ lâu đời, người Dao đỏ được tổ tiên truyền lại cho nhiều bài thuốc quý chữa bệnh mà không dân tộc nào có được.

Anh Lý Láo Lở - Giám đốc Công ty cổ phần kinh doanh các sản phẩm bản địa Sa Pa (Sapanapro) cho biết: Công ty được thành lập từ năm 2006, ban đầu chỉ có 14 cổ đông nhưng đến nay đã có hơn 100 cổ đông - là các hộ đồng bào nông dân nghèo tham gia góp sức trồng nguyên liệu, chăm sóc thu hoạch dược liệu, đóng gói sản phẩm. Nhiều hộ còn sử dụng sản phẩm của công ty sản xuất phát triển dịch vụ tắm thuốc tại nhà phục vụ du khách. Một số hộ còn mạnh dạn đầu tư làm nhà phục vụ nghỉ ngơi, kinh doanh các món ăn dân tộc phục vụ khách du lịch… đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân nơi đây.

“Khoảng hơn chục năm về trước, đời sống bà con dân tộc ở Tả Phìn vẫn còn nhiều khó khăn lắm. Nhưng nay khác nhiều rồi, khách tây, khách ta đến thăm bản quanh năm. Nhiều dịch vụ phục vụ du khách đã giúp bà con nơi đây có thêm việc làm và thu nhập, đời sống vì thế cũng có phần được cải thiện hơn…” - anh Lý Láo Lở cho hay.

Niềm vui về trên bản làng...

Sinh ra, lớn lên và gắn bó cuộc đời với mảnh đất này, anh Lý Láo Xao - thôn Tả Chải, xã Tả Phìn hiểu rõ hơn ai hết những đổi thay ở quê hương mình. Anh hồ hởi chia sẻ: Cách đây chục năm, nếu anh chị lên Tả Phìn sẽ thấy chủ yếu là nhà tranh, vách đất, còn hôm nay nhiều nhà đã được xây dựng kiên cố, có ti vi, xe máy, con cái được học hành tử tế.

Những hộ nghèo được Nhà nước, các cấp, ngành, địa phương và các tổ chức phi chính phủ trợ giúp cây con giống, kỹ thuật để phát triển sản xuất tăng thu nhập. Những hộ khá hơn thì tư vấn, truyền kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi cho những hộ nghèo, cùng bảo nhau làm ăn. Ngoài nương rẫy, chăn nuôi, thì nấu rượu, trồng cây thuốc, kinh doanh các dịch vụ phục vụ khách du lịch.

Người dân Tả Phìn nhận con giống hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ về chăn nuôi

Điều đặc biệt khi được hỏi về nếp sống của bà con nơi đây, anh Lý Láo Xao chỉ tay lên ngọn đồi phía trên nói: Trên đó, nhà ai cũng mở chuồng trại chăn nuôi, có nhà nuôi trâu, nhà nuôi gà, nhà nuôi lợn khá nhiều. Nhưng không phải chỉ nuôi để bán, mà mỗi khi nhà nào trong thôn có việc lớn (hiếu, hỷ…) là sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau, cho nhau “mượn” lợn, gà, trâu… để lo công việc. Từ đời ông bà đến con cháu chúng tôi, bao đời nay cứ như vậy, không bao giờ thay đổi.

Cuộc sống đi lên, Internet đã về tận bản, mạng di động đã phủ sóng rộng khắp, người Dao đỏ không chỉ biết nói tiếng bản ngữ, tiếng Kinh mà nhiều người còn nói được cả tiếng Anh trao đổi, hướng dẫn cho du khách nước ngoài khi đến Tả Phìn. Song bản chất, tình cảm của họ dường như vẫn mộc mạc, giản dị, chân chất… gắn kết cùng thiên nhiên nhiên, núi rừng.

Một trong những nét độc đáo về tính gắn kết thể hiện qua Lễ hội “Tết nhảy” của người Dao đỏ tổ chức vào ngày mùng một và mùng hai Tết âm lịch hàng năm và chỉ tổ chức duy nhất tại nhà ông trưởng họ. Trong Tết nhảy, người Dao đỏ sẽ nhảy múa, hát các điệu hát ca ngợi công lao của tổ tiên, ôn lại sự tích dòng họ, khích lệ các sinh hoạt cấy trồng, dệt vải, săn bắn…

Rời Tả Phìn, chúng tôi lên đường tiếp tục hành trình Tây Bắc. Để lại phía sau, những màu xanh của ruộng nương bậc thang ngút tầm mắt. Chia tay Tả Phìn là chúng tôi đã tạm biệt vùng đất với nhiều đặc sản thú vị, con người thân thiện. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, Tả Phìn sẽ được quan tâm đầu tư hơn nữa phát triển kinh tế, du lịch, giúp đời sống người Dao đỏ ngày càng khá giả hơn…

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doi-thay-o-xa-vung-cao-ta-phin-152317.html