Đổi thay ở xã nghèo

Từ xã còn nhiều khó khăn của huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận), xã Thuận Minh đã nỗ lực đạt chuẩn nông thôn mới đúng thời hạn.

 Các đường làng ở xã Thuận Minh đã được bê tông hóa nên các em nhỏ đạp xe đi học thuận lợi.

Các đường làng ở xã Thuận Minh đã được bê tông hóa nên các em nhỏ đạp xe đi học thuận lợi.

Xã Thuận Minh có 4 thôn, dân số 1.810 hộ/7.166 khẩu. Trước khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM), thu nhập bình quân đầu người rất thấp chỉ đạt 19 triệu đồng/năm. Đặc biệt tại thôn Ku Kê của xã này chủ yếu là đồng bào dân tộc Rai (hay Raglay) sinh sống, với tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 50%.

Xuất phát điểm thấp nhưng với nỗ lực của chính quyền và nhân dân, Thuận Minh đã hoàn thành 19 tiêu chí NTM và “về đích” đúng thời hạn vào năm 2019.

Ông Hồ Thanh Nhanh, Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Minh cho biết: “Xác định rõ nhiệm vụ xây dựng NTM sẽ góp phần nâng cao đời sống, kinh tế cho người dân, UBND xã luôn quan tâm thực hiện các nội dung xây dựng NTM và giảm nghèo theo kế hoạch đề ra hàng năm. Cán bộ xã được bố trí xuống địa bàn hỗ trợ nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế”.

Với lợi thế đất đai rộng, nguồn nước dồi dào nhờ hưởng lợi từ kênh chính sông Quao và hệ thống Ku Kê - Phú Sơn nên sản xuất của nông dân thuận lợi.

Từ các nguồn vốn NTM, vốn hỗ trợ đất lúa theo Nghị định 35 của Chính phủ, vốn vay phát triển sản xuất của Trung ương, tỉnh, huyện, xã Thuận Minh đã thực hiện một số mô hình, như xã hội hóa giống lúa, hỗ trợ phân thuốc cho các tổ sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, tưới phun, rau ăn lá, cây ăn quả, hỗ trợ phân bón hữu cơ vi sinh 100%… giúp nông dân tăng thêm thu nhập.

Các mô hình chuyển đổi cây trồng trên địa bàn xã Thuận Minh giúp nông dân thu nhập cao hơn trồng lúa.

Theo tìm hiểu chúng tôi, hiện nay ngoài diện tích lúa là cây trồng chủ lực với trên 3.946 ha, xã Thuận Minh còn hướng dẫn bà con chuyển đổi một số diện tích chân ruộng chủ động nước tưới sang trồng 400 ha thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP cho thu nhập cao.

Đồng thời xã còn chuyển đổi gần 150 ha phát triển các loại cây màu như dưa leo, khổ qua, bí xanh… Nhờ vậy, đời sống nhân dân xã Thuận Minh được nâng lên rõ rệt, với mức thu nhập bình quân đầu người đạt 38,7 triệu đồng/năm; hộ nghèo giảm còn 61 hộ, chiếm 3,38%.

Bên cạnh chú trọng nâng cao thu nhập cho người dân, trong quá trình xây dựng NTM, xã Thuận Minh cũng xác định tiêu chí giao thông rất quan trọng. Vì nếu xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn bài bản sẽ góp phần kết nối giao thương, phục vụ việc đi lại và sản xuất của người dân. Tuy nhiên đây là một trong những tiêu chí khó bởi cần nguồn vốn lớn.

Vì vậy, để hoàn thành tiêu chí này, xã Thuận Minh phát huy sức mạnh tập thể. Nhờ vậy, đến nay toàn xã có 9,4 km đường trục xã, liên xã được nhưa hóa như tuyến Ma Lâm – Thuận Minh, Phú Hội – Cẩm Hang – Sông Quao, Thuận Minh – Hàm Phú.

Từ đó, người dân thuận tiện đi lại, vận chuyển nông sản cũng như giao thương buôn bán với các xã lân cận. Bên cạnh đó, xã này còn đổ bê tông hơn 11,9 km đường trục thôn xóm và 32 km đường nội đồng được cứng hóa.

Có thể nói phong trào làm giao thông nông thôn ở Thuận Minh là một “điểm nhấn” trong chương trình xây dựng NTM với sự đồng thuận, tích cực hưởng ứng của người dân thông qua việc hiến đất làm đường, đóng góp kinh phí cùng Nhà nước làm đường.

Cụ thể, trong tổng kinh phí 36,6 tỷ đồng xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn, người dân tự nguyện đóng góp trên 5,5 tỷ đồng, chiếm 15,4% tổng kinh phí.

Dẫn chúng tôi tham quan các đường thôn, xóm đã được bê tông hóa, cứng hóa, ông Trần Văn Tuấn, ở thôn Ku Kê, vui mừng nói: Từ khi địa phương triển khai xây dựng NTM, bộ mặt thôn, xóm đổi thay từng ngày. Nhất là không còn cảnh phải đi đường đất, bụi vào mùa nắng, lầy lội vào mùa mưa nữa. Ban đêm có điện chiếu sáng, bọn trẻ vui đùa chúng tôi cũng rất yên tâm…

Có thể nói kết quả phát triển giao thông nông thôn thời gian qua đã làm thay đổi rõ nét về diện mạo bộ mặt nông thôn, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Theo lãnh đạo xã Thuận Minh, mặc dù sau khi đạt chuẩn NTM, nhưng xã vẫn tiếp tục phát động phong trào làm đường giao thông tạo khí thế thi đua sôi nổi trong dân. Lãnh đạo xã cùng các đoàn thể, bí thư chi bộ thôn cùng xoắn tay áo ra quân đổ bê tông các đoạn đường tuyến đường ở tổ 3, thôn 2 dài 400 m - đây là tuyến đường nhân dân tự tổ chức thi công.

Thành quả xã đạt chuẩn NTM là niềm vui và động lực để cán bộ và nhân phấn đấu nâng chuẩn thêm các tiêu chí.

Duyên Sơ

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/doi-thay-o-xa-ngheo-d261404.html