Đổi thay ở vùng cao

60 năm sau ngày quê hương giải phóng, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết thống nhất, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, qua đó đạt được những thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Kinh tế phát triển toàn diện

Những ngày tháng 9, vùng cao Khánh Vĩnh như đang khoác lên mình tấm áo mới trẻ trung, năng động. Ngoài những chứng tích lịch sử còn sót lại của thời chiến như nhắc nhở những người con vùng cao về niềm tự hào của một vùng đất có truyền thống kháng chiến hào hùng thì bây giờ, bộ mặt Khánh Vĩnh đang đổi thay từng ngày. Từ một vùng miền núi năm xưa bị bom cày đạn xới, đời sống kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, đến nay, Khánh Vĩnh đã có gần 40.000 dân, gồm 13 xã và thị trấn Khánh Vĩnh đã đạt đô thị loại V. Nền kinh tế của huyện có bước phát triển toàn diện, mức tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt khá, năm sau luôn cao hơn năm trước, bình quân đạt từ 7% đến 9%/năm; tổng giá trị sản xuất đến năm 2020 đạt hơn 867 tỷ đồng; đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 1.441 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 23 triệu đồng/năm. Thu ngân sách nhà nước năm 2020 gần 114 tỷ đồng, gấp 230 lần so với năm 1988.

 Trung tâm thị trấn Khánh Vĩnh. Ảnh: Vương Mạnh Cường

Trung tâm thị trấn Khánh Vĩnh. Ảnh: Vương Mạnh Cường

Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quy mô ngành nông nghiệp huyện đã có bước phát triển đa dạng, kinh tế trang trại, gia trại phát triển mạnh, thu hút các doanh nghiệp đầu tư, dần hình thành các trang trại tập trung trồng cây ăn trái, chăn nuôi theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp. Hiện nay, huyện có 16 trang trại chăn nuôi tập trung, 1 trang trại trồng rau màu trong nhà lưới áp dụng công nghệ cao vào sản xuất và hàng trăm gia trại của hộ gia đình đầu tư trồng cây ăn trái, chăn nuôi... Mô hình sản xuất theo chuỗi thực phẩm an toàn tiêu chuẩn VietGAP cũng từng bước được nhân rộng. Huyện đã xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể “Bưởi da xanh Khánh Vĩnh”; có 3 hợp tác xã và 13 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp để đáp ứng việc chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa của ngành nông nghiệp. Sản lượng lương thực toàn huyện đạt 5.172 tấn, tăng 942 tấn so với năm 1985, đã cơ bản đáp ứng nhu cầu lương thực tại chỗ. Sản xuất lâm nghiệp cũng phát triển mạnh với cây chủ lực là cây keo lai, toàn huyện đạt hơn 10.000ha, giá trị đem lại mỗi năm hơn 20 tỷ đồng.

Để gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc và nâng cao đời sống văn hóa, hàng năm, các hoạt động văn hóa, văn nghệ được địa phương tổ chức dưới nhiều hình thức.

Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng

Ông Văn Ngọc Hường - Chủ tịch UBND huyện cho biết, sau 60 năm giải phóng và 35 năm tái lập huyện, từ chỗ hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật yếu kém, lạc hậu; hệ thống giao thông từ huyện đến cơ sở hầu như chưa được đầu tư, chủ yếu là đường đất và đường đá cấp phối lầy lội, đi lại khó khăn, đến nay, hệ thống giao thông được đầu tư xây dựng mạnh mẽ, giao thông nông thôn được mở rộng, trải nhựa, bê tông hóa; 100% xã có đường giao thông đến UBND xã. Nhiều dự án hạ tầng cơ sở như: Khu tái định cư thị trấn Khánh Vĩnh, xã Giang Ly, xã Sơn Thái; cầu Hoàng Quốc Việt; Trung tâm Y tế Khánh Vĩnh... đã được xây dựng kiên cố, khang trang; dự án Cụm Công nghiệp Sông Cầu đã và đang được đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, với hơn 50km Quốc lộ 27C đi qua địa bàn huyện đã tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Điện lưới quốc gia đã về khắp các khu dân cư, hệ thống điện được đầu tư nâng cấp và đảm bảo 100% số thôn, tổ của huyện được phủ điện lưới quốc gia, hơn 98% số hộ gia đình được sử dụng điện; hơn 98% hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Đến nay, toàn huyện Khánh Vĩnh có 41 cơ sở giáo dục, 1 trường trung cấp nghề với 10.286 học sinh và 858 giáo viên.

Những ngày đầu tái lập, địa phương hầu như không có cơ sở sản xuất công nghiệp nào, tiểu thủ công nghiệp được hình thành tự phát. Đến nay, huyện đã có 192 cơ sở sản xuất, tăng 148 cơ sở so với năm 1990; có 11 doanh nghiệp sản xuất chế biến gỗ, vật liệu xây dựng; năm 2019, giá trị sản xuất đạt 65 tỷ đồng; chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng bình quân từ 8% đến 10%/năm. Kinh doanh thương mại, dịch vụ có bước phát triển mạnh, tạo việc làm và thu nhập cho người dân khu vực nông thôn. Nếu năm 1986, toàn huyện chỉ có 52 cơ sở kinh doanh thì đến năm 2019 đã có 1.151 cơ sở kinh doanh; có 5 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, dịch vụ ăn uống, giải trí... Tổng mức bán lẻ ngành thương mại dịch vụ đạt bình quân 143 tỷ đồng/năm; tăng bình quân 12%/năm.

Song song với phát triển kinh tế, các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội đạt được những thành tựu đáng kể. Đến nay, huyện có 41 cơ sở giáo dục và 1 trường trung cấp nghề; 100% trạm y tế xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia; hàng năm, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng mở rộng đạt hơn 98%... Đặc biệt, địa phương đã cơ bản hoàn thành xóa nhà tạm cho các gia đình chính sách; 85% hộ có nhà ở kiên cố và bán kiên cố; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 98% toàn huyện...

Bên cạnh những kết quả đạt được, địa phương vẫn còn những khó khăn. Theo lãnh đạo huyện, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục nỗ lực, tập trung huy động mọi nguồn lực đẩy nhanh xây dựng nông thôn mới; tranh thủ sự giúp đỡ từ Trung ương đến địa phương để đầu tư, cải tạo nâng cấp các công trình hạ tầng kỹ thuật; thực hiện tốt hơn nữa các chính sách an sinh xã hội... từ đó nâng cao chất lượng đời sống người dân về mọi mặt, để Khánh Vĩnh ngày càng phát triển hơn.

Vĩnh Thành

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202009/chao-mung-ky-niem-60-nam-ngay-giai-phong-huyen-khanh-vinh-23-9-1960-23-9-2020-va-35-nam-ngay-tai-lap-huyen-8-1985-8-2020-doi-thay-o-vung-cao-8184927/