Đổi thay ở Si Ma Cai- Nghị quyết 22 mở hướng tương lai

Chúng tôi lên Si Ma Cai (Lào Cai) vào một sáng thứ 7 dịp cuối tháng 8, đúng phiên chợ trâu Cán Cấu - phiên chợ nổi tiếng, có thể gọi là 'sàn giao dịch trâu' lớn nhất Tây Bắc. Giữa mênh mông trời núi, chợ trâu nhộn nhịp người, xe và hàng nghìn con trâu được mang đến chợ…

"Mình vừa bán con trâu được 40 triệu đồng, có tiền sắm đồ và lo cho con đi học yên tâm rồi, thoát nghèo từ Nghị quyết 22 đem lại đấy! Bản mình giờ nhà nào cũng có vài con trâu" - sự hứng khởi, nét mặt hồ hởi của anh Giàng A Né (thôn Nà Mổ Cái, xã Lùng Sui) khi chia sẻ càng tạo thêm "sức hút" để chúng tôi "lên Si", lên với Nghị quyết 22!

Phiên chợ trâu Cán Cấu (huyện Si Ma Cai)

Phiên chợ trâu Cán Cấu (huyện Si Ma Cai)

Đã từng lên Si Ma Cai khi huyện mới tái thành lập năm 2000 (tách ra từ huyện Bắc Hà), khi đó, Si Ma Cai còn chưa có khu thị trấn, trung tâm huyện chỉ là vài con đường đất cheo leo, xe cộ đi lại khó khăn, dân cư thưa thớt với vài nóc nhà... Hôm nay, Si Ma Cai đã có một khu trung tâm hành chính với trụ sở của các cơ quan chính quyền, cũng đã có nhiều ngôi nhà hai, ba tầng mọc lên, những con đường trong thị trấn đi lại cũng dễ dàng hơn. So sánh để thấy những đổi thay và mừng cho Si Ma Cai. Tuy nhiên, với một người đã đi nhiều địa phương, thì cảm nhận của tôi là: Si Ma Cai vẫn quá khó khăn. Có lẽ cũng chính vì sự khó khăn ấy (từ giao thông, khoảng cách về đời sống)… nên khi công tác hay có việc lên với Si Ma Cai, người dân các địa phương khác ở Lào Cai thường hay gọi là "lên Si" như để nói đến sự gian khó. Quả thật, Si Ma Cai thực sự khó, bởi đến năm 2014 thì 13/13 xã (100%) đều thuộc diện đặc biệt khó khăn. Si Ma Cai có trên 35.000 người với 15 dân tộc cùng sinh sống, trong đó chiếm 80% là dân tộc Mông, trình độ dân trí, chất lượng nguồn lao động thấp nhất tỉnh, thu nhập bình quân đầu người khoảng 9,6 triệu đồng/người/năm, chỉ bằng 1/3 bình quân chung cả tỉnh. Có lẽ không chỉ tỉnh Lào Cai, dù cùng nằm trên danh sách 62 huyện nghèo trong cả nước theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, nhưng Si Ma Cai phải xếp vào "diện" nghèo, khó khăn nhất cả nước...

Cũng chính vì lẽ đó mà trong suốt thời gian dài, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai luôn trăn trở để làm sao phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân…, từng bước đưa Si Ma Cai phát triển theo kịp mặt bằng chung của tỉnh. Đó cũng là lý do ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TU (ngày 11/11/2014) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về giảm nghèo bền vững huyện Si Ma Cai đến năm 2020.

Theo tinh thần Nghị quyết, tỉnh Lào Cai sẽ có cơ chế hỗ trợ riêng cho Si Ma Cai phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác tốt các thế mạnh của địa phương, chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp từ trồng trọt sang chăn nuôi gia súc là chủ yếu. Cùng với đó là xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả theo quy hoạch, xây dựng xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, thực hiện tốt công tác bình đẳng giới, nâng cao trình độ dân trí, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh… Để thực hiện mục tiêu này, những "cơ chế mạnh" đã được ban hành.

Có thể vay đến 500 triệu đồng để phát triển chăn nuôi

Làm việc ở Si Ma Cai, tôi cảm nhận được sự lan tỏa trong triển khai thực hiện Nghị quyết 22 tại địa phương. Không chỉ nhớ như in ngày ban hành Nghị quyết, cán bộ, công chức tại Si Ma Cai đều nắm rất chắc các chỉ tiêu cơ bản đề ra trong Nghị quyết. Đặc biệt, mục tiêu chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp từ trồng trọt sang chăn nuôi gia súc là chủ yếu, giúp người dân thoát nghèo, có đời sống khá hơn được các cấp, ngành và mỗi hộ dân phấn khởi hưởng ứng, quyết tâm thực hiện. Để đạt mục tiêu này, những cơ chế hỗ trợ mạnh đã được đề ra. Ông Trương Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai - cho biết: Ngay sau khi Nghị quyết ban hành, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo và xây dựng chương trình hành động, kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết, có phân kỳ từng năm. Ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2015, cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đã bắt tay thực hiện với quyết tâm cao nhất.

Riêng Đề án Phát triển chăn nuôi đại gia súc với quy mô gần 3.000 hộ tham gia, tổng kinh phí khoảng 500 tỷ đồng. Biện pháp thực hiện là các hộ đăng ký thành lập các nhóm, phân loại điều kiện, năng lực của gia đình, khi có nguồn giải ngân sẽ triển khai từng giai đoạn. Khi đăng ký nuôi trâu, bò, hộ nông dân phải chứng minh được có diện tích đất trồng cỏ, đất quy hoạch làm chuồng, lao động… mới được nghiệm thu và giải ngân; đăng ký rõ mua loại trâu, bò nào, mua ở đâu, bao nhiêu con, hình thức nuôi vỗ béo hay nuôi sinh sản… để xác nhận cho vay vốn. Theo tính toán, tốc độ tăng trưởng đàn trâu, bò của huyện Si Ma Cai trung bình chỉ khoảng 4%/năm, trong khi cả giai đoạn 2015 - 2020 phải tăng thêm 10.000 con, tức là gấp khoảng 5 lần so với tăng tự nhiên, nên huyện xác định chủ yếu là tăng cơ học. Cũng vì vậy mà vấn đề nguồn cung cấp giống; phòng tránh dịch bệnh; bảo đảm vệ sinh môi trường nông thôn… đã được đặt ra rốt ráo, như: Tăng cường công tác thú y, làm chuồng nuôi nhốt, trồng cỏ làm nguồn thức ăn cho gia súc, tận dụng chất thải làm phân vi sinh…

Để tìm hiểu về phát triển chăn nuôi, chúng tôi đã tìm đến Bản Mế - xã phát triển chăn nuôi theo Nghị quyết 22 mạnh nhất của huyện. Ông Ngô Tiến Sơn - Chủ tịch UBND xã Bản Mế - cho hay, trước năm 2015 toàn xã chỉ có khoảng 600 con trâu và hơn 100 con bò. Sau khi triển khai Nghị quyết 22, đến nay xã đã có trên 1.000 con trâu và khoảng 600 con bò. "Nếu như có kế hoạch, phương án tốt, mỗi hộ gia đình có thể vay từ 100 - 500 triệu đồng để phát triển chăn nuôi trâu, bò. Đây là sự hỗ trợ lớn, tạo cơ hội cho người dân làm giàu. Bà con rất mừng và quyết tâm hơn khi thực hiện mở rộng sản xuất theo tinh thần Nghị quyết…" - ông Sơn chia sẻ trong niềm vui.

Anh Lù Văn Khinh và đàn trâu của gia đình

Để tường tận việc phát triển chăn nuôi của bà con, chúng tôi tìm đến thôn Na Pá. Đường về thôn đã được bê tông hóa, trong thôn đến đâu cũng thấy những luống cỏ voi xanh mướt. Ghé nhà anh Lù Văn Khinh (người dân tộc Nùng), tôi vô cùng bất ngờ về quy mô và cách chăn nuôi trâu của gia đình. Nếp nhà dù còn nhỏ nhưng khi đi thăm chuồng trại nuôi trâu thì thực sự khác biệt. Chuồng trại được xây dựng có mái che, tường bao chắc chắn, sạch sẽ với đàn trâu cả chục con béo núc đến kỳ xuất bán và dăm con nghé… Anh Lù Văn Khinh chia sẻ, nếu xuất bán đàn trâu thời điểm hiện tại có thể thu gần 400 triệu đồng, tuy nhiên anh chưa bán vì giá trâu đang thấp. Anh cho biết thêm, giữa năm 2015, anh đã vay 175 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ cho vay chăn nuôi thực hiện theo Nghị quyết 22, từ 2 con trâu ban đầu đến nay anh đã có "cơ ngơi" hơn cả giấc mơ. "Đợi giá trâu lên, mình sẽ bán bớt và tiếp tục nuôi lứa mới nhiều hơn…" - anh Lù Văn Khinh nói.

Anh Lù Văn Khinh: Giữa năm 2015, tôi đã vay 175 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ cho vay chăn nuôi thực hiện theo Nghị quyết 22, từ 2 con trâu ban đầu đến nay tôi đã có "cơ ngơi" hơn cả giấc mơ.

Tạo đà phát triển sản xuất hàng hóa

Huyện ủy Si Ma Cai vừa tiến hành sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 22 trên địa bàn. Do chương trình mục tiêu đang trong giai đoạn đầu nên con số thống kê có thể chưa đầy đủ, nhưng nhìn vào những kết quả đạt được có thể thấy những bước chuyển mình của địa phương, thấy rõ những tác động mang tính "đòn bẩy" của Nghị quyết 22 đối với Si Ma Cai. Cùng với những đổi thay trong phát triển y tế, giáo dục, văn hóa theo mục tiêu Nghị quyết đặt ra, như: Đến năm 2020, 100% hộ dân có nhà bán kiên cố trở lên; các cơ sở y tế đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn với 100% xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã năm 2020; phấn đấu 100% các trường mầm non đến trung học cơ sở đạt chuẩn… những chỉ tiêu ấy đang dần được cụ thể hóa. Nghị quyết cũng đề ra đến năm 2020, huyện sẽ có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và đầu năm 2017, Mản Thẩn đã trở thành xã đầu tiên của huyện đạt chuẩn NTM. Hiện, trên địa bàn không còn xã nào đạt dưới 5 tiêu chí NTM, đây được xem là sự chuyển mình lớn đối với một huyện khó khăn như Si Ma Cai.

Trở lại với chăn nuôi - lĩnh vực then chốt có tính quyết định trong xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân. Sau 2 năm triển khai Nghị quyết 22, huyện Si Ma Cai đã giảm nghèo cao hơn mục tiêu đề ra 4,55%. Thu nhập bình quân đầu người tăng rõ rệt, năm 2016 đạt 19,57 triệu đồng/người (so với 9,6 triệu đồng/người năm 2014). Con số này đạt được chủ yếu từ việc người dân phát triển chăn nuôi trâu, bò… Quan trọng hơn, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết, người dân đã có ý thức về chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, phát triển những cây có thế mạnh, đặc biệt lĩnh vực chăn nuôi đã mang tính sản xuất hàng hóa, từng bước chuyển từ thả rông sang nuôi nhốt, thả có kiểm soát, chuồng trại, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, phòng chống rét cho gia súc đã "chuyên nghiệp" hơn…

Sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 22, đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số ở Si Ma Cai đã có nhiều đổi thay. Đặc biệt, định hướng chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ trồng trọt sang chăn nuôi là đúng hướng, phát huy thế mạnh địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, để giúp bà con chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa thì câu chuyện thị trường cần được tính đến và có sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành…
Chứng kiến nhiều đổi thay, những thanh âm tươi vui của ngày mới, chúng tôi tin rằng, đến năm 2020 và một tương lai không xa, Si Ma Cai sẽ có diện mạo mới tươi sáng hơn rất nhiều.

Chứng kiến nhiều đổi thay, những thanh âm tươi vui của ngày mới, chúng tôi tin rằng, đến năm 2020 và một tương lai không xa, Si Ma Cai sẽ có diện mạo mới tươi sáng hơn rất nhiều.

Quang Dương - Phạm Tiệp

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/doi-thay-o-si-ma-cai-nghi-quyet-22-mo-huong-tuong-lai-93064.html