Đổi thay ở một vùng cứ địa

Ba Lòng, nơi cư trú của đồng bào Pa Cô, Vân Kiều vốn là vùng đất nghèo, người dân chủ yếu sống trong tình trạng tự cung, tự cấp thì nay Ba Lòng đã nổi lên những gương sáng về sự làm giàu. Ba Lòng đã thay da, đổi thịt!

Ba Lòng đã thay da đổi thịt từng ngày.

Một thời để nhớ

Ba Lòng là vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, người dân Ba Lòng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình; chi viện sức người sức của cho bộ đội chiến đấu, xây dựng thành công nhiều cơ sở cách mạng ở các địa bàn ngoài huyện.

Giai đoạn 1947-1954, thực dân Pháp đã nhiều lần tập trung quân tấn công Ba Lòng, nhưng với địa thế hiểm trở và lòng kiên trì cùng sự che chắn của đồng bào các dân tộc, Chiến khu Ba lòng vẫn đứng vững và lãnh đạo kháng chiến. Vì nằm ở vị trí hiểm hóc nên đường tới Ba Lòng hồi ấy cũng hết sức khó đi. Lên với Ba Lòng thời kì này vẫn là chân trần men theo các hẻm núi hay đi đò từ Thạch Hãn lên.

Sau năm 1954, khi Pháp bị ta đánh đuổi, vì nằm ở nơi nổi tiếng lên Ba Lòng cũng nhanh chóng được Mỹ - Ngụy đưa vào thế cùm kẹp. Từ Ba Lòng, theo đường chim bay rất gần Thành cổ Quảng Trị. Đặc biệt thời kì Mĩ thiết lập “Hàng rào điện tử McNamara” thì toàn bộ Ba Lòng cũng nằm trọn trong tầm kiểm soát này.

Khi chiến dịch Đường 9 – Nam Lào, vô hình trung, một lần nữa Ba Lòng lại nằm trọn trong tầm đạn pháo nã và việc rải chất diệt cỏ và phát quang (điôxin). Đạn pháo, chất độc đã làm người và đất ở đây tê liệt. Để chống chọi với những tàn phá khủng khiếp này, người dân đã di cư di tản, một thời Ba Lòng nằm trong tình trạng trắng dân và được coi là… “đất chết”.

Đường về cứ địa Ba Lòng.

Đất nghèo nay đã đổi thay

Sau những năm chiến tranh, kéo dài đến năm 1997, khi huyện Đakrông chưa được thành lập, Ba Lòng vẫn luẩn quẩn với những đói nghèo. Ngày ấy từ trung tâm huyện lên Ba Lòng, người dân vẫn đi chủ yếu bằng hai con đường là men theo sông Ba Lòng hay đi đò từ Thạch Hãn (thị xã Quảng Trị) mà lên. Ròng rã cả ngày trời người ta mới thấy đất và người Ba Lòng. Thấy nhưng cũng buồn ngay vì tình trạng đói nghèo nơi đây.

Không để Ba Lòng mãi nghèo, lãnh đạo huyện Đakrông xác định và đưa ra nhiều quyết sách trong sự phát triển của mình. Để mảnh đất này thực sự có cơ hội vươn lên, cán bộ được lựa chọn, họ đã đem trong mình một tấm lòng lên với Ba Lòng mà quyết tâm lớn nhất là bám dân và tìm cách thoát nghèo.

Đầu tiên là đường, với sự kêu gọi và ưu tiên vốn đầu tư, một thời gian ngắn sau ngày thành lập huyện, hơn 18km đã được trải nhựa hanh thông, chấm dứt việc gò lưng đạp xe trên những con đường đá hộc hay ngược sông, ngược ghềnh mà lên. Cùng với con đường, điện lưới quốc gia cũng đã được kéo vào từ năm 2000.

Hiện Ba Lòng có khoảng 600 hộ, sinh sống trong 10 thôn của xã. Trước đây, thời cao điểm, 60% hộ dân của xã đói nghèo. Nhưng cùng với chủ trương “một lòng” được phát huy nên chỉ trong một thời gian ngắn, hiện Ba Lòng chỉ còn 65 hộ nghèo. Vì đất chiến địa nên một thời ruộng đất Ba Lòng bị hoang hóa. Sau một thời cầm tay chỉ việc, nói cho dân rõ, dân hiểu và tạo động lực hăng say sản xuất, tới nay Ba Lòng đã có cho mình 52ha ruộng nước, gần 300ha trồng hoa mầu, trong đó có các loại đặc sản như đậu tương và ngô.

Dân bắt đầu no bụng, trường lớp được mở, đường sá hanh thông đã tạo sự giao lưu và nâng cao nhận thức cho người dân Ba Lòng. Hiện nay, theo thống kê, toàn xã có khoảng 400 nam nữ thanh niên Ba Lòng đã vào TP Hồ Chí Minh hay ra nước ngoài làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp. Cùng với đó là tiền, là vật chất hàng năm được đem về với Ba Lòng.

Đến chiến khu Ba Lòng hôm nay sẽ thấy những ngôi trường được xây dựng khang trang, những con đường bê tông trải dài nối liền thôn xóm, điện thắp sáng khắp nơi…cuộc sống của người dân Ba Lòng thực sự đổi thay mà bằng chứng rõ rệt nhất là tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua các năm. Đời sống phát triển, bà con tích cực tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ thể dục thể thao, các phong trào, cuộc vận động do MTTQ phát động, nhất là cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Người dân Ba Lòng với cuộc sống mới.

Trước đây vào mùa mưa lũ, người dân các thôn Vạn Đá Nổi, Đá Nổi, Hà Vụng, Hưng Châu… bất an, vì nhà cửa ở gần mép sông, dễ bị sạt lở và ngập lụt. Được sự quan tâm đặc biệt của Đảng ủy, các cấp chính quyền, năm 2013, người dân vùng trũng xã Ba Lòng được đầu tư xây dựng khu tái định cư cạnh khu vực trung tâm xã. Dự án được hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2014.

Tại nơi ở mới, mỗi hộ được cấp thêm 750m2 đất sản xuất, bà con đã rất yên tâm sinh sống, phát triển kinh tế. Chỉ sau thời gian ngắn, cuộc sống của bà con đã có nhiều khởi sắc, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi tăng cao hơn nhiều so với nơi ở cũ.

Ba Lòng cũng đã nổi lên những gương sáng về sự làm giàu. Trong các mô hình làm giầu hộ gia đình thì không thể không nhắc đến ông Nguyễn Văn Thức. Là người đã bám đất, bám làng, một thời phải xa nó vì chiến tranh, nay trở lại mảnh đất này, ông Thức đã nhanh chóng trở thành tấm gương sáng về sự làm giầu của mình.

Từ một hộ gia đình khó khăn, bằng việc mạnh dạn vay vốn đầu tư, ông đã thành chủ trang trại tầm cỡ với hàng chục trâu, bò. Bằng nguồn chăn nuôi đại gia súc này, hiện nay ông đã xây được nhà, mua sắm các vật dụng và đầu tư máy xay xát để làm dịch vụ. Không những nổi tiếng về chăn nuôi gia súc, ông còn là người đi đầu trong việc mở ruộng cấy lúa và trồng rừng. Bằng công sức và sự đầu tư của mình, ông đã có trên 1 mẫu lúa và 10ha rừng tràm để nuôi ong lấy mật và lấy gỗ bán.

Đinh Linh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dan-toc/doi-thay-o-mot-vung-cu-dia-tintuc407660