Đổi thay ở Bá Thước

Trạm y tế xã khang trang như bệnh viện, những con đường rải bê-tông, những ngôi nhà ngói mới và những đàn bò thảnh thơi trên triền đồi… phần nào nói lên sự đổi thay ở huyện Bá Thước, một trong những huyện nghèo thuộc diện 30a của tỉnh Thanh Hóa.

Trạm y tế xã Kỳ Tân, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) phục vụ người dân ngày một tốt hơn.

Trạm y tế xã Kỳ Tân, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) phục vụ người dân ngày một tốt hơn.

Chúng tôi có dịp trở lại Kỳ Tân đúng dịp cái Tết Kỷ Hợi 2019 cận kề. Những sắc hoa đào, hoa mơ biêng biếc dưới những tán rừng. Đường vào thôn, bản giờ đã được phủ bê-tông kiên cố thay cho những con đường mấp mô sỏi đá.

Là xã còn nhiều khó khăn của huyện Bá Thước với tỷ lệ hộ nghèo chiếm 17%, nhưng Kỳ Tân hôm nay đã có bước chuyển mình đầy khởi sắc. Chia sẻ về sự đổi thay của xã Kỳ Tân, Chủ tịch UBND xã Hà Văn Nguyệt cho biết, hiện toàn xã chỉ còn 160 hộ nghèo trên tổng số 950 hộ; tổng kết năm 2018, thu nhập bình quân trong xã đã nâng lên 19 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ thôn đạt chuẩn nông thôn mới là 50%... Có được kết quả nêu trên, bên cạnh sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước, của tỉnh phải kể đến sự hỗ trợ từ xã hội hóa trong công tác giảm nghèo. Từ năm 2015 đến 2018 xã Kỳ Tân đã nhận được sự hỗ trợ của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel (Viettel) theo chủ trương xã hội hóa trong việc thực hiện Nghị quyết 30a/NQ-CP về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng việc giúp xây nhà, bò giống cho các hộ nghèo, một trong những công trình an sinh quan trọng mà Viettel đã hỗ trợ xã Kỳ Tân là xây dựng trạm y tế xã vừa đi vào hoạt động tháng 12-2018. Trạm y tế mới cũng là một điểm sáng của xã Kỳ Tân đang đi lên. Khởi công từ tháng 9-2017, Trạm y tế xã Kỳ Tân có tổng mức đầu tư gần 3,9 tỷ đồng, được xây dựng kiên cố với hai tầng, 13 phòng (trong đó có năm phòng lưu trú người bệnh) và đầy đủ các phòng chức năng quan trọng, được trang bị thiết bị hiện đại phục vụ khám, chữa bệnh tuyến đầu cho người dân xã Kỳ Tân và các vùng lân cận.

Bác sĩ Hà Thị Dung, Trạm trưởng Trạm y tế xã Kỳ Tân cho biết, gần Tết Nguyên đán, trời lạnh cho nên nhiều người dân thường mắc các chứng bệnh như viêm đường hô hấp, khí quản, sốt… “Ngày trước trạm y tế cũ xuống cấp, trang thiết bị để khám và điều trị không có. Mặc dù tất cả người dân đều được cấp thẻ BHYT miễn phí nhưng có tháng cũng chỉ vài lượt người đến trạm xá. Còn giờ, nhiều người già mắc bệnh hen phế phản thích nằm điều trị luôn tại trạm y tế vì ấm áp và kiên cố hơn ở nhà”, bác sĩ Hà Thị Dung chia sẻ.

Trạm y tế mới đã làm thay đổi đáng kể điều kiện dân sinh trong vùng bởi Kỳ Tân vốn là một trong những xã nghèo nhất của huyện Ba Thước, nhất là người dân nơi đây sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, chăn nuôi gia súc. “Với người dân xã Kỳ Tân, sự hỗ trợ kịp thời đó đã tạo động lực để người dân nơi đây thoát nghèo”, Chủ tịch UBND xã Hà Văn Nguyệt nhấn mạnh.

Đi qua những cánh đồng ngô đang kỳ trổ bông là nhà cụ Bùi Thị Chớng (76 tuổi, dân tộc Mường, xã Lâm Xa), gặp chúng tôi, bà Chớng vui vẻ chia sẻ: Nuôi sáu người con, chỉ có củ mài, củ sắn để ăn, bao nhiêu năm cả nhà phải sống trong căn nhà dột nát bên sông. Rồi trời cũng thương, được Viettel hỗ trợ cho 50 triệu đồng xây nhà. Giá ông nhà tôi không mất sớm để có thể cùng tôi ăn bữa cơm trắng và ở trong ngôi nhà mới ấm cúng này thì cũng đỡ… tội”.

Cách nhà bà Chớng vài con ngõ là nhà chị Hà Thị Thắm. Đã quá trưa nhưng chị vẫn đang mải miết róc từng khúc mía để bón cho con bò mẹ vừa sinh ăn hồi sức. Là hộ nghèo lâu năm ở xã Lâm Xa cho nên năm 2015, gia đình chị Thắm nằm trong danh sách hàng chục hộ được nhận hỗ trợ bò sinh sản từ Viettel. Sau ba năm chăm sóc, bò đã sinh sản được hai lứa. Chị Thắm bảo, chú bê choai to lực lưỡng của lứa đầu vụ tới sẽ là nhân lực quan trọng trong gia đình giúp chị cày xới mảnh đất mà bấy lâu chị vẫn phải tự cuốc. Cũng giống như nhiều hộ gia đình nghèo khác, để có thể mưu sinh và nuôi con, chồng chị Thắm phải đi làm thợ hồ ở nơi khác, nhưng không may mắn, anh bị tai nạn lao động, trở nên tàn phế… “Giữa lúc tôi tưởng chừng như quẫn bách nhất thì nhận được bò giống hỗ trợ từ Viettel. Với tôi, con bò ấy không chỉ là “cần câu cơm” mà còn là món quà vô giá vực dậy tinh thần gia đình sau lần chồng tôi bị tai nạn”, chị Thắm xúc động chia sẻ.

Là một trong những doanh nghiệp được Chính phủ chọn tham gia Chương trình 30a từ những ngày đầu, Viettel đã hỗ trợ giúp đỡ hơn 200 tỷ đồng cho người dân ba huyện nghèo, gồm Bá Thước, Mường Lát của Thanh Hóa, Đa Krông của Quảng Trị giảm nghèo nhanh và bền vững trước năm 2020.

Minh Quang

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/dang-va-cuoc-song/item/39048402-doi-thay-o-ba-thuoc.html