Đổi tên, VietCredit được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên hơn 1.070 tỷ đồng

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có văn bản số 8028/NHNN-TTGSNH về việc tăng vốn điều lệ của Công ty tài chính Tín Việt (VietCredit).

Cụ thể, NHNN chấp thuận việc VietCredit tăng vốn điều lệ từ 604.921.000.000 đồng lên 1.070.371.390.000 đồng theo phương án đã được Đại hội đồng cổ đông của Công ty tài chính Tín Việt thông qua tại Nghị quyết số 158/2018/NQ-ĐHĐCĐ ngày 23/4 và Hội đồng quản trị thông qua tại Nghị quyết số 706/2018/VietCredit-NQ ngày 2/10.

VietCredit có trách nhiệm thực hiện việc tăng vốn điều lệ theo quy định của pháp luật. Sau khi hoàn tất các thủ tục phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ theo quy định của pháp luật, công ty có trách nhiệm nộp hồ sơ đề nghị sửa đổi mức vốn điều lệ tại giấy phép cho NHNN theo quy định.

Quyết định này có hiệu lực trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày ký. Trường hợp việc tăng vốn điều lệ chưa hoàn tất trong thời hạn cho phép, hoặc nếu Đại hội đồng cổ đông VietCredit thông qua việc thay đổi Phương án tăng vốn điều lệ đã được NHNN chấp thuận, văn bản này hết hiệu lực pháp lý.

Được biết, VietCredit có tiền thân là Công ty Tài chính Cổ phần Xi măng (CFC), một đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) và được thành lập vào ngày 5/9/2008.

CFC được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận đổi tên thành Công ty Tài chính cổ phần Tín Việt (VietCredit) từ ngày 18/6.

VietCredit được thực hiện các hoạt động của công ty tài chính tổng hợp gồm các hoạt động huy động vốn dưới các hình thức nhận tiền gửi của tổ chức; phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu để huy động vốn của tổ chức; vay vốn của tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật; vay NHNN dưới hình thức tái cấp vốn theo quy định của Luật NHNN Việt Nam.

Đối với hoạt động cấp tín dụng công ty có thể cho vay, bao gồm cả cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng; chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng, các giấy tờ có giá khác; bảo lãnh ngân hàng; phát hành thẻ tín dụng; bao thanh toán; cho thuê tài chính và các hình thức cấp tín dụng khác (sau khi được NHNN chấp thuận).

Kết thúc năm 2017, tổng tài sản của VietCredit đạt 1.937 tỷ đồng, bằng 95,8% con số năm 2016. Doanh thu đạt 114 tỷ đồng, giảm 29%. Lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 12 tỷ đồng, gấp 2,4 lần năm 2016.

Về nợ xấu, tính đến hết ngày 31/12/2017, nợ xấu tín dụng ở mức 0,27% (năm 2016 là 2,92%) trên tổng dư nợ.

Tuy nhiên, nợ xấu tại VAMC không phải nhỏ với mệnh giá khoảng 80 tỷ đồng, tương đương trên 10% dư nợ tín dụng đến hết năm 2017 (715 tỷ đồng). Phía VietCredit cho biết đã trích lập dự phòng cho khoản nợ xấu trên theo lộ trình.

Cuối 2017, một trong hai cổ đông sáng lập là Vietcombank bán 6,6 triệu cổ phần (10,91% vốn), thoái toàn bộ vốn khỏi CFC, thu về tổng cộng hơn 76 tỷ đồng. Trước đó, cổ đông lớn của CFC là Ngân hàng Bản Việt cũng rút vốn khỏi công ty. Tính đến thời điểm hiện tại, cổ đông lớn duy nhất của CFC là Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem). Bên cạnh đó, Công ty Siêu Thanh Hà Nội nắm lượng cổ phần không đáng kể, chỉ tương đương 0,07%. Gần 85% vốn điều lệ của VietCredit hiện do cổ đông thể nhân nắm giữ.

Khánh Linh

Nguồn ANTT: http://antt.vn/doi-ten-vietcredit-duoc-chap-thuan-tang-von-dieu-le-len-hon-1070-ty-dong-258449.htm