Đội tàu biển Việt Nam tiếp tục nằm trong Danh sách trắng

Tính đến hết 31/5, tỷ lệ tàu biển Việt Nam bị lưu giữ ở nước ngoài là 2,01%, tiếp tục nằm trong Danh sách trắng của Tokyo Mou.

Tin từ Cục Hàng hải VN, tính đến hết 31/5, tỷ lệ tàu biển Việt Nam bị lưu giữ ở nước ngoài là 2,01%. Đặc biệt, đội tàu biển Việt Nam vẫn duy trì nằm trong Danh sách trắng của Tokyo Mou (Tổ chức hợp tác kiểm tra Nhà nước cảng biển khu vực châu Á - Thái Bình Dương).

Đội tàu biển Việt Nam khi đến các cảng biển quốc gia khác trên thế giới phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát về an toàn, an ninh hàng hải. Ảnh minh họa

Đội tàu biển Việt Nam khi đến các cảng biển quốc gia khác trên thế giới phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát về an toàn, an ninh hàng hải. Ảnh minh họa

Hiện nay, với tàu biển Việt Nam chạy tuyến quốc tế đã có sự thay đổi về các khiếm khuyết thường xuyên được phát hiện.

Theo Cục Hàng hải VN, các khiếm khuyết tập trung chủ yếu là sự thiếu hụt về các ấn phẩm hàng hải, phao cứu, trang thiết bị phòng chống cháy, còn lại là các khiếm khuyết khác. Tàu biển Việt Nam khi đến các cảng biển quốc gia khác trên thế giới đều phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển và lao động hàng hải.

Thống kê của Cục Đăng kiểm VN, tính đến ngày 30/4, có 17 lượt tàu biển bị chính quyền cảng biển lưu giữ tại một số nước thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nguyên nhân do các tàu vi phạm các quy định của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) và Tổ chức lao động quốc tế (ILO).

Các tàu bị lưu giữ có Tan Cang Glory (Công ty CP Vận tải biển Tân Cảng, lưu giữ tại Trung Quốc), Green Sea (Công ty TNHH Thương mại vận tải quốc tế Hải Tín, lưu giữ tại Thái Lan), Sea Marine 1 (Công ty TNHH Dịch vụ vận tải biển Lan Dũng, lưu giữ tại Nga - thuộc Black Sea Mou), Long Tân 39 (Công ty TNHH Vận tải biển Long Tân, lưu giữ tại Thái Lan), Thinh An 888 (Công ty TNHH Vận tải biển Thịnh An, lưu giữ tại Thái Lan), Aquarius (Công ty cổ phần Vận tải sản phẩm khí quốc tế, lưu giữ tại Hàn Quốc)...

Các tàu bị lưu giữ phần lớn liên quan tới các khiếm khuyết về kỹ thuật, cũng như các vấn đề liên quan tới chất lượng thuyền viên.

Đơn cử, tàu Tancang Glory có một số khiếm khuyết như thuyền viên không thực hiện vận hành được thiết bị MF/HF SSB; Hệ thống phát hiện và báo cháy lỗi; Hệ thống phun sương chữa cháy cục bộ phía trên khu vực máy lọc dầu : khi thử, nước không phun trong khi bơm tự động chạy; Màn hình của 2 GPS nhìn không rõ...

Tàu Thinh An 888 có 5 thuyền viên mới nhập tàu đã không thực tập chữa cháy trong vòng 24h kể từ khi tàu hành trình; Thực tập chống cháy không thỏa mãn (thuyền viên không được làm quen với nhiệm vụ không phát tín hiệu báo động và việc xử lý tại chỗ rất hỗn loạn); Kế hoạch chuyến đi từ cảng Nghi Sơn tới cảng Jinhai không được lập; Ngôn ngữ làm việc không được ghi trong nhật ký tàu.

Tàu Green Sea không kiểm soát người lên tàu. Trong khi đó, tàu còn vướng một số khiếm khuyết như móc hạ của xuồng cấp cứu không được giữ đúng cách; Hệ thống phát hiện báo cháy của tàu và hệ thống báo mức nước hầm hàng đang bị tắt; Máy phát điện sự cố không sẵn sàng hoạt động.

Danh sách trắng là danh sách các quốc gia được Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) đánh giá là tuân thủ đúng Công ước quốc tế về tiêu chuẩn đào tạo, cấp chứng chỉ và trực ca cho thuyền viên (STCW-95).

Những quốc gia thành viên thực hiện Công ước kém hơn hoặc không tuân thủ Công ước STCW-95 sẽ xuất hiện trong Danh sách xám và Danh sách đen.

Các tàu được gắn cờ của quốc gia nằm trong Danh sách đen có thể bị từ chối vào cảng, bị kiểm tra gắt gao hoặc bị giam giữ khi cố tình vào cảng.

Thỏa thuận kiểm tra nhà nước tại cảng biển khu vực châu Á – Thái Bình Dương (Tokyo Mou) là một trong những tổ chức kiểm tra nhà nước cảng biển (PSC) tích cực nhất trên thế giới. Tổ chức này bao gồm 21 cơ quan có thẩm quyền thành viên ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Hồ An

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/doi-tau-bien-viet-nam-tiep-tuc-nam-trong-danh-sach-trang15382924-d593467.html