Đối tác toàn cầu

Chuẩn bị cho giai đoạn rời Liên hiệp châu Âu (EU), Anh nỗ lực tìm kiếm các đối tác thương mại mới, chuyển hướng mạnh mẽ tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong đó, với các thỏa thuận mới nhất Anh ký với Nhật Bản, Xin-ga-po và Việt Nam, châu Á được cho là bến đỗ mới của một 'nước Anh toàn cầu' thời hậu Brexit.

Chuẩn bị cho giai đoạn rời Liên hiệp châu Âu (EU), Anh nỗ lực tìm kiếm các đối tác thương mại mới, chuyển hướng mạnh mẽ tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong đó, với các thỏa thuận mới nhất Anh ký với Nhật Bản, Xin-ga-po và Việt Nam, châu Á được cho là bến đỗ mới của một “nước Anh toàn cầu” thời hậu Brexit.

Thỏa thuận thương mại song phương giữa Anh và EU đạt được vào phút chót đã khép lại tiến trình Brexit nhọc nhằn của “xứ sở sương mù”, đồng thời mở ra cơ hội để phe Bảo thủ và chính quyền Thủ tướng B.Giôn-xơn thực hiện lời hứa với cử tri sau cuộc trưng cầu ý dân về Brexit năm 2016. Đó là khôi phục chủ quyền, lợi ích quốc gia và xây dựng một “nước Anh toàn cầu”, với mạng lưới đối tác phủ rộng khắp thế giới. “Brexit mềm” cũng giúp giảm nhẹ lo ngại về tác động nghiêm trọng của việc Anh rời EU, củng cố lập luận của phe ủng hộ Brexit cho rằng, quyết định rời đi là có lợi về mặt kinh tế, cho phép Luân Đôn có các thỏa thuận thương mại tốt hơn.

Khi đàm phán về quan hệ Anh - EU thời hậu Brexit còn chưa ngã ngũ, chính phủ Anh đã đẩy nhanh nỗ lực chuẩn bị, chú trọng bảo đảm thông suốt các dòng chảy thương mại và hoạt động hợp tác giữa các doanh nghiệp Anh với các đối tác, trong đó ưu tiên ký kết các thỏa thuận thương mại song phương. Trong tuyên bố mới nhất cho thấy rõ sự chuyển hướng thương mại của Anh, Bộ trưởng Ngoại giao Đ.Ra-áp cho biết, nước Anh đang tìm kiếm các thỏa thuận thương mại mới, với Mỹ, Ô-xtrây-li-a và các đối tác tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi có những nền kinh tế mới nổi tạo ra một thị trường khổng lồ và là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới trong thế kỷ 21. Trong đó, các đối tác châu Á là những lựa chọn ưu tiên của nước Anh.

Tháng 10-2020, Nhật Bản là nền kinh tế lớn đầu tiên ký thỏa thuận thương mại hậu Brexit với Anh, thể hiện sự ủng hộ chính sách hướng đông và nỗ lực “xoay trục” về châu Á của đối tác châu Âu, nhất là ý định của Luân Đôn tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Thỏa thuận có hiệu lực từ đầu năm 2021 sẽ giúp duy trì tính liên tục trong các hoạt động thương mại và đầu tư giữa hai nước. Đầu tháng 12-2020, Anh công bố các thỏa thuận thương mại tự do ký với hai nước Đông - Nam Á là Xin-ga-po và Việt Nam và kỳ vọng đây sẽ là cánh cửa tới các thỏa thuận tương tự với các nước thành viên ASEAN khác.

Chính sách châu Á mới của Anh còn nhiều dư địa để phát triển. Thủ tướng B.Giôn-xơn đã lên kế hoạch thăm Ấn Độ ngay đầu năm 2021, trong đó thúc đẩy quan hệ kinh tế và tìm kiếm một thỏa thuận thương mại mới giữa Luân Đôn và Niu Đê-li là mục tiêu hàng đầu. Theo Luân Đôn, những thỏa thuận với các đối tác châu Á không chỉ mở rộng địa vị của Anh ở khu vực, mà còn đóng vai trò then chốt cho tương lai của nước Anh với tư cách một đối tác thương mại độc lập, một trung tâm toàn cầu về thương mại, dịch vụ và công nghệ.

Mục tiêu “chiến lược xoay trục” được Luân Đôn tuyên bố là nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng và các mối liên kết của nước Anh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mục tiêu này trùng lợi ích của EU. Mới đây, EU đã ký thỏa thuận Đối tác chiến lược với ASEAN, nâng tầm quan hệ với khu vực là “ngôi nhà chung” của khoảng 650 triệu dân. Cuộc đua tới châu Á sẽ gay gắt, song Luân Đôn vẫn có lợi thế. Anh có sẵn “sức mạnh cứng”, như quyền tiếp cận các căn cứ ở Xin-ga-po hay vị trí thành viên liên minh phòng thủ đa phương cùng Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân. Anh lại sở hữu “sức mạnh mềm” là lợi thế so các nước EU, như tiếng Anh là ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi ở khu vực, hay hệ thống giáo dục đại học Anh có sức hút mạnh với giới trẻ Đông - Nam Á...

Với Anh, tham gia CPTPP, thị trường chiếm 13,5% GDP toàn cầu, Anh được đặt vào trung tâm mạng lưới các cam kết về thương mại tự do, tuân thủ các quy tắc toàn cầu và nền tảng của thương mại quốc tế. Anh lại được ưu đãi về thương mại với các đối tác chủ chốt ngoài châu Âu, mà không phải đàm phán nhiều thỏa thuận song phương mới. Đây là lợi ích rất lớn khi Anh nỗ lực mở lối đi riêng thời hậu Brexit.

NINH SƠN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/doi-tac-toan-cau-630002/