Đối tác phía Đông: Phá Nga từ không gian hậu Xô Viết

Cơ chế Đối tác phía Đông trở nên cực kỳ nguy hiểm với Nga, đó là thách thức qua cơ chế thẩm thấu và hội nhập...

Châu Âu thúc đẩy cơ chế Đối tác phía Đông trong không gian hậu Xô Viết

Truyền thông quốc tế đưa tin, ngày 24/11 lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và 6 nước đối tác thuộc Liên Xô trước đây đã nhóm họp tại Brussels, thảo luận về tăng cường quan hệ song phương.

Hội nghị đối tác diễn ra hai năm một lần này tập trung vào các kế hoạch nhằm giúp Ukraine, Gruzia, Moldova, Armenia, Azerbaijan và Belarus giải quyết vấn nạn tham nhũng, cải cách thể chế và hiện đại hóa nền kinh tế, trong đó đặc biệt là Ukraine.

Trước thềm hội nghị, giới lãnh đạo EU đã hối thúc Kieve đẩy mạnh cải cách, tạo điều kiện để tăng cường viện trợ cho Ukraine, dù theo Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel, bây giờ chưa phải là lúc xem xét kết nạp Ukraine.

Đối tác phía Đông - EU phá Nga từ không gian hậu Xô Viết

Đối tác phía Đông - EU phá Nga từ không gian hậu Xô Viết

Tổng thống Litva Dalia Grybauskaite nhận định việc trở thành thành viên của EU chỉ có giá trị khi Ukraine đáp ứng được tiêu chuẩn của EU trong kinh doanh, y tế và thương mại.

Dù IMF đã cứu Ukraine khỏi suy thoái và Kiev cũng đã tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, song khoản nợ EU trị giá 600 triệu euro khiến lệnh cấm xuất khẩu gỗ và nhiều điều kiện khác đối với Ukraine chưa được dỡ bỏ.

EU quan ngại Ukraine sẽ bỏ qua cải cách chống tham nhũng khi nước này đang tiến gần đến bầu cử vào năm 2019. Vì vậy, mọi hỗ trợ sẽ phụ thuộc vào kết quả cải cách mà Ukraine đang thực thi.

Ủy viên phụ trách mở rộng EU Johannes Hahn đã nhấn mạnh cuộc chiến chống tham nhũng tại Ukraine cần mạnh mẽ hơn, bởi năm ngoái có tới 1,5 triệu người Ukraine đăng ký kê khai tài sản giá trị, song chỉ có 100 người bị kiểm tra.

Trên tinh thần đó, trong tuyên bố chung, các bên tham dự hội nghị khẳng định kết nối quan hệ đối tác phương Đông là nhằm xây dựng một không gian chung về dân chủ, thịnh vượng, ổn định và tăng cường hợp tác trên nền tảng là chuẩn NATO-EU.

Các bên cam kết cam kết thúc đẩy cơ chế hợp tác - tương tác với nhau từ nay đến năm 2020 trong bốn lĩnh vực, gồm quản lý xã hội, phát triển kinh tế, kết nối giữa các quốc gia và liên lạc công dân.

Đặc biệt, các nhà lãnh đạo cũng khẳng định quyền của mỗi đối tác trong việc lựa chọn mức độ và mục tiêu hợp tác theo nguyện vọng quan hệ với EU, đồng thời nhấn mạnh cơ chế họp tác này không nhắm đến việc chống lại bất cứ thực thể nào khác.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng EU không vô tư khi mở rộng tầm ảnh hưởng trong không gian hậu Xô Viết qua việc xác lập cơ chế Đối đối tác phía Đông, điều đó đã thể hiện rõ qua phát biểu của Tổng thống Estonia Kersti Kaljulaid khi đến thăm Gruzia.

Tổng thống Estonia Kersti Kaljulaid thúc đẩy cơ chế Đối tác phía Đông tại Gruzia

"Trong Đối tác phía Đông, điều rất quan trọng là cải cách trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng. Chúng tôi sẽ hỗ trợ khả năng tương thích của Gruzia với không gian chung, để giúp bạn tiến gần hơn đến NATO", Georgia Today dẫn lới bà Kaljulaid.

Đối tác phía Đông hạ tầm ảnh hưởng của Nga trong không gian hậu Xô viết

Có thể thấy rằng, trong thời gian gần đây - nhất là từ khi Nga bị phương Tây cấm vận - tầm ảnh hưởng của Nga trong không gian hậu Xô Viết ngày càng sụt giảm, biểu hiện ra là những chuyển động lệch chuẩn Nga của các đồng minh, đối tác chiến lược.

Như Armenia - đồng minh chiến lược của Nga tại Nam Caucasus - đã tập trận cùng với Gruzia - đối thủ không đội trời chung với Nga tại khu vực sân sau chiến lược này. Không những vậy, Armenia còn nhận viện trợ Mỹ, tập trận cùng Anh, Mỹ.

Hoặc Belarus - cấu thành của Nhà nước liên minh Nga-Belarus - đã có những bước đi, nhất là việc miễn thị thực, bị cho là “gửi tới Nga lời cảnh báo rằng Belarus đã mở cửa cho những người bạn mới phương Tây”, đưa tự do đến sát biên giới nước Nga.

Hay Kazakhstan - đồng minh quan trọng nhất của Nga trong Liên minh kinh tế Á-Âu - dù chưa tham gia vào cơ chế Đối tác phía Đông - đã kết hợp với Nhĩ Kỳ và Azerbaijan hình thành Tam đầu chế thách thức Nga tại Trung Á và Nam Caucasus.

Ngó đi ngó lại, Nga chỉ còn Uzbekistan, Tajikistan, Turkmenistan và Kyrgyzstan song hành, nhưng cũng chưa hẳn toàn tâm toàn ý. 10 "anh em cũ" khác, dù quan hệ với Nga theo tính chất nào thì đã, hoặc tuyệt giao, ly gián, hoặc ngả nghiêng theo chiều gió.

Nếu như các nước vùng Baltic, Gruzia, Ukraine chọn đối trọng với Nga vì “Khát vọng Tây tiến”, thì những người "anh em cũ" còn lại có lệch pha với Nga chủ yếu bị tác động bởi lợi ích kinh tế, mà Nga thi không thể so với Mỹ, EU hay Trung Quốc.

Khi Đối tác phía Đông được xác lập, tạo sự kết nối sâu rộng giữa EU-NATO với không gian hậu Xô viết cho thấy sự thách thức từ đồng minh, đối tác, đối thủ với Nga đã trở nên cực kỳ nguy hiểm -thách thức qua cơ chế thẩm thấu và hội nhập.

Cơ chế Đối tác phía Đông khiến "người ra đi đầu không ngoảnh lại" với Nga

Cốt lõi trong cơ chế Đối tác phía Đông là chuẩn EU-NATO và quy chế thành viên EU-NATO là đích đến, trong khi nguyên tắc liên minh của NATO-EU hiện nay đã mở rộng, bao gồm cả kinh tế, chính trị lẫn văn hóa, xã hội.

Điều đó khiến những người "anh em cũ" của Nga đã tham gia cơ chế Đối tác phía Đông như “người ra đi đầu không ngoảnh lại”, khiến ngay cả trường hợp NATO bị giải thể, EU tan rã, những người "anh em cũ" ấy cũng khó trở lại với Nga, bởi nền tảng đã khác biệt.

Có thể thấy rằng, qua xác lập cơ chế Đối tác phía Đông, EU có thể xóa ảnh hưởng của Nga trong không gian hậu Xô Viết một cách nhanh nhất, bền vững nhất - Nga có thể vĩnh viễn mất "anh em cũ", cả khi Đối tác phía Đông mất đi và "mục tiêu Tây tiến" của họ không đạt được.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/doi-tac-phia-dong-pha-nga-tu-khong-gian-hau-xo-viet-3347858/