Đối tác Mỹ phá sản, nợ trăm tỷ: Chuyện buồn lặp lại?

Rủi ro thị trường là không thể tránh được, nhất là trong bối cảnh Covid-19 hiện nay.

PGS.TS Nguyễn Hồng Nga - Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM cho rằng, trong thế giới phẳng, khi một đối tác bị rơi vào tình thế khó khăn, nhất là các vấn đề liên quan đến tính thanh khoản và xa hơn là phá sản, có thể dẫn tới hiệu ứng Domino. Để tránh rủi ro hoặc giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp cũng như nền kinh tế, không có cách nào khác là phải làm cho chúng ta trở nên mạnh hơn, khỏe hơn, nhanh hơn, đi xa hơn và có sức đề kháng tốt hơn để phát triển tốt hơn.

Khó tránh rủi ro khi làm ăn với đối tác nước ngoài

PV: Thưa ông, mới đây, RTW Retailwinds, công ty sở hữu gần 400 cửa hàng New York & Co. tại Mỹ, vừa nộp đơn xin bảo hộ phá sản do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đáng chú ý, New York & Co. là đối tác lớn nhất của May Sông Hồng (MSH) với các đơn hàng những năm qua đóng góp từ 13% - 25% tổng doanh thu của May Sông Hồng. RTW Retalwinds nộp đơn xin bảo hộ phá sản khi vẫn còn nợ May Sông Hồng 167 tỷ đồng, chiếm 37,8% khoản phải thu khách hàng và chiếm 6,7% tổng tài sản của MSH.

Phía lãnh đạo MSH cho biết cũng đã liên hệ với New York & Co về khoản phải thu nhưng chưa có kết quả. Ông nhận định vấn đề này thế nào? MSH sẽ phải xử lý tình huống này ra sao, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Hồng Nga: Việc mua bán gối đầu là bình thường trong kinh doanh, nhất là với các đối tác quan trọng và có uy tín. RTW Retailwinds là đối tác lớn nhất của MSH nên việc doanh nghiệp này nợ MSH là chuyện đương nhiên trong một thế giới kinh doanh hiện đại.

Sự cố Covid-19 là chưa có tiền lệ từ trước tới nay, nhất là từ khi thế giới ngày càng phẳng và các hiệp định thương mại tự do (FTA) ra đời, tạo điều kiện cho thương mại phát triển trên diện rộng và chiều sâu. Đây là một trong những điểm trừ của thế giới phẳng, khi một đối tác bị rơi vào tình thế khó khăn, nhất là các vấn đề liên quan đến tính thanh khoản và xa hơn là phá sản, có thể dẫn tới hiệu ứng Domino.

RTW Retailwinds, công ty sở hữu gần 400 cửa hàng New York&Co tại Mỹ vừa nộp đơn xin bảo hộ phá sản do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

RTW Retailwinds, công ty sở hữu gần 400 cửa hàng New York&Co tại Mỹ vừa nộp đơn xin bảo hộ phá sản do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

MSH chỉ có thể chờ đợi tình hình giải quyết phá sản của RTW Retailwinds. Điều này là mất thời gian, ít nhất là 3 đến 6 tháng, bởi thủ tục phá sản không phải một sáng một chiều là xong. Sau này nếu gặp vấn đề phức tạp thì MSH có thể phải thuê luật sư quốc tế để giải quyết việc thu nợ với đối tác này. Trong thời điểm này cần phải có tư vấn về phá sản tại Mỹ để nếu có thể sẽ khiếu kiện theo qui định khi cần thiết và giải quyết trong hòa bình nếu bên nước ngoài có thiện chí.

Ngoài ra nếu MSH gặp khó khăn về thanh khoản để chi trả các khoản phải trả thì có thể đề xuất với chính phủ hỗ trợ, ít nhất là trong ngắn hạn. Ví dụ, chính phủ có thể đưa ra các gói hỗ trợ tiền mặt để MSH thanh toán nợ hoặc trả tiền lương cho cán bộ, nhân viên. Hình thức hỗ trợ có thể thực hiện hỗ trợ kiểu cho vay không lãi suất hoặc lãi suất tượng trưng, nhưng tốt nhất là hỗ trợ hỗn hợp: kết hợp hỗ trợ tiền mặt bằng gói tín dụng và hỗ trợ về phía cầu nội địa để giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp.

PV: Đây không phải là lần đầu công ty niêm yết trên sàn gặp sự cố khi khách hàng lớn tuyên bố phá sản tại thị trường nước ngoài. Gần 2 năm trước, một doanh nghiệp dệt may khác là Dệt may Thành Công (TCM) cũng đối mặt với sự cố khách hàng bên Mỹ chính thức phá sản.

Cụ thể, Công ty Sears Holding (Nasdaq: SHLD) chính thức nộp đơn phá sản tại tòa án phá sản Mỹ, trong danh sách các công ty con của Sears Holding nộp đơn phá sản có hai đơn vị đang giao dịch với TCM, là Công ty Sears Roebuck và Công ty Kmart.

Lúc bấy giờ, đơn hàng từ hai công ty này đang chiếm đến 7% doanh thu hàng năm của TCM. Xét giai đoạn 2014-2017, tổng doanh thu mỗi năm của Công ty dao động từ 2.500 - 3.200 tỷ đồng, như vậy con số mất đi từ vụ phá sản này ghi nhận từ 175-224 tỷ đồng. Chưa kể, Sears, Roebuck and Co cũng đang nợ gần 95 tỷ đồng tại TCM.

Khi đó, TCM cho biết nỗ lực tham gia vào quá trình Tòa án giải quyết thủ tục phá sản để thu hồi số tiền chưa thanh toán. Song song, TCM cũng trích lập dự phòng khoảng 79 tỷ ngay trong quý 4/2018. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại TCM cũng vẫn chưa thu được một đồng nào từ đối tác.

Rõ ràng, những thiệt hại đến từ khách quan như trên là khó tránh khỏi, và trong bối cảnh kinh tế khó khăn, những rủi ro tương tự càng dễ xảy ra. Làm sao để doanh nghiệp Việt giảm thiểu thua thiệt trong tình huống này, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Hồng Nga: Trong kinh doanh, rủi ro là chuyện không thể tránh được, nhất là với các đối tác nước ngoài, bởi họ hiểu luật pháp trong và ngoài nước hơn các doanh nghiệp trong nước. Họ cũng có kinh nghiệm kinh doanh hơn chúng ta. Việc thiệt hại do chủ quan chúng ta có thể kiểm soát được, nhưng những thiệt hại do khách quan thì chỉ có các công cụ tài chính, nhất là bảo hiểm mới có thể giảm thiểu được thua thiệt trong buôn bán với nước ngoài.

Để tránh hoặc ít nhất là giảm mức độ thiệt hại trong kinh doanh với các đối tác nước ngoài, theo cá nhân tôi thì các doanh nghiệp cần có những động thái sau:

Thứ nhất là cần thu thập những thông tin về đối tác của mình như: uy tín, thương hiệu, vốn, lịch sử làm ăn với các đối tác…

Thứ hai, cần có những hợp đồng phụ theo những hợp đồng chính để ràng buộc đối tác khi họ có khó khăn về tài chính, nhất là có thể rơi vào tình huống họ nộp đơn xin phá sản.

Thứ ba, cần mua các gói bảo hiểm liên quan đến rủi ro để đẩy phần nào rủi ro cho các công ty bảo hiểm.

Thứ tư, luôn cập nhật những kiến thức về luật kinh tế trong nước và nước ngoài để hiểu rõ hơn và có thể đối phó khi gặp vấn đề về pháp lý.

Thứ năm, cần có một bộ phận pháp chế vững về kiến thức và mạnh về ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh.

Thứ sáu, sử dụng hiệu quả các gói cứu trợ từ phía nhà nước và mở rộng thị trường nội địa bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm với phương châm ‘Đổi mới sáng tạo và thúc đẩy thị trường nội địa’ bằng cách chính sách kích cầu hợp lý và lâu dài.

Cần quyết sách mạnh mẽ, can đảm

PV: Quan trọng hơn, trong bối cảnh dịch bệnh chưa kiểm soát được hoàn toàn, làn sóng phá sản sẽ tiếp tục, không chỉ ở Mỹ mà còn ở các thị trường khác nữa.

Điều này đồng nghĩa với việc thị trường tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp Việt sẽ bị đứt gãy, doanh nghiệp không có nguồn thu để duy trì sản xuất, tiền công nợ không lấy được. Điều này phải được lường trước như thế nào? Doanh nghiệp Việt cần tính toán các kịch bản nào để vượt qua thời điểm khủng hoảng này, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Hồng Nga: Rủi ro thị trường là không thể tránh được, nhất là trong bối cảnh Covid-19 hiện nay.

Việc lường trước được khủng hoảng tài chính, kinh tế trong thế giới hiện đại là không đơn giản, không có công cụ hữu hiệu nào có thể dự báo chính xác được thời điểm và mức độ của các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Do vậy việc lường trước hậu quả của cuộc khủng hoảng kiểu như Covid-19 sẽ khó hơn nhiều, do chưa từng có trong lịch sử loài người.

Tuy nhiên trong “cái khó sẽ ló cái khôn”, cuộc sống không dừng lại, kinh tế không thể cứ đứng mãi chờ ông trời mang đến phép màu.

Về tầm vĩ mô chính phủ cần có những quyết sách mạnh mẽ, can đảm và sáng tạo để phục hồi nền kinh tế, nhất là khu vực kinh tế tư nhân. Việc bàn tay hữu hình có hữu hiệu trong quá trình gia tăng cầu về phía người tiêu dùng, các doanh nghiệp và tăng khả năng kinh doanh thông qua đầu tư hay không là hết sức quan trọng trong thời điểm này.

Về phía các doanh nghiệp, cần dựa vào nội lực là chính với sự trợ giúp của “máy thở” từ phía ngoài, nhất là nhà nước, để vượt qua đợt khủng hoảng này. Tiếp theo là cần rà soát lại các qui trình, chính sách và các kế hoạch ứng phó với khủng hoảng ngắn, trung và dài hạn.

Vấn đề nữa là xem xét và đánh giá lại cơ cấu nợ và các khoản phải thu sao cho có thể kiểm soát được rủi ro và giảm thiểu tổn thất đến mức thấp nhất, nhất là với các đối tác nước ngoài.

Một vấn đề tiếp theo là cần tính toán các kịch bản xấu, xấu vừa và rất xấu trong vòng 12 tháng tới để có những quyết sách và hành động hợp lý nhằm duy trì sự tồn tại và có thể thận trọng mở rộng kinh doanh từng bước.

Cuối cùng là cần có những đề xuất về vĩ mô và vi mô đối với chính phủ để giảm thiểu những khó khăn tạm thời, giảm thiểu chi phí giao dịch, kích cầu nội địa và các món vay ngắn và trung hạn để giảm thiểu thiệt hại trong bối cảnh Covid-19.

PV: Nhìn rộng ra, tác động lớn hơn của làn sóng xin phá sản cũng như sự chậm phục hồi của nền kinh tế Mỹ cũng như những nền kinh tế khác đối với doanh nghiệp Việt nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung cần được nhìn nhận, phân tích cụ thể thế nào? Trong bối cảnh như vậy, chính sách hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ tìm kiếm thị trường cần được thực hiện như thế nào? Xin ông đưa ra một vài gợi ý.

PGS.TS Nguyễn Hồng Nga: Chúng ta đều biết câu: "Khi nước Mỹ hắt xì hơi, cả thế giới bị cảm lạnh", câu này cho thấy vai trò đầu tàu của cường quốc Mỹ trong kinh tế, giáo dục, âm nhạc, thể thao và kể cả chính trị. Việc nước Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 sẽ làm cho tất cả các đồng minh của Mỹ, các đối tác chiến lược về chính trị và kinh tế bị ảnh hưởng tiêu cực sâu rộng, nhất là về kinh tế. Việc một quốc gia như Mỹ, chiếm 24,75% GDP thế giới, chiếm 18% xuất khẩu và gần 8% nhập khẩu thế giới bị ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đã làm cho cả thế giới bị tác động rất lớn cả đầu vào và đầu ra của kinh doanh toàn cầu.

Hơn nữa các cường quốc khác như Trung Quốc, Nhật Bản, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Brazil cũng bị ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch đã làm khuynh đảo tất cả các nước có nền kinh tế mở và đang phát triển như Việt Nam. Sự chậm phục hồi của các nước phát triển, nhất là G7 đã khiến cả thế giới đứng trước nguy cơ đại khủng hoảng trên phạm vi toàn cầu, nhất là ngành hàng không và du lịch, trong khi hai cường quốc số 1 và số 2 thế giới về kinh tế đang “đối chọi” với nhau, cũng là một vấn đề ảnh hưởng đến bức tranh kinh tế thời Covid và hậu Covid-19.

Việt Nam là một trong những nước có độ mở kinh tế cao hàng đầu thế giới với kim ngạch xuất nhập khẩu chiếm hơn 200% GDP. Vì vậy khi thế giới bị tác động xấu bởi dịch bệnh thì nền kinh tế đang và sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó, sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế là rất quan trọng và cần thiết, giống như các “máy thở” để hỗ trợ các doanh nghiệp khi khó khăn, thậm chí rơi vào hoàn cảnh lâm nguy.

Theo quan điểm cá nhân, chính phủ nên dành gói kích cầu chiếm khoảng 15 đến 20% GDP, tức khoảng 50 tỷ USD, hay khoảng 1.200 ngàn tỷ đồng. Trong đó có khoản hỗ trợ trực tiếp người lao động bị ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch Covid-19 và các gói kích thích tiêu dùng hay kích cầu kinh tế. Những khoản hỗ trợ kích cầu nên chiếm khoảng 20%, tức khoảng 10 tỷ đô la. Khoảng 80% từ gói hỗ trợ này để trực tiếp hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tư nhân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hạn chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhà nước yếu kém dai dẳng, mà nhân dịp này họ sẽ lobby để hưởng ưu đãi như các doanh nghiệp tư nhân.

Ngay cả với những doanh nghiệp được kỳ vọng nhiều như Vietnam Airlines thì chính sách hỗ trợ cũng phải cân nhắc rất thận trọng. Đề xuất xin chính phủ hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp 12.000 tỷ đồng theo hình thức cho vay với lãi suất 0%, thời hạn 3 năm của Vietnam Airlines không khó hiểu, nhưng một khi được chấp thuận sẽ tạo ra những tiền lệ rất xấu rằng, cứ doanh nghiệp này xin được, doanh nghiệp khác cũng muốn xin. Các doanh nghiệp nhà nước sẽ nuôi mãi tâm lý ỉ lại, dựa dẫm vào bầu sữa ngân sách mà không thể phát triển được. Vì thế, cần cắt luôn bầu sữa ngân sách nhà nước để các doanh nghiệp nhà nước tự điều chỉnh hoạt động quản lý, kinh doanh.

Nghiêm trọng hơn, việc này cũng sẽ tạo sự bất bình đẳng trong thực hiện chính sách chung, khiến các doanh nghiệp khu vực tư nhân vốn đã gặp nhiều khó khăn lại còn chịu thêm thua thiệt, không cạnh tranh được.

Xét về tâm lý, các doanh nghiệp nhà nước đòi hỏi là điều dễ hiểu, vì đã quen được đòi hỏi và cứ đòi là được, cho nên mỗi khi gặp khó là lại đòi. Tuy nhiên, tư duy này hiện không còn phù hợp, trong bối cảnh ngân sách hạn chế, nền kinh tế đang gặp khó khăn như hiện nay, chính phủ phải cương quyết nói không với những khoản hỗ trợ không phù hợp. Nguồn lực hỗ trợ cần được ưu tiên hỗ trợ đúng đối tượng và hỗ trợ phải hiệu quả.

Chính phủ phải hành động hết sức khẩn trương, hiệu quả và minh bạch dựa vào các tiêu chí khoa học và thực tiễn trong việc phân bổ gói hỗ trợ 50 tỷ đô la này, tránh thất thoát, vòi vĩnh từ đội ngũ công viên chức. Bây giờ hoặc không bao giờ.

Cũng cần lưu ý thêm, trong khi nguồn lực có hạn chính phủ cũng cần ưu tiên đầu tư thật cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế. Kiên quyết ngăn chặn tình trạng đầu tư bừa bãi, chạy theo mục tiêu giải ngân cho bằng hết, giải ngân bất chấp hiệu quả mà vẽ ra dự án, đầu tư dự án ma.

Nhắc luôn tới đề xuất xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị với tổng vốn đầu tư lên tới 8.014 tỷ đồng của Cục Hàng không Việt Nam mới đây. Với những dự án như vậy chính phủ cần tính toán về nhu cầu thật sự, hiệu quả kinh tế, cũng như nguồn lực thực hiện dự án, trên cơ sở đó mới đưa ra quyết định. Tuyệt đối trong thời điểm khó khăn này không tài trợ các dự án kiểu vẽ vời, dự án ma.

Ngoài ra việc tìm kiếm thị trường mới cũng hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay để giảm thiểu tác động tiêu cực về lâu dài. Tuy nhiên khi cả thế giới lao đao vì Covid-19 thì việc tìm kiếm thị trường mới cho các yếu tố đầu vào và đầu ra là không đơn giản. Theo cá nhân tôi, lúc này bàn tay hữu hình và bàn tay vô hình phải cùng nhau hiệp lực, biến khó khăn thành hành động, biến thách thức thành cơ hội, biến cơ hội nhỏ thành cơ hội lớn, nhà nước và tư nhân cùng thị trường hiệu quả sẽ làm cho chúng ta trở lên mạnh hơn, khỏe hơn, nhanh hơn và đi xa hơn và có sức đề kháng tốt hơn để nước Việt Nam trở thành mô hình điển hình chống chọi, sống sót và phát triển trong bối cảnh Covid-19.

PV: Xin cảm ơn ông!

Lan Vũ (thực hiện)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/doi-tac-my-pha-san-no-tram-ty-chuyen-buon-lap-lai-3414973/