Đối tác Mỹ của May Sông Hồng xin phá sản

Chủ sở hữu chuỗi thời trang The New York & Co - đối tác lớn nhất của May Sông Hồng đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản, trong khi vẫn còn nợ doanh nghiệp phía Việt Nam 167 tỷ đồng.

Theo Washington Post, nhà bán lẻ thời trang RTW Retailwinds đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào thứ hai vừa qua, đồng thời cho biết sẽ đóng hầu hết cửa hàng thời gian tới.

Đáng chú ý, việc RTW Retailwinds tuyên bố phá sản không chỉ ảnh hưởng tới nhà bán lẻ thời trang này mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới một doanh nghiệp may mặc tại Việt Nam là Công ty CP May Sông Hồng (MSH). The New York & Co chính là một trong những đối tác lớn nhất của công ty may phía Việt Nam tại thị trường Mỹ.

The New York & Co còn nợ May Sông Hồng 167 tỷ

Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý I, May Sông Hồng cho biết công ty đang có khoản phải thu ngắn hạn trị giá 167 tỷ đồng với New York & Co.. Số tiền này chiếm tới 38% khoản phải thu khách hàng ngắn hạn và tương đương gần 7% tổng tài sản của doanh nghiệp.

Tại bản cáo bạch năm 2018, New York & Co được May Sông Hồng giới thiệu là một trong 3 khách hàng lớn nhất của công ty cùng với Columbia, G-III.

Riêng đối tác từ New York hàng năm đóng góp khoảng 25% vào doanh thu mảng FOB (mua đứt bán đoạn) của doanh nghiệp. Đây cũng là mảng kinh doanh mang lại doanh thu chính cho nhà may phía Việt Nam với trên 60% tổng doanh thu hợp nhất.

Như vậy, doanh số bình quân từ New York & Co mang về cho May Sông Hồng vào khoảng 15% tổng doanh thu mỗi năm.

Trong năm nay, May Sông Hồng đặt kế hoạch 3.200 tỷ doanh thu (giảm 27%) và lợi nhuận trước thuế đạt 250 tỷ đồng (giảm 54%).

Lãnh đạo công ty từng cho biết, kế hoạch tài chính này được xây dựng dựa trên tác động của dịch Covid-19 ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh từ đầu năm.

Ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch HĐQT công ty cũng chia sẻ, trước khó khăn của dịch bệnh, doanh nghiệp đã phải chuyển sang sản xuất cả khẩu trang, đồ bảo hộ y tế, dự kiến xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ.

Biện pháp này có thể mang lại một phần doanh thu và lợi nhuận cho công ty giai đoạn khó khăn, nhưng chỉ mang tính tạm thời. Bởi sau khi việc sản xuất khẩu trang, đồ bảo hộ y tế phát triển ở Việt Nam, đối tác Trung Quốc đã ngưng cung cấp hoặc tăng giá nguyên liệu, thiết bị.

Hãng thời trang 102 năm tuổi của Mỹ xin phá sản

Hãng thời trang có tuổi đời 102 năm đứng sau thương hiệu New York & Co. cho biết, hãng đã bắt đầu đóng cửa và thanh lý một số trong gần 400 điểm kinh doanh tại 32 bang tại Mỹ.

Theo tờ nhật báo lớn nhất Washington, các nhà bán lẻ như RTW Retailwinds đã bị đẩy đến bờ vực phá sản trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát dẫn đến các đơn đặt hàng tại nhà nở rộ và làm giảm doanh số tại cửa hàng.

Trong năm 2019, RTW đã ghi nhận doanh thu giảm hơn 7%, đạt 827 triệu USD và khoản lỗ ròng 61,6 triệu USD (năm liền trước lãi 4,2 triệu USD).

Khi dịch bệnh bùng phát vào tháng 3 vừa qua, cùng với các nhà bán lẻ khác, RTW cũng tuyên bố đóng cửa tạm thời các cửa hàng trên cả nước.

Giám đốc điều hành của hãng, ông Sheamus Toal cho hay, môi trường bán lẻ đầy thách thức cùng với tác động của đại dịch Covid-19 đã gây ra sự khủng hoảng tài chính đáng kể cho công ty. Sàn giao dịch chứng khoán New York cũng đã đình chỉ giao dịch cổ phiếu của RTW vào tuần trước.

 Chủ sở hữu chuỗi thời trang New York & Co đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ. Ảnh: Andrew Harrer/Bloomberg.

Chủ sở hữu chuỗi thời trang New York & Co đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ. Ảnh: Andrew Harrer/Bloomberg.

Trong hồ sơ xin bảo hộ phá sản, RTW liệt kê số tài sản trị giá khoảng 412 triệu USD với khoản nợ phải trả là 396 triệu USD. Hãng thời trang có trụ sở tại New York cho biết, các cửa hàng vẫn sẽ tiếp tục hoạt động trong khi công ty hoàn tất thủ tục phá sản.

Hiện May Sông Hồng chưa lên tiếng về thông tin đối tác lớn phá sản. Trên thị trường chứng khoán, chiều 16/7, ngay khi thông tin này được công bố, cổ phiếu của May Sông Hồng MSH đã giảm sàn, đóng cửa ở mức 31.750 đồng/cổ phiếu.

Tại thị trường Việt Nam, May Sông Hồng là doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng may mặc với hoạt động chính là xuất khẩu các thương hiệu may mặc lớn trên thế giới thông qua 2 hình thức CMT (gia công sản phẩm) và FOB (mua đứt bán đoạn).

Trong đó, phân khúc FOB với thị trường xuất khẩu chính là Mỹ (70%) và châu Âu (30%) hiện chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của công ty.

Nhà may này hiện đứng thứ 2 trong số các công ty dệt may trong nước và đứng thứ 6-7 nếu tính cả nhóm doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.

Cuối năm 2018, Công ty CP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (TCM) cũng gặp trường hợp tương tự May Sông Hồng khi đối tác Sears Holdings nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ.

Tại thời điểm xin phá sản, Sears thông qua một số công ty con đang đóng góp khoảng 7% doanh thu cho Dệt may Thành Công. Công ty may phía Việt Nam cũng ghi nhận các khoản phải thu ngắn hạn trị giá 95 tỷ đồng với nhóm công ty này.

Đến cuối năm 2019, giá trị 2 khoản phải thu từ nhóm khách hàng nói trên đã tăng lên hơn 100 tỷ đồng. Dệt may Thành Công cũng phải trích lập dự phòng khó đòi với 84% khoản phải thu nói trên, tương đương hơn 84 tỷ.

Quang Thắng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/doi-tac-my-cua-may-song-hong-xin-pha-san-post1107842.html