Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức: Hiệu quả và thực chất

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas đã có bài viết dành riêng cho TG&VN về quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (23/9/1975-23/9/2020).Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas. (Nguồn: photothek.net)

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas. (Nguồn: photothek.net)

Trước đây 45 năm, Đức và Việt Nam đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Dịp kỷ niệm năm nay tạo cơ hội để chúng ta nhìn lại đỉnh cao của sự hợp tác và tình hữu nghị Việt – Đức.

Một trụ cột quan hệ đã được hình thành thông qua mối quan hệ Đối tác chiến lược, được Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Việt Nam khi đó là Nguyễn Tấn Dũng thống nhất cách đây 9 năm.

Quan hệ đối tác chiến lược này phản ánh chất lượng và ý nghĩa ngày càng gia tăng của mối quan hệ Việt Nam-Đức trên mọi lĩnh vực và trong những năm qua đã phát triển thành cơ sở quan trọng cho quan hệ song phương và đa phương của chúng ta.

Tháng 12/2019, hai nước đã thông qua Kế hoạch hành động chiến lược mới định hướng quan hệ rõ hơn theo những lợi ích chung và phản ánh những điều kiện khung thay đổi, đặc biệt là sự vươn lên mạnh mẽ về kinh tế của Việt Nam.

Mối quan hệ hai nước dựa trên sự đa dạng của các lợi ích chung, trong đó đặc biệt là sự củng cố của chủ nghĩa đa phương và duy trì trật tự dựa trên luật lệ. Trên cương vị là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mà Việt Nam và Đức đang đảm nhiệm trong năm nay, hai nước cùng ủng hộ mạnh mẽ cho chủ nghĩa đa phương.

Hành động đa phương trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Đại dịch Covid-19 đã chỉ ra cho chúng ta thấy rằng, các cuộc khủng hoảng toàn cầu chỉ có thể được đẩy lùi khi các nước hợp tác với nhau.

Bên cạnh đó, với cương vị Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch luân phiên EU mà Việt Nam và Đức cho là ưu tiên cao nhất về đối ngoại trong năm nay, chúng ta cùng nhau đóng góp cho việc giải quyết các cuộc khủng hoảng trên bình diện đa phương.

Một thành tố nổi bật khác trong quan hệ hai nước là Đối thoại về nhà nước pháp quyền Việt Nam – Đức được khởi đầu từ năm 2008. Với việc ban hành Chương trình hợp tác 3 năm tính từ tháng 2 năm nay, Đối thoại đã được tạo lập cơ sở mới cho hợp tác.

Trong những thập niên qua, Việt Nam đã có một chặng đường phát triển thật ấn tượng. Đức đã hỗ trợ sự hiện đại hóa này bằng cách thức đa dạng trên tinh thần đối tác. Nền kinh tế phát triển rất năng động của Việt Nam đã mang lại lợi ích đối với giới kinh tế Đức - khoảng 300 doanh nghiệp hiện diện tại Việt Nam.

Hiện nay, Đức đã và đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong EU. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 sẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế chặt chẽ hơn giữa Đức và Việt Nam và mang lại nhiều thịnh vượng và phát triển bền vững hơn ở hai nước.

Ngôi nhà Đức ở TP. Hồ Chí Minh là biểu tượng của lợi ích gia tăng và khẳng định giá trị mà Việt Nam và Đức mang lại cho nhau. Ngôi nhà Đức cũng là “dự án hải đăng”, đang tỏa sáng ở khu vực Đông Nam Á và là chuẩn mực về việc sử dụng năng lượng hiệu quả “Made in Germany”.

Là trụ sở của Tổng Lãnh sự quán Đức cũng như các cơ quan, tổ chức và nhiều doanh nghiệp Đức, đây cũng là trung tâm kinh tế văn hóa của Đức hiện diện tại Việt Nam.

Đức và Việt Nam kết nối chặt chẽ trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Cơ sở của hợp tác văn hóa song phương là Hiệp định văn hóa được ký năm 1990 và Hiệp định quy chế về các viện văn hóa được ký năm 1997. Việt Nam nằm trong số các nước châu Á có số đông người học tiếng Đức.

Chính sách đối ngoại tương lai của Đức sẽ tập trung thúc đẩy quan hệ hai nước tiếp tục gắn kết chặt chẽ và tin cậy hơn nữa trong những thập niên tới.

Trong khuôn khổ sáng kiến “Trường học – Đối tác của tương lai”, chúng tôi tham gia hoạt động rất tích cực ở Việt Nam. Việc học tiếng Đức trong trường học đã giúp nhiều thanh niên Việt Nam có cơ hội học đại học hoặc học nghề tại Đức.

Luật nhập cư cho lao động lành nghề sẽ tạo cơ hội mới cho nhiều công dân Việt Nam làm việc tại Đức. Điều này tạo tiền đề cho giao lưu trực tiếp giữa người dân Đức và Việt Nam.

Sợi dây giữa hai nước còn được tăng cường qua hơn 170.000 người Việt Nam đã coi nước Đức là quê hương của mình. Nhiều quan hệ giữa CHDC Đức và Việt Nam đã được kết nối. Khoảng 100.000 người sau khi lưu trú dài hạn tại Đức đã quay lại Việt Nam.

Họ đã tạo nên cầu nối giữa hai nước, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, điều đóng vai trò quan trọng cho quan hệ song phương phát triển tốt đẹp.

Nhiều người ở hai đất nước của chúng ta qua cuộc sống và kinh nghiệm cá nhân đã đóng góp không mệt mỏi cho việc chinh phục khoảng cách 9.300 km nối giữa Đức và Việt Nam và làm sâu sắc hơn tình hữu nghị Việt Nam-Đức.

Vì lẽ đó, chính sách đối ngoại tương lai của Đức sẽ tập trung thúc đẩy quan hệ hai nước tiếp tục gắn kết chặt chẽ và tin cậy hơn nữa trong những thập niên tiếp theo.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/doi-tac-chien-luoc-viet-nam-duc-hieu-qua-va-thuc-chat-124919.html