Đời sống vật chất và tinh thần của người dân Thạch Thất ngày càng nâng cao

Tối 19/4, Thạch Thất đã đón nhận Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), tất cả 19/19 tiêu chí của 21/22 xã trên địa bàn huyện Thạch Thất (Hà Nội) đều đạt chuẩn về xây dựng NTM, trong đó 9/9 tiêu chí đạt theo quy định của Trung ương.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trao Quyết định công nhận huyện Thạch Thất đạt chuẩn nông thôn mới, tối 19/4.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trao Quyết định công nhận huyện Thạch Thất đạt chuẩn nông thôn mới, tối 19/4.

Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng cho biết, từ kết quả xây dựng NTM trên địa bàn trong 10 năm qua, thu nhập bình quân đầu người ngày càng cao, đến hết năm 2020 đạt 70 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 5,4 lần so với năm 2010 (cao hơn kết quả chung của TP năm 2020, thu nhập bình quân khu vực nông thôn của TP đạt 55 triệu đồng/người/năm). Trong số 22 xã, thị trấn của huyện có 21 xã đăng lý xây dựng NTM (riêng xã Thạch Hòa nằm trọn trong quy hoạch đô thị Hòa Lạc nên không tiến hành xây dựng NTM) đều đạt chuẩn 19/19 tiêu chí về NTM, trong đó 9/9 tiêu chí của huyện đạt chuẩn theo quy định của Trung ương,

Cụ thể, về quy hoạch, đến hết năm 2020, hệ thống quy hoạch chung đã được phủ kín trên phạm vi toàn huyện, 19/21 xã được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch. Hệ thống quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cũng cơ bản được phủ kín tại những khu trung tâm xã, khu dân cư mới và khu vực quan trọng.

Về giao thông, đến nay, tổng chiều dài đường liên xã trên địa bàn là 75,14km đạt 100% cứng hóa, các xã trên địa bàn huyện đều có tuyến đường huyện chạy qua 100% bê tông hóa đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện. Những tuyến đường do huyện quản lý có bề rộng nền đường 26,5m. 100% tuyến đường do huyện quản lý được duy tu bảo trì hàng năm.

Sau 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng của huyện Thạch Thất được kiện toàn, đời sống người dân không ngừng nâng lên.

Về thủy lợi đã đáp ứng yêu cầu tưới, tiêu chủ động phục vụ sản xuất nông nghiệp và đảm bảo tiêu thoát nước trong khu dân cư. Toàn huyện đã cứng hóa được 170,018km kênh mương, huyện đã đầu tư cứng hóa toàn bộ tuyến đê bao dọc sông Tích với tổng kinh phí trên 100 tỷ đồng để phục vụ tốt cho công tác phòng chống thiên tai và sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an toàn các công trình đê điều, thủy lợi và đời sống của Nhân dân.

Về điện, huyện có 2 tổ chức quản lý, kinh doanh điện trực tiếp quản lý bán điện đến hộ cho 15 xã, thị trấn, 8 xã còn lại do các HTX Nông nghiệp quản lý theo dự án Rell. Tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn trên địa bản huyện đạt 100%, 21/21 xã đạt tiêu chí số 4 về điện theo hướng dẫn của Bộ Công Thương tại Quyết định số 4293/2016/QĐ-BCT.

Về y tế - văn hóa - giáo dục, hiện nay, 100% trạm y tế các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn 2011 - 2020. Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất đã đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng II theo Quyết định số 4035/2016/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội. Trung tâm Y tế huyện đạt chuẩn quốc gia theo quy định tại Thông tư số 35/2016/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT; 100% thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa được đầu tư cơ bản đủ các trang thiết bị đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt, hội họp, thể dục, thể thao của Nhân dân địa phương. Huyện có 1 Trung tâm văn hóa được đầu tư đạt chuẩn và 1 sân vận động, nhà truyền thống.

Đến hết năm 2020, huyện Thạch Thất có 4 trường THPT công lập, 3/4 trường đạt chuẩn quốc gia (trường THPT Hai Bà Trưng, THPT Bắc Lương Sơn, THPT Thạch Thất ), đạt 75% số trường đạt chuẩn, đang tiếp tục đầu tư xây dựng mới trường THPT Minh Hà tại xã Canh Nậu. Ngoài ra, còn có trường THPT Phan Huy Chú, THPT FPT và THCS&THPT TH School Hòa Lạc đào tạo theo mô hình chất lượng cao. Như vậy đến nay, trên địa bàn huyện có 8 trường THPT, đáp ứng đủ nhu cầu học tập của con em trong huyện.

Về sản xuất, 100% diện tích sản xuất cây lúa bằng giống ngắn ngày năng suất, chất lượng cao, hình thành, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, như: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao 690 ha; Vùng sản xuất rau an toàn 285ha; Vùng sản xuất cây ăn quả giá trị kinh tế cao trên 300ha, tăng 110ha so với quy hoạch của TP...; 6 mô hình sản xuất rau, củ, quả, thịt an toàn; 5 mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao; 6 mô hình sản xuất theo chuỗi, các mô hình liên kết cho thu nhập từ 333 - 445 triệu đồng/ha/năm và tạo thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm với các siêu thị, nhà hàng, bếp ăn tập thể lớn trên địa bàn TP Hà Nội; Thực hiện tốt chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP. Đến năm 2020, toàn huyện có 122 sản phẩm được hội đồng thẩm định TP đánh giá xếp hạng, trong đó 18 sản phẩm đạt 3 sao và 104 sản phẩm đạt 4 sao.

Nhiều mô hình sản xuất kinh tế năng suất cao, mang lại thu nhập cho người dân từ 333 - 445 triệu đồng/người/năm.

Về môi trường, năm 2020, 100% số hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó số hộ được sử dụng nước sạch là 86,6%. Các xã đã có quy hoạch nghĩa trang, UBND huyện đã phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500 nghĩa trang huyện Thạch Thất (tại xã Yên Trung). Đến hết năm 2020 tỷ lệ hỏa táng trên địa bàn huyện đạt 52,4%.

Toàn huyện có 31 điểm tập kết rác thải sinh hoạt, tổng diện tích là 7.967m2, thực hiện tại 23/23 xã, thị trấn. Năm 2020, đã thu gom, vận chuyển về khu xử lý đạt 33.302 tấn, trung bình vận chuyển 91 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trong ngày đạt 100%; 100% các tuyến đường trục chính tại các xã, thị trấn được giao cho các tổ chức đoàn thể tự quản như: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên; 100% các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bản huyện đã quản lý chất thải nguy hại đúng quy định tại Nghị định 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư 36/2015/TT-BTNMT của Bộ TN-MT. Năm 2020 tổng lượng chất thải rắn công nghiệp phát sinh trên địa bàn huyện khoảng 5.100 tấn, trong đó 3.800 tấn được tải chế, bán phế liệu; 1.300 tấn được thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định. Đến năm 2020 đã 5/7 cụm CN được đầu tư hệ thống xử lý nước thải, đấu nối vào hệ thống xử lý; 100% cơ sở, hộ sản xuất có cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường ở các làng nghề.

Về an ninh, trật tự xã hội, 100% công an các xã, thị trấn là công an chính quy. Hàng năm, huyện ban hành nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện một cách đồng bộ, có hiệu quả.

Về chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, hàng năm, kịp thời kiện toàn BCĐ chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống Nhân dân giai đoạn 2016 - 2020. Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện được thành lập tại Quyết định số 1951/2016/QĐ-UBND và tổ chức và hoạt động theo đúng quy định, hướng dẫn của Văn phòng Điều phối nông thôn mới TP và quy định tại Quyết định số 1920/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Bài & ảnh: Doãn Thành

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/huyen-thach-that-cong-bo-tieu-chi-dat-chuan-nong-thon-moi-416364.html