Đời sống văn hóa tinh thần rất cần trong việc 'giữ lửa'

Hằng ngày, người ta thường quan tâm đến cơm áo gạo tiền mà đôi khi không chú trọng đến đời sống tinh thần. Một buổi nghe hòa nhạc dù có đắt một chút, một chuyến du lịch dù có tốn hao một chút… nhưng đó chính là chất xúc tác giúp giữ gìn sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình.

Nhân một dịp đặc biệt, chồng tôi mời tôi và mẹ anh ấy đi dự buổi nghe nhạc giao hưởng do dàn nhạc công đến từ Hà Lan thể hiện tại trung tâm Bologna. Anh không chịu nói giá vé nhưng tôi biết không hề rẻ.

Cũng vì đi nghe hòa nhạc ở một nơi như thế nên người đi dự phải ăn mặc sao cho thanh lịch. Hôm ấy chồng tôi diện complet đen với áo sơ mi cổ hồ trang nhã. Tôi chọn chiếc váy len màu xám ôm lấy thân với bốt cao cổ màu đen, bên ngoài khoác một chiếc áo dạ Zara với những chiếc khuy lớn ngộ nghĩnh và đeo thêm chiếc khăn lụa tơ tằm Việt Nam cho thêm thanh lịch. Con gái còn khuyên bố nên đeo cái nơ hình con bướm màu đỏ ở cổ, có lẽ nó xem hoạt hình nhiều nên thích hình ảnh các chàng hoàng tử đeo nơ đẹp trai như thế, nhưng cuối cùng thì anh vẫn trung thành với cà vạt đỏ thẫm chấm bi màu vàng. Vậy là tôi cần đeo thêm chiếc túi da màu đỏ và găng tay da màu bordeaux cho hợp với trang phục của anh.

Đừng nên quá chú tâm đến việc cơm áo gạo tiền và những bộn bề lo toan của cuộc sống thường nhật mà quên việc vun xới cho những cảm xúc

Lúc xếp hàng vào rạp, tôi tranh thủ ngắm nhanh khán giả đến dự: toàn là các quý bà quý ông thanh lịch với bộ cánh trang trọng. Phụ nữ có thêm những bộ tóc được chải uốn cầu kỳ và phụ kiện đẹp đẽ như vòng cổ và túi xách, còn cánh đàn ông thì hầu như ai cũng mặc vest với complet phẳng phiu.

Mẹ chồng tôi cũng rất đẹp với chiếc vòng cổ sang trọng bằng vàng mảnh và những chiếc nhẫn đá lớn lấp lánh thừa hưởng của bà và cụ ngoại, tóc uốn bồng bềnh trang nhã. Càng ngày tôi càng thích sự cầu kỳ và cẩn thận nhưng cực kỳ tinh tế trong lựa chọn trang phục của người Ý. Những tính cách này cũng ăn sâu vào việc trang trí nhà cửa của họ, vậy nên nhà của người Ý thường rất đẹp và mang tính thẩm mỹ cao.

Tác phẩm âm nhạc “Nỗi khổ hình của Chúa theo lời kể của Mathiew” của thiên tài người Đức Johann S. Bach đã thực sự mang lại cho tôi nhiều thăng hoa về cảm xúc và chìm đắm trong những diệu kỳ của âm thanh, của sự giao hòa tuyệt hảo giữa những lời ca và nốt nhạc.

Tôi tin rằng người châu Âu văn minh và tinh tế vì được sống trong nền văn hóa đáng ngưỡng mộ như thế. Nhưng tất nhiên là không phải ai cũng văn minh đâu nhé, nếu bạn nghĩ rằng tôi đang tung hô một cách quá khích: bằng chứng là việc nam khán giả trung niên to béo ngồi cách tôi một ghế đã… ngủ gật trong suốt buổi diễn. Tuy nhiên cuối buổi biểu diễn thì ông ta cũng rất lịch sự mà vỗ tay hẳn 3 lần cho đến khi dàn nhạc rời hẳn sân khấu.

Đời sống văn hóa tinh thần rất cần được nuôi dưỡng và “bồi bổ”

Phần lớn khán giả đến dự buổi hòa nhạc là người cao tuổi hoặc trung niên khá giả, số người trẻ chiếm rất ít bởi vé vào cửa quá đắt. Tôi không muốn nói rằng việc đi nghe hòa nhạc chứng tỏ chúng tôi “giàu”, nhưng tôi cho rằng đời sống văn hóa tinh thần cũng rất cần được nuôi dưỡng và “bồi bổ” giống như việc nuôi một đứa trẻ khôn lớn vậy. Đừng nên quá chú tâm đến việc cơm áo gạo tiền và những bộn bề lo toan của cuộc sống thường nhật mà quên đi việc vun xới cho những cảm xúc của mình.

Theo tôi, đây cũng là một trong những bí quyết của việc giữ lửa cho đời sống lứa đôi, cho dù sau đó bạn phải tiết kiệm để "cân đối" chi tiêu!

HẢO PHẠM FIORI

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/doi-song-van-hoa-tinh-than-rat-can-trong-viec-giu-lua-16401.html