Đời sống của công nhân lao động ngành may còn nhiều khó khăn

Đây là thông tin được chia sẻ tại Hội thảo thu nhập của lao động ngành may mặc ở Việt Nam-Thực trạng và giải pháp diễn ra chiều 11-4, tại Hà Nội.

Hội thảo được đồng tổ chức bởi Trung tâm phát triển và Hội nhập CDI; Oxfam tại Việt Nam và Fair Wear Foundation.

 Toàn cảnh hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo.

Chia sẻ tại hội thảo, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, theo khảo sát, 69% công nhân trong ngành may mặc cho biết họ không có đủ tiền để trang trải nhu cầu sinh hoạt của mình, 31% không tiết kiệm được gì từ tiền lương, 68% hiếm hoặc chưa bao giờ có thời gian rảnh để đi thăm người thân và bạn bè... Tiền lương không đủ sống đã dẫn đến hàng loạt hệ lụy đối với người lao động như: 65% công nhân thường xuyên làm thêm giờ, 22% không sử dụng thời gian nghỉ giữa giờ, 69% lao động hay bị mắc các chứng bệnh đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, tụt huyết áp...

Công nhân may tại một công ty của Thái Nguyên.

Theo Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, chính sách tiền lương là một chính sách đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế - xã hội. Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương; trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội; thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững.

Tại hội thảo, các bên liên quan như doanh nghiệp, nhãn hàng, tổ chức công đoàn, đại diện các hiệp hội, đặc biệt là các nhà hoạch định chính sách đã cùng thảo luận về thực trạng trả lương trong ngành may mặc, những rào cản của việc trả lương đảm bảo nhu cầu sống cơ bản của người lao động và những giải pháp. Đặc biệt, các chuyên gia từ các tổ chức quốc tế, đại diện từ các tiêu chuẩn quốc tế về hàng may mặc, đại diện các nhãn hàng cũng đã chia sẻ những sáng kiến từ chuỗi các nhãn hàng xuất khẩu vào thị trường châu Âu trong việc trả mức lương tốt hơn cho người lao động, trong đó có sự chung tay của nhãn hàng và doanh nghiệp.

Tin, ảnh: BĂNG CHÂU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/doi-song-cua-cong-nhan-lao-dong-nganh-may-con-nhieu-kho-khan-571421