Đối sách với Mỹ: Ông Tập Cận Bình kêu gọi nhà nông tự lực cánh sinh

Một chuyến thăm và làm việc vùng đông bắc Trung Quốc là cơ hội để Chủ tịch Tập Cận Bình chống chính sách bảo hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump, và cũng để ông được giống cố lãnh đạo Mao Trạch Đông, theo báo New York Times.

Ông Tập Cận Bình với nhà nông - Ảnh: AP

Giới truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin chuyến thăm 3 ngày của ông Tập là cuộc thị sát. Và ở vùng đông bắc, ông Tập cầm bông lúa và nói chuyện với những người nông dân. Ông đứng cạnh các công nhân làm việc trong một nhà máy dầu và nói về việc xây dựng đất nước Trung Quốc “vô địch”. Ông kêu gọi đưa Trung Quốc trở thành một quốc gia “tự lực tự cường” trong bối cảnh phải đối mặt với với cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc học cách gần dân của Mao

Nhưng theo Times, chuyến thị sát là cơ hội để ông Tập đặt mình ở vị thế ngang hàng Mao, xây dựng hình ảnh một lãnh đạo của nhân dân, đồng thời chống lại chính sách bảo hộ của vị chủ nhân Nhà Trắng.

Theo tờ báo Mỹ, Mao là bậc thầy trong công tác tuyên truyền ở vùng nông thôn, sử dụng hình ảnh và bài hát để ông nêu bật hình ảnh một nhà lãnh đạo luôn ân cần chăm lo tầng lớp lao động bình dân.

Và ông Tập, người bị chỉ trích gây lại sự tôn sùng lãnh đạo từng có thời Mao, đã tái lập những nỗ lực của Mao. Một bức ảnh chụp khi thăm một nông trại ở tỉnh Hắc Long Giang, nhà lãnh đạo Trung Quốc sải những bước đi đầy tự tin dưới bầu trời xanh trong, xung quanh ông là những người nông dân nhìn theo ngưỡng mộ.

Đó là một hình ảnh quen thuộc, được dàn xếp để bắt chước những áp phích tuyên truyền hồi thập niên 1950 vốn thường là hình ảnh Mao đi thăm nhà nông.

David Bandurski, đồng giám đốc Dự án truyền thông Trung Quốc - một chương trình nghiên cứu liên kết với Đại học Hồng Kông, nói: “Đấy là hình ảnh thể hiện tầm vĩ đại của vị lãnh đạo đất nước Trung Quốc”, đồng thời nói các máy gặt ở phía sau lưng ông Tập trong bức ảnh cũng cho thấy những tiến bộ về mặt công nghệ của Trung Quốc.

Giáo sư Pang Laikwan tại Đại học Trung Quốc Hồng Kông nhận xét rằng ông Tập, người lớn lên trong giai đoạn nhiều biến cố của Cách mạng Văn hóa, đã học hỏi nhiều từ việc xây dựng hình ảnh cá nhân của Mao, gồm cả cách Mao thu hút thiện cảm của giới bình dân Trung Quốc.

Ông Tập kêu gọi tự lực cánh sinh

Trong một video ghi lại chuyến thị sát của ông Tập có đoạn ông trò chuyện với một công nhân làm việc tại một cơ sở sản xuất thiết bị ở Hắc Long Giang. Ông hỏi: “Tất cả những nguyên liệu thô đều được sản xuất nội địa à?”

Người công nhân đáp: “Vâng, tất cả đều được sản xuất trong nước”, và ông Tập gật đầu hài lòng. Ông cũng kêu gọi Trung Quốc tiến nhanh hơn trên con đường tự phát triển công nghệ, nhằm chấm dứt phụ thuộc vào công nghệ của Mỹ.

Khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung càng tăng nhiệt và có nguy cơ đe dọa tới chuỗi cung ứng, ông Tập thường xuyên đề cập việc Trung Quốc cần tự phát triển công nghệ vi mạch, phần mềm cũng như các công nghệ khác. Đây là một phần trong chiến lược đưa Trung Quốc trở thành siêu cường hàng đầu thế giới trong thế kỷ 21.

Suốt chuyến thị sát, ông Tập nhiều lần kêu gọi tinh thần “tự lực cánh sinh” nơi người dân Trung Quốc. Ông nói chủ nghĩa đơn cực và bảo hộ đang trỗi dậy buộc Trung Quốc phải tự lực tự cường và “đó không phải là điều xấu”.

Có lúc ông nâng một chén cơm, nói “Cơm Trung Quốc, chén Trung Quốc” nhằm nhắc lại lời kêu gọi người dân Trung Quốc tự sản xuất mọi sản phẩm để tiêu dùng trong nước.

Ông Tập còn nói: “Việc vực dậy đất nước Trung Quốc phụ thuộc vào khả năng cạnh tranh về kinh tế của chúng ta. Chỉ bằng cách như vậy Trung Quốc mới vô địch mãi mãi”, và các công nhân vỗ tay ủng hộ ông.

Trong chuyến thị sát, ông Tập nói chính phủ sẽ tiếp tục ủng hộ các công ty, tập đoàn nhà nước (SOE) để họ “to hơn, mạnh hơn”. Trong chuyến thị sát vùng đông bắc - nơi các doanh nghiệp nhà nước gần như nắm lợi thế, ông Tập tuyên bố rằng ông không có ý định thay đổi đường lối phát triển của các doanh nghiệp này.

“Bất kỳ suy nghĩ hay ý tưởng nào tỏ ra ngờ vực hoặc bôi nhọ danh tiếng của các doanh nghiệp nhà nước đều là sai lầm”, ông Tập nói trước những người công nhân tại nhà máy ở tỉnh Liêu Ninh hôm 27.9.

Từ khi nắm quyền lực năm 2012, ông Tập bị trách không làm gì nhiều để tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước đang ngày càng có xu hướng phình to. Các doanh nghiệp này chiếm vị thế áp đảo trong một số ngành như viễn thông hay thép.

Các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc thường bị chỉ trích vì tập trung quá nhiều vào việc duy trì công ăn việc làm cho người lao động, thay vì sáng tạo các mô hình kinh doanh mới. Theo ông Tập, dù khối doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò hỗ trợ vững chắc, các doanh nghiệp nhà nước vẫn cần tiếp tục phát triển “mạnh hơn, tốt hơn và lớn hơn”.

Cố lãnh đạo Mao Trạch Đông thăm hỏi nhà nông - Ảnh: SCMP

“Trung Quốc có thể sản xuất mọi thứ, từ cây đinh đến tên lửa”

Khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung không hạ nhiệt, lãnh đạo Trung Quốc đều tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới. Bắc Kinh tiếp tục kêu gọi đầu tư nước ngoài, nhằm thể hiện nỗ lực “mở cửa”, nhưng cũng chuẩn bị nguy cơ suy yếu nặng hơn trong quan hệ kinh tế với Mỹ và các nước giàu khác, lúc môi trường thương mại trở nên thù địch hơn, khiến Trung Quốc khó bán hàng hóa ra nước ngoài và tiếp cận công nghệ hiện đại.

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, trong Sách Trắng Thương mại mới công bố, Bắc Kinh lập kế hoạch vực dậy thị trường trong nước, bằng cách yêu cầu vùng nông thôn phải tự lực tự cường.

Nhà nghiên cứu cấp cao Đinh Nhất Phàm, của Viện Chiến lược Quốc gia thuộc Đại học Nhân dân Bắc kinh, nói Trung Quốc chỉ còn một cách là “tự lực cánh sinh”, nếu Mỹ vẫn duy trì cuộc chiến thương mại. Ông nói: “Công nghiệp Trung Quốc chuộng hệ thống dây chuyền, tức có khả năng sản xuất đủ mọi thứ, từ cây đinh cho đến tên lửa”.

Từ tháng 7, Bắc Kinh đã chuẩn bị đón “làn gió nóng” từ cuộc chiến thương mại, chỉ đạo chính quyền địa phương tăng tốc đầu tư cơ sở hạ tầng. Nhưng khi cuộc chiến nghiêm trọng hơn, Trung Quốc cũng có những phản ứng chiến thuật”.

Vài ngày sau khi Mỹ áp mức thuế trị giá 200 tỉ USD lên hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ, Bắc Kinh công bố kế hoạch cải thiện kinh tế nông nghiệp trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2012.

Vài ngày trước đó, Trung Quốc công bố kế hoạch nhà nước khác: “Kích cầu nhân dân chi tiêu dùng”, đặc biệt chi cho du lịch, chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Ủy ban Cải cách - Phát triển Quốc gia đang kêu gọi chính quyền địa phương giảm giá vé ở các điểm đến hút khách, để kích cầu du lịch trong nước.

Trong khi ông Tập thị sát vùng đông bắc, Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng thăm tỉnh Chiết Giang (phía đông Trung Quốc) vốn là cái nôi của kinh tế tư nhân. Ở đó, ông Lý hứa chính phủ cũng yểm trợ mạnh cho lĩnh vực tư nhân, chỉ đạo chính quyền giảm gây phiền nhiễu đối với các công ty tư nhân, và chỉ đạo ngân hàng không được ưu ái các công ty nhà nước trong chuyện cho vay tiền.

Tại một hội thảo với các doanh nhân, vị Thủ tướng còn hứa tiếp tục tái cơ cấu kinh tế, tăng tốc xây dựng “một thị trường và môi trường kinh doanh tuân thủ pháp luật”.

Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế học cấp cao ở tổ chức Capital Economics (ở Singapore) nói toàn bộ các nước đang phát triển đều cảnh giác với các tham vọng của Trung Quốc, ví dụ chiến lược “Made in China 2025” để nâng cấp ngành công nghiệp, hoặc dự án "Vành Đai và Con Đường” nhằm kích cầu thương mại quốc tế và cơ sở hạ tầng.

Ông còn nói chính quyền Trung Quốc đặc biệt quan ngại cuộc chiến thương mại với Mỹ có thể lan khắp phần còn lại của thế giới, khi Mỹ, Liên hiệp châu Âu (EU), Nhật Bản và Hàn Quốc đều ngán chuyện Trung Quốc ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ. Từ đó, Bắc Kinh có thể dựa mạnh hơn vào thị trường và khả năng trong nước.

Một số nhà quan sát nói xuất khẩu không còn là yếu tố quyết định sức tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Trong nửa quý đầu năm 2018, hàng xuất khẩu chỉ chiếm 18% trong GDP của Trung Quốc, gồm 1/5 xuất qua Mỹ.

Ông Chu Tiểu Xuyên, cựu Thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc, và các nhà kinh tế học khác nói cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chỉ tác động nhỏ đến GDP của Trung Quốc. Theo số liệu chính thức, sức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc tăng 6,7% trong quý 2/2018, trong khi xuất khẩu trong tháng 8 tăng 9,8%.

Tuy nhiên, cũng có những dấu hiệu rắc rối trong nền kinh tế trị giá 12 ngàn tỉ USD của Trung Quốc. Sức chi tiêu dùng đã giảm xuống mức thấp nhất trong 15 năm qua, cùng các chỉ dấu khác gọi ý đó là những dấu hiệu suy yếu ở vùng sản xuất Quảng Đông.

Vĩnh Thụy (theo New York Times, SCMP)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/goc-nhin-c-121/doi-sach-voi-my-ong-tap-can-binh-keu-goi-nha-nong-tu-luc-canh-sinh-97838.html