Đổi rừng lấy dự án: Thiên nhiên giúp chúng ta tỉnh ngộ!

Sự trả giá vì mất rừng chúng ta đã chứng kiến rất rõ. Chính sự tàn phá của thiên tai đã buộc con người phải thức tỉnh.

Đó là phát biểu của GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng khi trao đổi với Đất Việt về tình trạng đổi rừng lấy dự án.

Nhiều dự án nhắm vào rừng

PV: - Dù vấn đề giữ rừng đã được dư luận xã hội cũng như các lãnh đạo bộ ngành hết sức quan tâm, song vẫn xuất hiện những dự án mới xin chuyển đổi đất rừng, trong đó có cả rừng tự nhiên và rừng trồng. Có thể kể tới dự án hồ chứa nước Sông Than (Ninh Thuận) và dự án hồ chứa nước Bản Mồng (Nghệ An) chuyển đổi hơn 400 ha rừng phòng hộ đầu nguồn; dự án sân golf Đắk Đoa ở Gia Lai đề nghị chuyển đổi hơn 150 ha rừng thông gần 50 tuổi, hay một doanh nghiệp xin khảo sát để đầu tư dự án du lịch văn hóa tâm linh và khu sinh thái thác Tà Puồng ở Quảng Trị cũng trên đất rừng...

Là người cả đời gắn bó với rừng, cảm giác của ông khi nghe những thông tin này như thế nào? Tại sao quan điểm ưu tiên bảo vệ rừng đã được khẳng định, đặc biệt sau thảm họa lũ lụt, sạt lở kinh hoàng ở các tỉnh miền Trung vừa qua, nhưng vẫn có rất nhiều dự án lăm le xâm phạm đất rừng như vậy, thưa ông? Những sự việc trên phải nhìn nhận như thế nào?

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung: - Khi chuyển đổi rừng chính là đánh đổi giá trị về môi trường sinh thái để lấy một mục tiêu khác. Mục tiêu ấy nếu là kinh tế thì phải xem cái lợi về kinh tế đến mức nào mà quyết định đánh đổi. Còn nếu đó là mục tiêu xã hội thì phải suy nghĩ khác vì xã hội cũng là một mục tiêu ưu tiên, dù không bằng môi trường.

Dù với mục tiêu nào thì cũng phải có đánh giá tác động môi trường khi chuyển đổi rừng thì nó sẽ gây những tác hại gì. Nếu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường có thể đưa ra những giải pháp giảm thiểu tác động ấy, chẳng hạn như trồng rừng thay thế hay các giải pháp khác thì có thể ưu tiên. Báo cáo đánh giá tác động môi trường đó phải do một hội đồng có đủ năng lực thực hiện. Nếu sau khi hội đồng đánh giá rồi mà thấy rằng cái lợi lớn hơn rất nhiều so với phần hy sinh về tài nguyên môi trường thì trình với cấp trên, từ đó cấp trên quyết định có thể chuyển đổi rừng chỗ này và khôi phục ở chỗ khác.

Điều đó có nghĩa dẫu có chuyển đổi thì rừng không mất đi hoàn toàn. Ở các nước có độ che phủ rừng lớn thì độ che phủ rừng còn có tác dụng là đất dự trữ. Đất đó khi cần có thể lấy để đảm bảo môi trường sinh thái, trong đó quy định đó là loại rừng gì, chức năng ra sao, lấy đất đó thì phải đền bù hay trồng rừng thay thế như thế nào...

Liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng rừng chúng ta rất khắt khe. Luật Lâm nghiệp 2017 cũng đã quy định rất chi tiết, trong đó nêu rõ thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Cấp có thẩm quyền nào cho phép chuyển đổi rừng thì cấp đó chịu trách nhiệm trước dân tộc, trước sinh thái, môi trường của cả nước.

Cụ thể, Quốc hội quyết định các chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 50 ha trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 500 ha trở lên; rừng sản xuất từ 1.000 ha trở lên.

Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng dưới 50 ha; rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 20 ha đến dưới 50 ha; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 20 ha đến dưới 500 ha; rừng sản xuất từ 50 ha đến dưới 1.000 ha.

Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển dưới 20 ha; rừng sản xuất dưới 50 ha; rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư.

Đối với những dự án đã được cấp có thẩm quyền thẩm định và cho phép thì dự án đó được làm, kèm theo đó là tất cả các giải pháp giảm thiểu tác động xấu phải được thực hiện một cách nghiêm túc, có người giám sát và có người chịu trách nhiệm.

Chẳng hạn, chủ dự án đóng tiền để trồng rừng thay thế thì cơ quan nào nhận trồng rừng thay thế phải báo cáo lại với ngành ấy rằng đã sử dụng bao nhiêu tiền, trồng rừng thay thế ra sao, trồng ở đâu, thiết kế như thế nào, ai phê duyệt... Tất cả đều phải có cơ quan chịu trách nhiệm.

Như hai dự án hồ chứa nước ở Ninh Thuận và Nghệ An mới đây đã được Quốc hội đồng ý chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tại kỳ họp thứ 10 vừa qua, về nguyên tắc, trước khi đồng ý, Quốc hội bao giờ cũng đưa dự án cho tất cả các bộ, ngành có liên quan để cho ý kiến. Khi tất cả các bộ, ngành có liên quan nhất trí thì Quốc hội mới đồng ý.

Khi Quốc hội cho phép thì cơ quan quản lý rừng vẫn phải giám sát việc thực hiện: trồng rừng thay thế ở đâu, ai quản lý chuyện này... Cái này phải hình thành dự án và dự án ấy phải được phê duyệt.

Hay như dự án sân golf ở Gia Lai, ảnh hưởng của dự án đối với rừng là bao nhiêu? Cơ quan nào chịu trách nhiệm thẩm định thì phải trả lời rõ về vấn đề này.

Thực tế cho thấy có nhiều nhà đầu tư, nhiều dự án nhắm vào rừng. Như ở Vĩnh Phúc cách đây khoảng 5 năm muốn chuyển đổi rừng phòng hộ thành rừng sản xuất, xây dựng công viên nghĩa trang. Sự việc này khi đó vấp phải ý kiến phản đối gay gắt của các nhà khoa học, giới chuyên môn và dư luận. Những người được gửi ý kiến phản biện đã đặt câu hỏi rằng: Có rất nhiều đất trống đồi trọc, tại sao chủ dự án không lấy, mà lại nhằm vào rừng phòng hộ? Tại sao phải phá rừng mới làm được nghĩa trang? Như vậy hẳn phải có mục đích khác. Sau doanh nghiệp đuối lý và dự án bị bác.

Cho nên, trở lại với dự án sân golf ở Gia Lai, tôi cho rằng người phản biện dự án phải chi li từng chút một, phải có ý kiến của các cơ quan chuyên môn có liên quan. Nếu được thông qua, kèm theo đó phải là một dự án về giảm nhẹ tác động xấu của dự án tới môi trường, đó là trồng rừng thay thế. Dự án trồng rừng này cũng phải được duyệt và phải được một cơ quan thực hiện.

Rừng ngập mặn cũng… suy giảm

PV: - Không chỉ rừng miền Bắc, miền Trung, mà diện tích rừng ngập mặn ở ĐBSCL cũng bị suy giảm nghiêm trọng. Thống kê của Bộ TN-MT cho biết, 50 năm qua, diện tích rừng ngập mặn ở đồng bằng này đã giảm 80%. Rừng vốn được coi là chiếc áo giáp bảo vệ ĐBSCL, mất đi chiếc áo giáp này, ông hình dung ĐBSCL sẽ bị tổn thương như thế nào, đặc biệt trong bối cảnh khu vực này đang phải đương đầu với biến đổi khí hậu?

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung: - Rừng phòng hộ, trong đó có rừng phòng hộ nước mặn, rất quan trọng. Nó có tác dụng ngăn nước mặn từ ngoài biển tràn vào làm đất hóa phèn, hóa mặn, không trồng được các cây lương thực, hoa màu. Rừng ngập mặn cũng có tác dụng bảo vệ đê chắn sóng. Nếu đê này xây bằng xi măng cốt thép thì đến lúc nào đó cũng sẽ bị vỡ, bị gỉ vì nước mặn tràn vào. Nhưng nếu có một khu rừng phòng hộ nằm phía ngoài đê thì nó sẽ giúp giảm tác động của sóng đánh vào đê. Rừng phòng hộ có năng lực tự bảo tồn, khi sóng vào thì cây ngả theo sóng, đến khi sóng rút thì cây ngẩng đầu lên. Bởi phải qua rừng nên tác động của sóng vào đê chỉ còn khoảng 20-30%.

Thực tế cho thấy, rừng ngập mặn bảo vệ đê không hề bị chặt, người dân đã lấy rừng sản xuất phía trong để nuôi tôm. Ở rừng ngập mặn, năng suất tôm rất cao, xuất khẩu được nhiều nên người dân đua nhau làm.

Khi Nhà nước giao đất giao rừng cho người dân, họ không bảo vệ rừng nhiều mà phát triển các vuông nuôi tôm. Đáng lẽ các vuông nuôi tôm chỉ được chiếm tối đa khoảng 50%, còn lại vẫn phải có rừng thì nước ấy mới không bị ô nhiễm. Đằng này các vuông nuôi tôm át hết rừng, người dân vì thế cũng chỉ có thể nuôi tôm được 2 chu kỳ, trải qua 2 lần thu hoạch thì rừng bị ô nhiễm, không thể nào nuôi tôm được nữa.

Thống kê của Bộ TN-MT là đúng và diện tích rừng ngập mặn sẽ ngày càng giảm đi khi chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt. Chỉ cần vài ba vụ đầu làm lớn, lãi cao thì người dân sẽ không quan tâm nữa. Đó là tâm lý ăn xổi ở thì và không thể trách người nông dân vì họ chỉ cố gắng làm thế nào để có lãi cao nhất.

Tình trạng này cũng tương tự như ở miền núi. Đất rừng tự nhiên là đất tốt nhất nên người dân chặt rừng tự nhiên để làm nương rẫy, được 2-3 năm mưa gió làm cho các lớp bùn đất trượt hết, đất thành đất trống đồi trọc, năng suất cây trồng giảm, người dân lại bỏ đi nơi khác.

Nếu người dân bỏ đi, các gốc cây, rễ cây, các hạt giống do con thú, con chim tha đến tái sinh, bảo vệ được rừng đó thì 20-30 năm sau nó lại thành rừng tự nhiên. Nhưng nếu cây lớn bằng cổ tay, cổ chân người dân lại chặt lấy củi bán thì nó không còn là rừng nữa mà trở thành đất trống.

Cho nên, trở lại với câu chuyện của ĐBSCL, mất rừng sẽ khiến đồng bằng này bị tổn thương nặng nề. Mất rừng, nước mặn tràn vào, có chỗ đến 60-70km khiến vùng đồng bằng ven biển gần như mất hẳn, không thể nào canh tác nông nghiệp được nữa.

Sự tàn phá của thiên tai đã buộc con người phải thức tỉnh, biết trồng rừng và bảo vệ rừng

Đừng để trả giá đắt

PV: - Muốn phát triển kinh tế thì phải đánh đổi, nhưng khi rừng bị phá để làm kinh tế, cái giá phải trả sẽ ra sao, thưa ông? Theo lý luận của các nhà đầu tư, phá rừng thì lại trồng rừng, và theo những con số báo cáo của Bộ NN-PTNT thì độ che phủ rừng của Việt Nam trong những năm qua đã tăng lên. Những cái đó có bù đắp lại được những gì chúng ta đã mất khi mất rừng không?

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung: - Sự trả giá vì mất rừng chúng ta đang chứng kiến rất rõ. Mất rừng, lũ lụt xảy ra ở ngay thượng nguồn chứ không phải ở hạ lưu.

Đối với người dân, kêu gọi thế nào lúc tuyên truyền, họp hành đều đồng ý, cam kết bảo vệ rừng, nhưng khi nuôi tôm trong rừng ngập mặn thắng lợi vài ba vụ đầu tiên, mua được xe, xây được nhà mà bảo họ phải giữ nguyên diện tích rừng thì rất khó.

Với doanh nghiệp cũng vậy. Chẳng hạn trong lĩnh vực thủy điện, nhiều năm nay, thủy điện được xã hội hóa, tư nhân đầu tư làm thủy điện nhiều, đặc biệt là thủy điện nhỏ, trong khi đó rừng phòng hộ vẫn là của Nhà nước, vậy tội gì ông chủ của nhà máy thủy điện tư nhân phải bỏ tiền ra để trồng rừng phòng hộ, làm cho nó ngày càng tốt hơn dù đó là thứ đảm bảo cho nhà máy thủy điện hoạt động an toàn và lâu dài?

Chuyện này sẽ khác nếu thực hiện giao đất rừng kèm trách nhiệm và quyền lợi lâu dài cho người dân. Khi đó, nếu họ phá rừng, họ sẽ mất tất cả. Còn bây giờ vẫn là giao đất giao rừng để người dân có quyền sử dụng, nếu người dân không sử dụng được thì trả.

Về câu chuyện độ che phủ rừng mà phóng viên đề cập, từng là người quản lý trong ngành, tôi có thể khẳng định cho tới nay chúng ta không tìm được đất trống đồi trọc để trồng rừng nữa, nếu có chăng thì còn rất ít vì manh mún chỗ nọ, chỗ kia dăm bảy hecta, không còn các khoảnh lớn nữa.

Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV vừa qua, câu chuyện về độ che phủ rừng đã gây ra nhiều tranh cãi trái chiều. Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, trong 30 năm qua, ngành nông nghiệp đã cải tạo, gia tăng thêm được 1,3 triệu ha rừng tự nhiên. Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội dẫn lời các nhà khoa học khẳng định không thể trồng được rừng tự nhiên, bởi rừng tự nhiên phải do tự nhiên hình thành, không phải rừng được tạo nên bởi tác động của con người.

Thực ra con số ngành nông nghiệp đưa ra không sai, vấn đề là họ đã không giải thích được rừng tự nhiên được tạo nên trong điều kiện nào và vì sao diện tích rừng đó được tăng lên.

Lý do độ che phủ rừng tăng lên trước hết là vì từ khi chúng ta cải tạo quan hệ sản xuất, người dân đủ ăn, chất đốt cũng không còn thiếu thì không phá rừng tự nhiên làm nương rẫy hay lấy củi nữa. Khi ấy, các gốc rễ, hạt giống lên cây con, cây con tái sinh tự nhiên. Đó không phải là một vài loại cây mà là hàng trăm, hàng ngàn cây. Những rừng non này không bị chặt nữa thì phát triển thành rừng tự nhiên.

Ngay trong chương trình 327 - chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc, ngoài chuyện trồng rừng còn xúc tiến tái sinh tự nhiên hay phục hồi rừng tự nhiên, quy trình của nó dài gấp 2 lần so với trồng rừng. Trồng rừng chừng 3-5 năm thì cây non khép tán, tán lá giao nhau thành rừng. Còn nếu để cây tự phát triển với hàng trăm loài, loài nọ chèn ép loài kia thì mất thời gian gấp đôi mới khép tán. Do đó, nếu rừng tự nhiên mà bảo vệ được thì thời gian trở thành rừng chậm hơn so với rừng trồng.

Khi chương trình 327 tiến hành, Việt Nam đã trồng được 1,1 triệu ha rừng và xúc tiến tái sinh, tự phục hồi thêm được 400 nghìn ha. Chỉ cần bảo vệ diện tích này, không cho ai chặt rừng lấy gỗ, lấy đất làm việc khác nữa thì nó sẽ thành rừng tự nhiên.

PV: - Từ thực tế trên, theo ông, bảo vệ rừng cần có cơ chế chặt chẽ hơn như thế nào? Và nếu không có giải pháp hữu hiệu, chuyện Việt Nam tiếp tục mất rừng tự nhiên có cần lường tới hay không và khi đó hậu quả sinh thái sẽ như thế nào?

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung: - Thực ra ngành lâm nghiệp đã chuyển hướng 2-3 lần, lần này thiên nhiên giúp cho chúng ta tỉnh ngộ.

Chỉ riêng mùa thu đông năm nay, lũ lụt, sạt lở ở miền Trung đã gây thiệt hại lớn về người và của, hàng trăm người chết. Chính sự tàn phá của thiên tai đã làm cho con người thức tỉnh, mà khi bình thường khó có thể làm được nếu chỉ tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Nhiều năm trước tôi đã nói chuyện lợi dụng chính sách để phá rừng. Lâm tặc chặt từng cây, nhưng có những dự án chuyển đổi đất lâm nghiệp cho phép chặt hàng nghìn hecta rừng.

Tôi muốn nhắc lại hai câu chuyện để minh chứng cho điều này.

Thứ nhất, tôi từng ngồi trong hội đồng xét duyệt trồng cây cao su ở Tây Nguyên. Khi hội đồng đưa ra các căn cứ khoa học về lượng mưa, độ sâu của đất, thời tiết nắng... khiến cây cao su không thể sống được ở đất Tây Nguyên. Ngay lập tức có người đưa ra giấy chứng nhận của Viện Nghiên cứu cao su kết luận rằng khu vực đó có thể trồng được. Tức là phía doanh nghiệp đã "chạy" trước kết quả này và biết trước kiểu gì thì hội đồng cũng sẽ lấy ý kiến của Viện Nghiên cứu cao su. Tôi đành bất lực.

Thứ hai, cũng câu chuyện cao su ấy. Lúc đầu, không có đất để trồng cao su vì như quy định, đất đã trồng các loài cây khác không có kết quả thì mới được lấy để trồng cao su. Cho nên, doanh nghiệp lấy đất rừng nghèo kiệt để làm. Khi hội đồng đến tận nơi, thấy rõ ràng đó là rừng giàu, còn đang phát triển tốt, nhưng doanh nghiệp đưa ra giấy chứng nhận của ngành điều tra quy hoạch rừng chứng nhận đó là rừng nghèo kiệt. Lúc ấy, tôi đành chịu.

Có thể khẳng định về mặt quy định của pháp luật chúng ta không thiếu, song luật lại không đi vào cuộc sống, việc thi hành luật rất kém, bên cạnh đó còn có cả tình trạng tham nhũng, mà đã là tham nhũng thì khó chống nổi. Đó là những lý do liên quan đến con người thì cả xã hội phải cùng làm.

Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ đã đề xuất trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới. Ở đây, phải hiểu con số 1 tỷ không phải là con số kế hoạch mà là ý chí, là quyết tâm của người lãnh đạo. Chúng ta phải nắm lấy quyết tâm ấy để trồng rừng và bảo vệ rừng.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/doi-rung-lay-du-an-thien-nhien-giup-chung-ta-tinh-ngo-3424859/