Đội quân tình nguyện tiếp tế cho bác sĩ ở tâm dịch Bắc Giang

Từ tặng đồ dùng sinh hoạt cho lực lượng y tế đến ủng hộ thực phẩm cho công nhân gặp khó khăn, người dân Bắc Giang vượt qua những ngày dịch bệnh với tinh thần sản sẻ lẫn nhau.

“Nhóm thường đi nhận đồ từ sáng sớm, có hôm đi phân phát đến tận nửa đêm mới về nghỉ. Khả năng lây nhiễm cao hơn nhưng anh em bảo nhau cố gắng, nếu mình không gắng sức thì ai sẽ giúp đỡ khi người khác cần", Huy Anh (sinh năm 1995, xã Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) nói với Zing.

Trời mùa hè nóng nực, bộ quần áo bảo hộ cùng với khẩu trang kín mít gây mệt mỏi, bí bách nhưng cảm giác hoàn thành xong nhiệm vụ trong ngày khiến ai nấy đều thấy xứng đáng. Sống trong vùng tâm dịch của tỉnh Bắc Giang, Huy Anh cùng nhiều người khác lập nhóm hỗ trợ, đăng ký làm tình nguyện viên lên tuyến đầu.

 Nhóm của chàng trai sinh năm 1995 trên đường đi hỗ trợ người dân Bắc Giang. Ảnh: Huy Anh.

Nhóm của chàng trai sinh năm 1995 trên đường đi hỗ trợ người dân Bắc Giang. Ảnh: Huy Anh.

Không riêng mình Huy Anh, khi Bắc Giang trở thành điểm nóng Covid-19 của cả nước, nhiều câu chuyện về tấm lòng người dân tình nguyện san sẻ, hỗ trợ lẫn nhau trong lúc cả cộng đồng khó khăn được ghi nhận.

Cả nhà lên tuyến đầu chống dịch

“Nhóm mình có khoảng hơn 10 thành viên, cả người quen người không, thấy dịch bùng lên bất ngờ đã cùng kết nối và xin hỗ trợ từ các mạnh thường quân để giúp anh, chị, em công nhân mắc kẹt trong khu công nghiệp”, Huy Anh kể lại.

Những ngày qua, nhóm của anh nhận được sự hỗ trợ tích cực từ nhiều đơn vị. Mỗi ngày có hàng tấn gạo, rau củ, mì gói, bánh mì... được chuyển tới. Nhóm sẽ chịu trách nhiệm bốc dỡ, vận chuyển thực phẩm, chia nhau phân phát đến từng người đang cách ly.

Đội tình nguyện thường liên hệ với các chủ nơi có công nhân ở trọ để thống nhất việc vận chuyển, hoặc khi có công nhân liên lạc và đề nghị được giúp đỡ, nhóm sẽ tiếp cận, gửi đồ.

Trên đường đi hỗ trợ, chàng trai từng gặp nhóm các em nhỏ phải đi cách ly khiến anh rất thương. Khi thấy có hàng hóa hỗ trợ là sữa, hoa quả, nhóm thường ưu tiên đưa đến chỗ các em nhỏ trước.

Người nhận phân loại, người nhận vận chuyển, Huy Anh và các đồng đội dành cả ngày để tiếp tế thực phẩm cho các công nhân đang gặp khó khăn ở tâm dịch. Ảnh: Huy Anh.

“Có hôm đến trao đồ ăn cho các anh chị công nhân, họ xúc động cảm ơn rối rít, có người còn bật khóc khiến mình vừa thương, vừa hạnh phúc vì đã giúp đỡ được người khác. Mọi mệt mỏi suốt ngày dài dường như biến mất”.

Huy Anh cho hay cả gia đình anh đều tích cực tham gia vào tuyến đầu chống dịch. Mẹ anh là giáo viên trường mầm non, phụ giúp nấu ăn cho các khu cách ly.

Cả vợ chồng chị gái anh cũng góp mặt. Chị gái Huy Anh là nhân viên y tế chi viện cho các bệnh viện dã chiến tại Bắc Giang. Chỉ cần nửa đêm có lệnh là chị và các đồng nghiệp vội lên đường. Anh rể anh là cán bộ công an đang tham gia trực chiến chống dịch.

“Vợ chồng chị mình có một bé 2 tuổi, đang được ông bà nội chăm. Đã 11 ngày rồi anh rể mình không được gặp con. Hiện tại chỉ có bố mình ở nhà, lại trong vùng phong tỏa nên cũng không tiếp xúc với ai. Dù khó khăn, cả nhà cũng cố gắng, mong sao dịch bệnh sớm được đẩy lùi”.

"Là quê hương mình, không thể không chia sẻ"

Không sống trong vùng tâm dịch, chị Thân Thị Dần cùng gia đình (trú tại xã Song Mai, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) kêu gọi bạn bè, đồng nghiệp tiếp tế nước uống, các nhu yếu phẩm và đồ dùng sinh hoạt như quạt điện, móc quần áo, giày dép cho đội ngũ y bác sĩ, bệnh nhân trong các bệnh viện dã chiến.

Chị Dần là chủ một tiệm nail, còn chồng bán hàng tạp hóa gần bệnh viện. Hiện tại, cửa hàng của hai vợ chồng chị phải tạm nghỉ để đảm bảo phòng, chống dịch.

Công việc bị gián đoạn vì Covid-19, chị Thân Thị Dần cùng chồng dành thời gian kêu gọi, hỗ trợ cho các bác sĩ ở bệnh viện dã chiến. Ảnh: Thân Thị Dần.

Ban đầu, chị Dần cùng chồng đi mua quạt điện về lắp rồi trực tiếp đưa đến các bệnh viện dã chiến. Sau đó, chị thường gọi điện trước cho bệnh viện, xem cần những đồ dùng gì thì mua mang đến.

Trong chuyến đi tới bệnh viện tặng nước suối, chị Dần biết được các nữ y, bác sĩ đang thiếu thốn nhiều đồ dùng cá nhân như băng vệ sinh, đồ lót. Ngay trong hôm đó, chị Dần dành cả ngày để chạy đi khắp các chợ, cửa hàng ở Bắc Giang mua từng món đồ gửi tặng họ.

“Đã tròn 1 tuần, hai vợ chồng ngày nào cũng dậy từ 5h sáng mua rau củ, nhu yếu phẩm cần thiết đưa tới tiếp tế các bệnh viện dã chiến. Đến trưa, chúng tôi về nhà ăn qua loa rồi chiều lại lên đường đi tiếp. Tối về, tôi ngồi tổng hợp, lên danh sách những đồ dùng hôm sau cần mua”.

Tính đến nay, hai vợ chồng chị Dần đã tiếp tế hơn 1 tấn rau củ, 500 bộ đồ bảo hộ, 30 quạt điện và hàng nghìn đồ dùng sinh hoạt khác.

“Là một người con đang sống trên mảnh đất Bắc Giang, tôi may mắn hơn khi được ở vòng ngoài, mạnh khỏe và an toàn nên muốn góp chút sức nhỏ của mình", chị cho hay.

Không chỉ người dân đang sinh sống tại Bắc Giang, những con người xa quê cũng tìm cách hỗ trợ cho cuộc chiến chống Covid-19 ở nơi này.

500 thùng nước giải được chị Hương Trần nhờ người nhà đem gửi tận tay đến cán bộ của Sở Y tế Bắc Giang. Ảnh: Hương Trần.

Chuyển vào sinh sống ở TP.HCM đã ngót nghét 17 năm, chị Hương Trần (đến từ huyện Lục Nam, Bắc Giang) lo lắng khi nghe tin dịch bùng phát ở quê nhà.

Chị Hương cho biết hiện cả gia đình bên nội và bên ngoại đều ở Bắc Giang. Đã hơn một năm qua vợ chồng chị và các con chưa có dịp về thăm quê vì nhiều lần dịch bệnh bùng phát trở lại.

Ở xa, chị Hương kêu gọi người quen, hàng xóm ủng hộ rồi nhờ chị gái mua giúp, gửi 500 thùng nước điện giải đến Sở Y tế Bắc Giang. Từ đó, số nước sẽ được chuyển đến các y, bác sĩ đang căng mình chống dịch.

"Điều làm mình thấy cảm động nhất là nhiều người nhắn tin, gọi điện cho hai vợ chồng hỏi thăm tình hình người thân khi biết quê cả hai đang là tâm dịch. Biết mình đang muốn ủng hộ lực lượng y tế ở Bắc Giang, mọi người cũng nhiệt tình hưởng ứng, giúp đỡ", chị Hương kể với Zing.

Trước đó, gia đình chị cũng ủng hộ bằng tiền mặt khi biết tin trung tâm y tế của huyện trở thành nơi tiếp nhận bệnh nhân điều trị Covid-19, điều kiện còn thiếu thốn.

"Thiệt sự là dịch bệnh khiến công việc của hai vợ chồng khó khăn hơn rất nhiều, nhưng đọc thông tin về tình hình quê hương, mình không thể không chia sẻ được, có ít làm ít, góp theo khả năng. Mình chỉ mong không ở đâu còn dịch, chỉ mong bà con có cuộc sống bình yên".

Hiền Thy - Đinh Phạm - Kiều Trang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/doi-quan-tinh-nguyen-tiep-te-cho-bac-si-o-tam-dich-bac-giang-post1218781.html