Đối phó với thách thức ô nhiễm không khí - Bài cuối: Cần thực hiện các giải pháp đồng bộ

Theo Tổng cục Môi trường, để hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí, các bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguồn phát thải...

Việc kiểm soát khí thải với các phương tiện giao thông hiện nay còn hạn chế. Ảnh: Tiến Hiếu - Huy Hùng/Báo Tin tức

Việc kiểm soát khí thải với các phương tiện giao thông hiện nay còn hạn chế. Ảnh: Tiến Hiếu - Huy Hùng/Báo Tin tức

Vụ Quản lý chất lượng môi trường, Tổng cục Môi trường cho biết: Một số vấn đề tồn tại trong công tác quản lý môi trường không khí như hành lang pháp lý chưa đồng bộ và chưa phù hợp với diễn biến phát sinh các nguồn gây ô nhiễm; hệ thống quy định và quy chuẩn kỹ thuật chưa bao quát các lĩnh vực đặc thù và thực tiễn sản xuất. Công tác phối hợp quản lý môi trường không khí giữa các bộ, ngành liên quan với Bộ Tài nguyên và Môi trường thiếu chặt chẽ và chưa thường xuyên.

Còn nhiều hạn chế

Trong những năm qua, Việt Nam đã triển khai các hoạt động quản lý, kiểm soát chất lượng không khí và đạt được những kết quả nhất định, nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều hạn chế. Các chương trình quan trắc tổng thể và định kỳ môi trường không khí cho các khu vực nông thôn và làng nghề còn thiếu; nhiều hoạt động kiểm soát ô nhiễm chưa được triển khai như kiểm soát chất lượng nhiên liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu, đào tạo, tập huấn, nghiên cứu và giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường không khí. Nguồn nhân lực và kinh phí cho hoạt động kiểm soát ô nhiễm không khí chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Đặc biệt là sự tham gia của cộng đồng vào công tác kiểm soát ô nhiễm không khí còn mờ nhạt, chỉ mang tính hình thức.

Hệ thống quan trắc môi trường chưa phát huy được hiệu quả giám sát quản lý. Trang thiết bị quan trắc chưa được đầu tư đồng bộ, thậm chí nhiều nơi không bố trí đủ kinh phí vận hành bảo dưỡng. Phần mềm quản lý, kết nối và truyền dữ liệu chưa có hoặc chưa hiệu quả. Hạ tầng công nghệ thông tin chưa được đầu tư hoặc chưa đáp ứng yêu cầu. Nhân lực vận hành, quản trị chưa đủ số lượng và trình độ; quản lý, chia sẻ thông tin dữ liệu chưa hiệu quả; chưa thực hiện công bố dữ liệu; chưa tuân thủ các quy định kỹ thuật. Cho đến nay mới có khoảng 10% địa phương thực hiện truyền dữ liệu về Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Việc kiểm soát khí thải với các phương tiện giao thông hiện nay còn hạn chế, xử lý khí thải từ hoạt động giao thông lại càng khó thực hiện. Các biện pháp để xử lý ô nhiễm khói bụi ở Hà Nội và các thành phố lớn vẫn chưa hiệu quả. Tiến độ di dời những cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi nội đô còn chậm.

Các mô hình nghiên cứu quản lý chất lượng không khí chưa được áp dụng rộng rãi, công nghệ xử lý khí thải mới chỉ xử lý được các loại khí cơ bản như bụi, NO2, SO2 mà chưa xử lý hoàn toàn được các loại khí thải độc hại. Công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát nguồn thải chưa hiệu quả. Thiết bị đo nhanh khí thải chưa được đầu tư tương ứng với diễn biến phức tạp của các ngành nghề sản xuất kinh doanh.

Kiểm soát chặt chẽ và hạn chế nguồn thải

Theo Tổng cục Môi trường, các bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguồn phát thải, tăng cường kiểm soát khí thải phát sinh từ các khu vực xử lý chất thải rắn nông thôn, làng nghề, cụm công nghiệp, tăng cường kiểm soát phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt tại các đô thị lớn.

Để giảm thiểu phát thải khí thải từ các phương tiện giao thông, ngoài việc kiểm soát nguồn thải từ các phương tiện gồm công tác đăng kiểm, kiểm định phương tiện, xử lý loại bỏ các phương tiện đã quá niên hạn sử dụng, tiếp tục lộ trình thắt chặt tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông, sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường, cần giảm thiểu số lượng phương tiện bằng cách khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch. Ngoài ra, hoạt động bảo dưỡng định kỳ phương tiện cũng cần được thực hiện nghiêm túc. Khi phương tiện được bảo dưỡng định kỳ sẽ giúp động cơ hoạt động tốt hơn, lượng nhiên liệu tiêu hao ít hơn nên lượng khí thải ra môi trường cũng ít hơn.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức cho rằng, cần tăng cường kiểm soát khí thải từ hoạt động giao thông, yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng, các dự án phải thực hiện nghiêm ngặt bảo vệ môi trường trong xây dựng, không để rơi vãi, phát tán bụi; tuyên truyền người dân không đốt rơm rạ bừa bãi, hạn chế tối đa việc sử dụng than trong đun nấu…; tăng cường đầu tư, lắp đặt các trạm quan trắc không khí tự động liên tục đảm bảo đủ dày mạng lưới để dự báo, cảnh báo về chất lượng không khí xung quanh; công khai thông tin chất lượng không khí tại các trạm đo cho người dân biết.

Biện pháp trồng cây xanh bên đường có thể giảm lượng bụi trong không khí đối với những tầng trên của nhà cao tầng từ 30 - 60%; giảm thiểu khí nhà kính, giảm phản xạ bức xạ mặt trời ra xung quanh. Theo các tài liệu nghiên cứu, trung bình 1 ha rừng hay vườn cây rậm rạp có thể hấp thụ 1.000 kg CO2 và thải ra 730 kg O2 mỗi ngày. Như vậy, mỗi người dân đô thị cần diện tích khoảng 10m2 cây xanh hoặc 25 m2 thảm cỏ để đảm bảo không khí trong lành cho cuộc sống.

Cùng với đó, việc tuyên truyền và huy động sự tham gia của cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng. Trong đó, các hoạt động cần được đẩy mạnh như hạn chế đốt rác, rơm rạ, sử dụng bếp than tổ ong, ưu tiên sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường... Thực hiện đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, thiết bị sản xuất tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm hạn chế phát sinh khí thải đồng thời tăng cường xây dựng, lắp đặt, vận hành các hệ thống xử lý khí thải phát sinh từ các cơ sở công nghiệp, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường không khí.

Hiện cả nước có 800 trạm quan trắc tự động trên địa bàn 45 tỉnh, thành phố, trong đó 160 trạm quan trắc môi trường xung quanh, 640 trạm quan trắc phát thải do doanh nghiệp đầu tư. Mạng lưới quan trắc tự động sẽ được mở rộng, tiếp tục đầu tư lắp đặt trạm quan trắc đối với môi trường xung quanh, siết chặt quy định quan trắc phải tuân thủ đối với doanh nghiệp phải lắp ráp và vận hành trạm. Theo kế hoạch, trạm quốc gia sẽ tăng từ 30 trạm năm 2018 lên 44 trạm đến năm 2020 và 94 trạm năm 2025; doanh nghiệp sẽ đầu tư 1.350 trạm quan trắc phát thải đến năm 2020, tăng lên 2.350 trạm đến năm 2025.

Theo Tổ chức Hòa bình xanh, cần khẩn trương giảm phát thải ô nhiễm không khí ở những khu vực có chất lượng không khí kém bằng cách chuyển sang sử dụng nguồn năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; chuyển đổi sang hệ thống giao thông bền vững, tăng cường các tiêu chuẩn phát thải và thực thi chế tài khí thải cho các nhà máy điện, khu chế xuất công nghiệp, phương tiện và các nguồn phát thải chính khác.

Minh Nguyệt (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/doi-pho-voi-thach-thuc-o-nhiem-khong-khi-bai-cuoi-can-thuc-hien-cac-giai-phap-dong-bo-20190607092109822.htm