Đối phó với thách thức ô nhiễm không khí - Bài 2: Chương trình quản lý tổng hợp chất lượng không khí tốt hơn

Tất cả các khu vực trên thế giới ít nhiều đều bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí, nhưng người dân ở các thành phố thu nhập thấp lại bị ảnh hưởng nhiều nhất. Khu vực có mức ô nhiễm không khí cao nhất là phía Đông Địa Trung Hải và châu Á, trong đó có Việt Nam.

Ô nhiễm ngày càng tăng ở các đô thị

Theo Báo cáo Chất lượng không khí toàn cầu 2018, trong số hơn 3.000 thành phố được thống kê, 64% vượt quá mức khuyến cáo phơi nhiễm hàng năm của Tổ chức Y tế Thế giới đối với bụi mịn. Có 99% các thành phố ở Nam Á, 95% các thành phố ở Đông Nam Á và 89% các thành phố ở Đông Á cũng vượt quá mức này.

Do vẫn còn nhiều khu vực thiếu thông tin cập nhật về chất lượng không khí và vì một số lý do khác, nên tổng số thành phố vượt quá ngưỡng bụi mịn của Tổ chức Y tế Thế giới dự kiến sẽ cao hơn nhiều.

Bụi mịn bao phủ tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 21/2/2019. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Bụi mịn bao phủ tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 21/2/2019. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Theo Cơ quan thời tiết Hàn Quốc, lượng bụi siêu mịn đo được ở khu vực phía Tây Thủ đô Seoul có lúc lên tới 153 µg/m3, cao gấp đôi mức được đánh giá là nghiêm trọng. Tại Thái Lan, lượng bụi mịn cũng vượt ngưỡng an toàn tại nhiều khu vực ở Bangkok, các tỉnh Nakhon Pathom, Nonthaburi, Pathum Thani, Samut Prakan, và Samut Sakhon.

Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc trở thành thủ đô ô nhiễm hàng đầu thế giới. Chỉ trong tháng 3 đầu năm 2019 cảnh báo ô nhiễm mức độ cao được thông báo 2 lần. Cảnh báo này cho biết khói bụi đã làm giảm tầm nhìn xuống dưới 0,6km và độ ẩm tương đối ít hơn 80%, nồng độ bụi trong không khí đạt từ 500-700µg/m3.

Vào đầu năm 2017, 9 tỉnh, thành phố lớn ở miền Bắc và miền Trung Trung Quốc chìm trong ô nhiễm khói bụi, giao thông ùn tắc nhiều ngày do nhiều tuyến đường bị đóng cửa, nhiều chuyến bay đã bị hủy.

Tại Ấn Độ, khói mù bao phủ dày đặc New Delhi với hàm lượng các hạt bụi siêu mịn tại một số khu vực lên đến 500µg/m³ - ngưỡng “khẩn cấp” hoặc “cực kỳ nghiêm trọng”. Thủ đô Manila của Philippines là một trong những nơi có tình trạng ùn tắc giao thông tồi tệ nhất thế giới. Mật độ phương tiện giao thông, đặc biệt là xe hơi, ngày càng dày đặc khiến cho vấn đề ô nhiễm khói bụi càng thêm trầm trọng.

Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới chỉ ra rằng, 97/117 thành phố của châu Á có nồng độ bụi PM10 bằng hoặc cao hơn mức 100 µg/m3, gấp 5 lần tiêu chuẩn chất lượng không khí của tổ chức này. Hiện nay, nồng độ các loại khí nhà kính như các bon dioxit, methan và khí ozone ở tầng thấp trong khu vực vẫn tiếp tục gia tăng.

Phát thải các bon dioxit tăng tại các nước dẫn đầu phát thải các bon trong khu vực chiếm 61% tổng phát thải các bon toàn cầu, trong đó Trung quốc chiếm 30% và Ấn độ là 6,5%.

Khu vực châu Á cũng được xác định là nơi đóng góp tới gần một nửa lượng ô nhiễm khí thủy ngân trong bầu khí quyển. Gần đây, châu Á còn là khu vực sử dụng amiang lớn nhất, chiếm khoảng 2/3 tổng lượng tiêu thụ amiang toàn cầu, tương đương 1 triệu tấn/năm.

Ngoài ra, ô nhiễm khói mù xuyên biên giới do đốt sinh khối ngoài trời, cháy rừng và thực hành sử dụng đất không đúng cách cũng đang trở thành vấn đề lớn ảnh hưởng đến chất lượng không khí ở khu vực Đông Nam Á.

Chương trình quản lý tổng hợp

Bà Dang Espita Casavova, điều phối viên Chương trình quản lý tổng hợp chất lượng không khí tốt hơn ở châu Á, Tổ chức Không khí sạch châu Á cho biết, đây là tổ chức phi chính phủ quốc tế dẫn đầu sứ mệnh làm cho chất lượng không khí tốt hơn và các thành phố đáng sống hơn, lành mạnh hơn ở châu Á.

Là một đối tác được Liên hợp quốc công nhận với mạng lưới 261 tổ chức trên toàn cầu, trong đó bao gồm 7 quốc gia châu Á, gồm Việt Nam. Chương trình tập trung cho các thành phố có tiềm năng tác động lan tỏa ra các thành phố khác.

Đây là cách tiếp cận tiên phong trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí đô thị ở cấp quốc gia và địa phương, với những hướng dẫn tự nguyện, không ràng buộc, đánh giá của chính phủ và cấp tương đương từ 24 chuyên gia/tổ chức và 14 đại điện chính phủ.

Cách tiếp cận thực hiện từ các chỉ số phát triển năng lực cho phép các quốc gia và thành phố xác định mức độ năng lực quản lý môi trường không khí hiện tại; xây dựng lộ trình xác định các hành động được đề xuất để thực hiện các giai đoạn phát triển quản lý môi trường không khí; tập huấn, xây dựng năng lực kỹ thuật và các hoạt động khác phát triển để hỗ trợ vận hành khung hướng dẫn.

Khung hướng dẫn được giới thiệu tới các cơ quan quốc gia, chính quyền địa phương và mở ra các kế hoạch hành động tổng thể, toàn diện và thích ứng về không khí sạch. Theo đó, nền tảng quản lý chất lượng không khí khu vực từ dưới lên để trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm đã được tăng cường và được thành lập ở Đông Bắc và Tây Nam Trung Quốc.

Đánh giá quản lý chất lượng không khí tự chẩn đoán được thực hiện tại Đông Bắc Trung Quốc, phát triển hành động làm sạch không khí ở Cần Thơ, Việt Nam. Hợp tác được tạo điều kiện, chia sẻ kiến thức và thực tiễn tốt nhất giữa các thành phố ở Ấn Độ, có chương trình quản lý chất lượng không khí tốt hơn thông qua Mạng lưới kiến thức không khí sạch.

Tính đến cuối tháng 11/2018, khoảng 1.500 người được đào tạo về chất lượng không khí, bao gồm những người có ảnh hưởng, chuyên gia và nhà hoạch định chính sách; nhận thức và kiến thức được nâng cao trong số 23 tổ chức phi chính phủ bảo vệ môi trường địa phương và hơn 50 thành phố.

Năng lực quản lý và kỹ thuật của các quan chức tỉnh, thành phố ở Đông Bắc và Tây Nam Trung Quốc đã được xây dựng. Đến đầu năm 2019, hơn 500 quan chức địa phương từ Đông Bắc và Tây Nam Trung Quốc đã được đào tạo; xây dựng năng lực cho khoảng 50 học viên truyền thông ở Mông Cổ và Philippines.

Cổng thông tin điện tử chương trình tổng hợp cho chất lượng không khí tốt hơn tại châu Á ra mắt năm 2018, cùng các khóa học khung hướng dẫn tại các trung tâm đào tạo/viện nghiên cứu và học thuật địa phương trong khu vực.

Xây dựng năng lực ở Việt Nam

Tổ chức Không khí sạch châu Á đã xây dựng đối tác với thành phố Cần Thơ, Việt Nam. Trong khuôn khổ hợp tác, tổ chức đánh giá hiện trạng chất lượng không khí và quản lý của thành phố Cần Thơ, kết hợp phân tích và quản lý dữ liệu hiện có từ thành phố, tập huấn về đánh giá tác động của phần mở đối với môi trường không khí xung quanh.

Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Cần Thơ đã thực hiện Kế hoạch hành động không khí sạch nhằm nâng cao chất lượng không khí, giảm thiểu biến đổi khí hậu, bao gồm giảm thiểu khí CO2 và đóng góp tốt hơn cho quá trình xây dựng các thành phố lành mạnh và thân thiện tại châu Á.

Giai đoạn 2016 - 2020, thành phố Cần Thơ thực hiện các đột phá trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng kinh tế kèm theo bảo vệ môi trường và thích nghi với biến đổi khí hậu.

Các giải pháp cụ thể của kế hoạch này không chỉ cải thiện chất lượng không khí ở thành phố, mà còn đảm bảo nguyên tắc các bên cùng có lợi trong ứng phó với biến đổi khí hậu, đóng góp vào quá trình phát triển và tăng trưởng chung. Trước mắt, thành phố tiếp tục triển khai các quy định và tiêu chuẩn quốc gia, nâng cao nhận thức với chính quyền địa phương, nhà nghiên cứu và công chúng.

Tổ chức không khí sạch châu Á cho biết, thời gian tới sẽ tăng cường hỗ trợ để lồng ghép các biện pháp và hành động quản lý chất lượng không khí trong xây dựng và thực hiện quy hoạch thành phố; tiếp tục xây dựng năng lực quản lý và kỹ thuật; thúc đẩy công nghệ thích hợp và đổi mới để giải quyết các nguồn ô nhiễm; phát triển hơn nữa nền tảng để chia sẻ kiến thức và thông tin.

Bài 3- Nguồn phát thải ô nhiễm không khí ở Việt Nam ngày càng lớn

Minh Nguyệt (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/doi-pho-voi-thach-thuc-o-nhiem-khong-khi-bai-2-chuong-trinh-quan-ly-tong-hop-chat-luong-khong-khi-tot-hon-20190605084120768.htm