Đối phó với kiệt sức – căn bệnh của thời đại

Việc bị cảm lạnh, ốm đau thường xuyên, mất ngủ hay bạn muốn giải tỏa bằng việc uống nhiều rượu, bia hoặc mua sắm trực tuyến quá đà… là những triệu chứng của tình trạng kiệt sức (burnout). Đây là căn bệnh phổ biến và được xem là căn bệnh thời đại.

(SGTTO) – Việc bị cảm lạnh, ốm đau thường xuyên, mất ngủ hay bạn muốn giải tỏa bằng việc uống nhiều rượu, bia hoặc mua sắm trực tuyến quá đà… là những triệu chứng của tình trạng kiệt sức (burnout). Đây là căn bệnh phổ biến và được xem là căn bệnh thời đại.

Một phần nguyên nhân đến từ sự quá tải trong công việc khiến nhiều người bị stress thường xuyên, kéo dài. Tập thể dục, xây dựng mối quan hệ tích cực là lời khuyên của các chuyên gia cho những ai đang có những dấu hiện này.

Đến cả bác sĩ cũng bị stress

Bác sĩ, những người thường xuyên đưa ra lời khuyên cho những người đang bị stress cũng đang rơi vào tình trạng này bởi nhiều lý do, trong đó, có áp lực công việc. Vì thế, một báo cáo gần đây ở Mỹ đã đưa ra tuyên bố tình trạng bác sĩ bị kiệt sức (do stress kéo dài) là cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng. Lý do, việc giới bác sĩ bị stress không chỉ ảnh hưởng đến bản thân của họ mà cả bệnh nhân cũng bị vạ lây, do sự gia tăng của sai sót y tế.

Nhà tâm lý học người Mỹ Sheryl Ziegler định nghĩa kiệt sức là “stress mãn tính trở nên tồi tệ”.

Nếu một người thường xuyên bị stress thì trước sau gì cũng dẫn đến tình trạng kiệt sức. Ảnh: theglobalenquirer.news.

Nếu một người thường xuyên bị stress thì trước sau gì cũng dẫn đến tình trạng kiệt sức. Ảnh: theglobalenquirer.news.

Ba triệu chứng quan trọng là kiệt sức về cảm xúc, hoài nghi và cảm thấy không hiệu quả, theo Maslach Burnout Inventory (MBI) – một cuộc khảo sát được thiết kế để đo lường tình trạng kiệt sức của nhân viên trong đội ngũ lao động.

Stress kinh niên và tác nhân gây stress

Theo các chuyên gia, sự kiệt sức là do stress kinh niên không phải do những tác nhân gây stress (stressor). Những tác nhân gây stress đến từ bên ngoài như danh sách những việc cần làm, vấn đề tài chính hoặc nỗi lo về tương lai. Trong khi đó, stress bị xem là sự thay đổi về thần kinh và sinh lý xảy ra trong cơ thể bạn khi bạn gặp phải các tác nhân gây stress.

Vì thế, để đối phó, người bị kiệt sức cần giải quyết vấn đề stress, thay vì tập trung vào các tác nhân gây stress như cách của nhiều người đang làm.

Cô Paula Davis-Laack, từng làm việc trong ngành luật bất động sản thương mại và phải làm việc trong môi trường căng thẳng và bận rộn đến nỗi hầu như không còn thời gian ăn trưa. Cô thường xuyên bị đau đầu, đau bụng và cảm lạnh đe dọa khiến bản thân suy sụp nhưng sau khi đi khám, bác sĩ chuẩn đoán cô không bị bệnh gì cả.

Sau hai lần phải nhập viện cấp cứu, cô quyết định từ bỏ công việc đang làm. Đồng nghĩa với đó, Paula Davis-Laack đã thoát khỏi tình trạng của mình.

Làm sao để đối phó?

Lời khyên của các chuyên gia, để đối phó với tình trạng kiệt sức do stress mọi người cần tập thể dục, ngủ và có kết nối xã hội tích cực. Kết nối xã hội tích cực ở đây phải được hiểu là từ những mối quan hệ như gia đình, bạn bè… chứ không phải trên mạng xã hội như Facebook. Một nghiên cứu mới đây cũng cho thấy, tập yoga tại nơi làm việc có thể giúp nhân viên giảm stress.

Tập thể dục là một cách để “chống lại” stress. Ảnh: today.com

Tóm lại, ngăn ngừa nguy cơ kiệt sức đòi hỏi những quyết định khó khăn nhưng nếu không giảm bớt công việc để dành thời gian tập thể dục, tìm kiếm những mối quan hệ tốt trong công việc, gia đình… không sớm thì muộn địa chỉ mà những người này sẽ đến là các bệnh viện chứ không phải là công viên cây xanh với không khí trong lành gần nhà.

Minh Huy

Theo The Washington Post

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/doi-pho-voi-kiet-suc-can-benh-cua-thoi-dai/