Đối phó với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, phòng là chính

Để chủ động phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi 'tấn công' vào thành phố, Đà Nẵng đã và đang chủ động triển khai nhiều giải pháp…

Theo đó, UBND TP.Đà Nẵng đã chỉ đạo các quận huyện và sở ban ngành tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, tiêu độc, khử trùng, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động buôn bán vận chuyển, giết mổ và tiêu thụ thịt heo và các sản phẩm thịt heo, đồng thời hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp phòng chống dịch.

Từ đầu năm 2018 đến nay, tình hình chăn nuôi trên địa bàn thành phố ổn định, không có dịch bệnh xảy ra. Tuy nhiên, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virut gây ra và lây lan nhanh trên loài lợn vì thế mà không nên lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh. Bệnh này chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu, do vậy, giải pháp phòng bệnh là chính.

Người chăn nuôi chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tăng cường theo dõi, giám sát sức khỏe đàn heo.

UBND thành phố Đà Nẵng cũng yêu cầu Chi cục Chăn nuôi và Thú y hướng dẫn người chăn nuôi chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tăng cường theo dõi, giám sát sức khỏe đàn heo. Nếu phát hiện heo ốm, chết không rõ nguyên nhân thì phải báo cho cơ quan thú y xử lý kịp thời.

Hướng dẫn người dân tuân thủ chặt chẽ quy trình kiểm dịch, thực hiện định kỳ phun thuốc tiêu độc, khử trùng các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhập vào thành phố cũng như toàn bộ những khu chăn nuôi.

Thành phố cũng sẽ tiến hành cấp thuốc tiêu độc, khử trùng và hỗ trợ vắc xin dịch tả lợn cho các địa phương, cơ sở chăn nuôi lợn trên địa bàn thành phố. Được biết, năm 2018 ngân sách thành phố đảm bảo toàn bộ chi phí vắc xin tiêm phòng cho đàn trâu bò với số lượng 23.129 con và đàn gia cầm với số lượng 355.353 con. Ngoài ra, còn hỗ trợ vắc xin để tiêm phòng cho 40.000 con heo từ nguồn kinh phí do trung ương hỗ trợ.

Sở Giao thông Vận tải cần phối hợp các đơn vị liên quan và UBND các quận, huyện tổ chức kiểm tra, kiểm soát các phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không và khách du lịch từ các nước đã và đang có dịch bệnh mang thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn, kể cả các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến vào thành phố.

Sở Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn bán thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn trái phép.

UBND thành phố cũng đề nghị Cục Hải quan thành phố phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động xuất, nhập cảnh vào thành phố tại cảng biển, sân bay quốc tế Đà Nẵng, đặc biệt đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đà Nẵng khuyến cáo người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm gia súc, gia cầm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được mua tại các cơ sở uy tín, đảm bảo vệ sinh ATTP. Không tham gia các hoạtđộng buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm nhập lậu, vận chuyển trái phép. Không mang thịt heo và các sản phẩm thịt heo đã qua chế biến từ các nước đang có dịch như Ba Lan, Hungary,… nhập vào thành phố.

Ngoài ra, tăng cường chống buôn lậu, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn điều tra, xử lý vi phạm đối với những hành vi vận chuyển trái phép, nhập lậu thịt lợn và sản phẩm từ lợn.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, hiện thành phố Đà Nẵng có trên 18.000 con trâu bò, gần 58.000 con lợn và hơn 400.000 con gia cầm, mỗi ngày chỉ đáp ứng 20% sản lượng thịt, còn lại 80% phải nhập từ các tỉnh khác về tiêu thụ.

Trung bình mỗi tháng, thành phố nhập trên 900 tấn gia súc, gia cầm đông lạnh về tiêu thụ do đó công tác kiểm tra, kiểm soát các cơ sở giết mổ, phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm… luôn phải được đề cao.

Lê Tâm

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/y-te/doi-pho-voi-benh-dich-ta-lon-chau-phi-phong-la-chinh-60923.html