Đối phó với áp thấp nhiệt đới, mưa lớn và gió mạnh trên biển

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, hồi 19 giờ ngày 3-9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (ATNÐ) ở khoảng 16,5 độ vĩ bắc, 109,0 độ kinh đông, trên khu vực biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam; sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNÐ mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Người dân căng dây cảnh báo nguy hiểm do nước ngập sâu tại một tuyến đường thuộc TP Vinh (Nghệ An). Ảnh: THÀNH CƯỜNG

Người dân căng dây cảnh báo nguy hiểm do nước ngập sâu tại một tuyến đường thuộc TP Vinh (Nghệ An). Ảnh: THÀNH CƯỜNG

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, hồi 19 giờ ngày 3-9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (ATNÐ) ở khoảng 16,5 độ vĩ bắc, 109,0 độ kinh đông, trên khu vực biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam; sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNÐ mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Trong 24 giờ tiếp theo, ATNÐ di chuyển theo hướng đông bắc, mỗi giờ đi được 10 km và suy yếu thành vùng áp thấp. Ðến 19 giờ ngày 4-9, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 18,1 độ vĩ bắc, 110,8 độ kinh đông, trên vùng biển phía đông nam đảo Hải Nam; sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6.

Từ nay đến ngày 5-9, các tỉnh, thành phố từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to (tổng lượng mưa phổ biến từ 70 - 100 mm, riêng các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế từ 100 - 150 mm); khu vực Tây Nguyên có mưa to đến rất to (từ 50 - 100 mm). Từ ngày 6-9, mưa lớn giảm nhanh ở Trung Bộ.

Do ảnh hưởng của gió mùa tây nam cường độ mạnh cho nên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực nam Biển Ðông có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; sóng biển cao từ 2 - 3 m, biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

* Từ ngày 3 đến 6-9, các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và khu vực bắc Tây Nguyên khả năng xuất hiện một đợt lũ. Ðỉnh lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị lên mức báo động (BÐ)2 - BÐ3, vùng thượng lưu các sông và các sông suối nhỏ lên trên mức BÐ3; các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế và khu vực Tây Nguyên ở mức BÐ1 - BÐ2; các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi dao động trên dưới mức BÐ1. Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng thấp, đô thị các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và khu vực Tây Nguyên. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, lũ quét, sạt lở đất: Cấp 1.

* Trước diễn biến phức tạp của ATNÐ, sáng 3-9, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai (PCTT) Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì cuộc họp với một số thành viên Ban Chỉ đạo đối phó với ATNÐ, mưa lớn và gió mạnh trên biển. Theo đó, các bộ, ngành và địa phương cần thực hiện nghiêm Công điện số 15/CÐ-TWPCTT ngày 2-9 của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT, tập trung một số nội dung sau: Cơ quan dự báo theo dõi, thông tin kịp thời, chính xác diễn biến ATNÐ, cảnh báo mưa, lũ lớn và gió mùa tây nam.

Cơ quan PCTT các cấp trực ban theo dõi thông tin, kịp thời tham mưu chỉ đạo ứng phó. Tiếp tục theo dõi ATNÐ và tình hình tàu, thuyền, lồng bè. Không để người dân quay lại lồng bè, chòi canh những vùng nguy hiểm. Bảo đảm an toàn cho người dân và khách du lịch trên các đảo, khu vực ven biển có nguy cơ rủi ro cao; an toàn giao thông, khai giảng năm học mới. Huy động các lực lượng, đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa hè thu, lúa mùa. Tiếp tục theo dõi, bảo đảm an toàn đê điều. Chủ động tiêu nước đệm, vận hành bơm tiêu úng. Sẵn sàng phương án bảo đảm giao thông, hệ thống lưới điện, thông tin liên lạc...

* Hướng dẫn 71.462 phương tiện tàu, thuyền thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm

Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 16 giờ ngày 3-9, các tỉnh từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 71.462 phương tiện/317.654 người biết diễn biến, hướng di chuyển của ATNÐ để chủ động phòng tránh hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm...

* Chiều tối 3-9, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện lệnh cấm tàu, thuyền và ngư dân ra khơi. Tại cảng cá Tịnh Hòa và Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi) có gần 600 tàu cá của ngư dân trong tỉnh và các tỉnh lân cận vào bến neo đậu an toàn. Riêng 173 tàu cá, với 1.020 ngư dân Quảng Ngãi nằm trong vùng ảnh hưởng của ATNÐ còn hoạt động trên biển đã được các cơ quan chức năng liên lạc, hướng dẫn chủ động phòng tránh.

* Do ảnh hưởng của ATNÐ, mấy ngày qua tại tỉnh Hà Tĩnh đã có mưa to đến rất to, nước từ thượng nguồn đổ về dồn dập khiến mực nước trên các sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố... lên nhanh. Trước diễn biến trên, sáng 3-9, Nhà máy thủy điện Hố Hô đã tiến hành xả lũ với lưu lượng 1.460 m3/s. Ngay sau khi Thủy điện Hố Hô xả lũ, dòng nước lớn từ hồ đổ về nhanh khiến vùng hạ du huyện Hương Khê ngập sâu, nhiều nơi bị chia cắt không thể đi lại. Ðến đầu giờ chiều cùng ngày, 10 xã trên địa bàn huyện Hương Khê đã bị nước lũ cô lập, chia cắt cục bộ, riêng các xã Phương Mỹ, Phương Ðiền, Hương Giang, Hương Trạch..., bị ngập cục bộ; hơn 10.000 héc-ta lúa hè thu đang bước vào mùa thu hoạch, hàng nghìn héc-ta cây ăn quả, diện tích trồng hoa màu trên địa bàn tỉnh bị ngập...

* Theo Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Nam Hà Tĩnh, từ 8 giờ ngày 4-9, hồ Bộc Nguyên cũng sẽ xả tràn với lưu lượng 20 đến 100 m3/s. Thời điểm kết thúc sẽ căn cứ diễn biến thời tiết và mực nước hồ. Ðể bảo đảm an toàn cho người và tài sản của nhân dân vùng hạ du, công ty đề nghị UBND các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, UBND thành phố Hà Tĩnh và các xã chịu ảnh hưởng trong hệ thống khẩn trương thông báo, đôn đốc và hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp an toàn, sẵn sàng đối phó với trường hợp xả tràn lưu lượng lớn có thể xảy ra.

* Chiều 3-9, Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ Thừa Thiên - Huế cho biết, do ảnh hưởng ATNÐ, mưa lớn kéo dài trong hai ngày qua khiến tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh tây đi qua huyện A Lưới bị sạt lở một số điểm, gây nguy cơ mất an toàn giao thông. Tính riêng đoạn từ Km 313+800 đến Km 318 xuất hiện năm điểm ta-luy dương, ta-luy âm, nước chảy mạnh làm đất đá tràn ra một phần mặt đường. Trong đó, có vị trí sạt lở chiếm khoảng 1/3 mặt đường. Nhiều nhất tại khu vực xã A Roàng - phần đường Hồ Chí Minh tiếp giáp với tỉnh Quảng Nam. Sau khi phát hiện sạt lở, ngày 3-9, Chi cục Quản lý đường bộ II.6 và Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ Thừa Thiên - Huế phối hợp kiểm tra, khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở trên tuyến đường Hồ Chí Minh.

* Chiều cùng ngày, Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh Thừa Thiên - Huế đã gửi văn bản yêu cầu Công ty cổ phần thủy điện miền trung vận hành điều tiết hồ thủy điện A Lưới. Theo đó, yêu cầu Nhà máy Thủy điện A Lưới vận hành điều tiết nước về hạ du huyện Kà Lùm, tỉnh Sê Kông (nước Lào) với lưu lượng tăng dần trong khoảng từ 20 m3/s đến 400 m3/s. Việc vận hành điều tiết tránh đột biến, bảo đảm mực nước hồ thấp hơn mực nước dâng bình thường. Ngoài ra, đơn vị căn cứ tình hình lưu lượng đến hồ và diễn biến mưa lũ để điều tiết cho phù hợp, thời gian mở cửa xả lúc 16 giờ ngày 3-9.

* Theo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Trị, từ tối ngày 2 đến sáng 3-9, trên địa bàn tỉnh có mưa lớn kéo dài (từ 50 đến 150 mm), khiến nhiều tuyến đường bị ngập sâu gây chia cắt và cô lập cục bộ. Tại tuyến đường Hồ Chí Minh, nhánh tây đoạn Ða Krông - Tà Rụt thuộc tỉnh Quảng Trị, có 23 điểm sạt lở phía ta-luy dương, trong đó có hai điểm sạt lở nặng với khoảng 3.000 m3 đất đá tràn xuống mặt đường, gây ách tắc giao thông cục bộ. Các lực lượng chức năng đã khẩn trương huy động máy móc, thiết bị để khắc phục sự cố. Ðến chiều 3-9, tuyến đường này đã thông xe. Huyện ÐaKrông có bảy điểm chia cắt cục bộ, do nước lũ dâng cao. Chính quyền địa phương đã bố trí lực lượng chốt chặn tại các cầu tràn và khu vực ngập sâu để cảnh báo, hỗ trợ người dân.

Ở huyện Hướng Hóa, nước sông Sê Pôn dâng cao khiến nhiều nơi bị cô lập cục bộ, nhiều hộ dân sống ở gần sông phải sơ tán. Trước đó, vào đêm 2-9, tại xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong xảy ra lốc xoáy khiến nhiều nhà dân bị tốc mái, nhiều cây trồng bị gãy đổ, hư hại. Ngày 3-9, đại diện UBND huyện Triệu Phong đã đến thăm hỏi, hỗ trợ các hộ có nhà bị tốc mái do lốc xoáy, tại hai thôn Lệ Xuyên và Bồ Bản thuộc xã Triệu Trạch.

* Do ảnh hưởng của ATNÐ, trên địa bàn tỉnh Nghệ An từ chiều tối ngày 1 đến sáng 3-9 có mưa to đến rất to ở nhiều nơi. Cụ thể ở Chợ Tràng (Hưng Nguyên) 288 mm, Vinh 282 mm, Cửa Hội 247 mm, Thanh Chương 180 mm... Mưa lớn khiến nhiều tuyến đường ở trung tâm TP Vinh ngập sâu trong nước từ 0,4 đến 0,8 m làm cho việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn; nhiều tuyến đường lực lượng công an đã có mặt kịp thời để phân luồng... Các công ty thủy lợi đang thực hiện việc tiêu úng cho TP Vinh với phương châm "gạn triều, tiêu úng" để bảo vệ hoa màu, khu vực nuôi trồng thủy sản, chống ngập cho vùng trũng...

Mưa lớn kéo dài đã khiến nhiều tuyến quốc lộ 16, 48E; các tỉnh lộ 534B, 536B... bị sạt lở cũng như một số đoạn bị ngập sâu trong nước. Các lực lượng chức năng cùng địa phương đã tiến hành đóng đường, cấm người và phương tiện qua lại; cắt cử người canh gác, phân luồng bảo đảm an toàn giao thông. Vào tối 2-9, anh Hồ Vĩnh Hiệp (SN 1998), trú tại xã An Hòa (Quỳnh Lưu) trong khi đi thả lưới bắt cá với bố tại cánh đồng giáp với xã Quỳnh Yên thì không may anh Hiệp bị trượt chân rơi xuống ao sâu và tử vong. Sáng 3-9, chính quyền địa phương đã tổ chức hỏi thăm chia buồn và cùng gia đình mai táng nạn nhân.

* Ngày 3-9, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Bình cho biết, do ảnh hưởng của ATNÐ, những ngày qua, trên địa bàn có mưa to đến rất to, lũ lụt đã gây nhiều thiệt hại. Cụ thể, một người ở xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa bị lũ cuốn mất tích khi đi bắt cá. Hai người ở Minh Hóa và Quảng Ninh đi rừng hiện mất liên lạc. Lũ đã gây chia cắt ở 28 bản thuộc năm huyện trong tỉnh; làm ngập lụt và sạt lở nhiều vị trí trên các tuyến đường. Trong đó, tại Km 141+650 quốc lộ 12A, đất mái ta-luy dương sụt trượt, gây tắc đường, đến chiều tối cùng ngày mới xử lý xong một phần để thông tạm đường. Tại ngầm Bùng Km 562+200, quốc lộ 15 nước ngập hai mét, một số ngầm trên quốc lộ 9B nước ngập một mét, gây ách tắc đường.

Tối 2-9, tàu cá QB 91354 TS neo đậu tại khu vực gần cửa biển Nhật Lệ bị sóng to, gió lớn đánh chìm, rất may không gây thiệt hại về người. Ðến sáng 3-9, các lực lượng cùng người dân tổ chức trục vớt tàu. Hiện tỉnh chỉ đạo các lực lượng, nhất là Bộ đội Biên phòng tuyến biên giới cử cán bộ về các địa bàn bị chia cắt, ngập sâu, có nguy cơ xảy ra lũ quét để hỗ trợ người dân sơ tán đến nơi an toàn, chủ động các phương án ứng cứu khi có sự cố xảy ra.

* Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam cho biết, đến 14 giờ 30 phút ngày 3-9, các tàu cứu hộ đã tìm thấy tàu QNa 91928 TS gặp nạn trên biển và cứu được 41 ngư dân đi trên tàu, hiện còn ba người chưa tìm được. Trước đó, khoảng 8 giờ ngày 2-9, tàu QNa 91928 TS do Bùi Văn Quốc (SN 1977, trú xã Tam Hải, huyện Núi Thành) làm thuyền trưởng (trên tàu có 44 người) đang di chuyển vào Bãi Thuyền Chài (thuộc Quần đảo Trường Sa) để tránh trú gió thì bị mất liên lạc. Khi phát hiện tàu QNa 91928 TS mất liên lạc, các tàu đang tránh trú ở Bãi Thuyền Chài đã tổ chức triển khai tìm kiếm...

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41444202-doi-pho-voi-ap-thap-nhiet-doi-mua-lon-va-gio-manh-tren-bien.html