Đối phó thế nào với ô nhiễm nhựa?

Ô nhiễm rác thải nhựa đang được coi là vấn đề môi trường cấp bách nhất hiện nay, chỉ đứng sau biến đổi khí hậu. Bởi rác thải nhựa không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường mà còn tới sinh vật biển và con người.

Theo ước tính của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, có khoảng 150 triệu tấn rác thải nhựa đang trôi nổi trên các đại dương. Con số này sẽ tiếp tục gia tăng khi trung bình con người thải thêm 8 triệu tấn ra biển mỗi năm. Hiện, thế giới sản xuất khoảng 400 triệu tấn nhựa mỗi năm và 80% trong số này bị thải ra môi trường. Dự báo số lượng rác thải nhựa trên tất cả đại dương sẽ nặng hơn tổng số cá ở biển vào năm 2050, nếu con người không có các hành động ngăn chặn kịp thời.

Người nhiễm nhựa

Mới đây, theo CNN, tại một hội thảo chuyên ngành tiêu hóa tại Áo ngày 22/10, nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Y khoa Vienna (Áo) đã nghiên cứu và phân tích mẫu phân của tám người tại tám quốc gia khác nhau: Phần Lan, Italy, Nhật Bản, Hà Lan, Ba Lan, Nga, Anh và Áo. Kết quả cho thấy mỗi người đều chứa trong cơ thể ít nhất một loại hạt vi nhựa (microplastic) - các hạt nhựa nhỏ có kích thước dưới 5 mm, kết quả từ sự bào mòn của sản phẩm nhựa lớn hơn như chai nhựa và túi nilon.

Hiện có khoảng 150 triệu tấn rác thải nhựa đang trôi nổi trên các đại dương. (Nguồn: Plasticchange.org)

Nhóm nghiên cứu tìm thấy trung bình 20 hạt vi nhựa trên 10 gram phân, với polypropylene (PP) và polyethylene terephthalate (PET) - thành phần chính của chai và nắp chai nhựa - trong tất cả những người tham gia. Nghiên cứu không chỉ ra rằng liệu các hạt nhựa đó có tích tụ ở trong cơ thể hay không.

Những người tham gia khảo sát đã viết lại nhật ký ăn uống trong vòng một tuần trước khi các nhà nghiên cứu lấy mẫu phân. Họ đều tiêu thụ thực phẩm được bảo quản bằng túi nhựa, cùng thức uống đóng chai nhựa.

Trước đó, một nghiên cứu tại các siêu thị ở Mỹ cho thấy, cứ trong 100g thịt trai thì có tới 70 hạt nhựa nhỏ có kích thước dưới 5mm. Ngoài ra, theo Viện Khoa học Y tế Môi trường Mỹ, khoảng 93% người Mỹ có BPA (Bisphenol A - chất dùng trong chế tạo nhựa polycarbonate) trong cơ thể. Các nghiên cứu trước đây đã tìm thấy hạt vi nhựa xuất hiện bên trong cá, bia, nước đóng chai và đất, cũng như trong không khí.

Tuy vậy, các chuyên gia nói rằng họ không hề ngạc nhiên với kết quả nghiên cứu và nó giúp cung cấp thêm bằng chứng về sự phổ biến của các hạt vi nhựa trong môi trường. Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Philipp Schwabl cho biết: “Đây là nghiên cứu đầu tiên xác nhận những gì nghi ngờ lâu nay, nhựa cuối cùng đã đi vào ruột con người.”

Trong khi các nghiên cứu trước đây trên động vật đã tìm thấy nhựa trong ruột, các hạt vi nhựa siêu nhỏ có khả năng xâm nhập vào máu, thậm chí đi đến gan. “Liệu rằng điều này sẽ gây hại cho sức khỏe con người? Đó là câu hỏi chúng tôi tiếp tục nghiên cứu để làm rõ" – Ông Schwabl lo ngại.

Tái chế không phải là giải pháp

Từ trước đến nay, chúng ta hay nghe đến việc tái chế sản phẩm nhựa sẽ giúp bảo vệ môi trường. Nhưng thực ra, đó giống như một câu chuyện cổ tích, bởi gần 2/3 số sản phẩm nhựa sử dụng trong đời sống hàng ngày không thể tái chế được.

Trong khi đó môi trường sống ngày càng bị phá hoại, không khí bị ô nhiễm quá mức giới hạn, thiên tai hoành hành ác liệt hơn, hành tinh ngày càng nóng lên và dần trở nên khó sống.

Trên thực tế, tái chế là một ngành công nghiệp trị giá hàng trăm tỷ USD chứ các công ty không tái chế hoàn toàn vì lý do bảo vệ môi trường. Nếu giá dầu giảm hoặc Trung Quốc thay đổi chính sách môi trường, có khả năng làm cho lợi nhuận từ việc tái chế nhựa bị giảm xuống mức các công ty không muốn động tay. Kết quả là, 70% nhựa có khả năng tái chế ở châu Âu kết thúc tại các bãi chôn lấp rác, trong đại dương hoặc bị đem đốt và giải phóng độc tố ra tàn phá môi trường. Không những vậy, nhựa không giống như kính hay kim loại, chỉ có thể tái chế được một vài lần. Quá trình chế tạo nhựa cũng gây ảnh hưởng tới môi trường do sử dụng dầu thô.

Rõ ràng chúng ta cần phải thay đổi cách sử dụng nhựa, và tái chế không phải là câu trả lời. Nếu con người muốn thực sự giải quyết nạn ô nhiễm nhựa sử dụng một lần thì câu trả lời rất đơn giản: Cần cấm hoàn toàn việc sản xuất nhựa và sử dụng nhựa trong đời sống hàng ngày.

Liên minh châu Âu (EU) đang là người dẫn đầu cho phong trào này khi ngày 25/10 vừa qua, EU đã thông qua dự luật cấm đồ nhựa dùng một lần nhằm hạn chế rác thải đổ ra đại dương. Theo dự luật, 10 sản phẩm bao gồm bao bì đựng thức ăn nhanh làm bằng nhựa polystyrene, ống hút, tăm bông, dao dĩa nhựa.... sẽ bị cấm vào năm 2021 và các nước EU buộc phải tái chế 90% chai nhựa vào năm 2025.

Quang Đào

(theo CNN, Independent)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/doi-pho-the-nao-voi-o-nhiem-nhua-80704.html