Đối phó nguy cơ suy thoái toàn cầu

Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Guterres cảnh báo, một cuộc suy thoái toàn cầu 'là điều gần như chắc chắn' và những hành động ứng phó ở cấp quốc gia riêng lẻ hiện nay nhằm chống đại dịch Covid-19 'sẽ không thể đối phó được với quy mô toàn cầu và mức độ phức tạp của cuộc khủng hoảng'. Ngay lúc này, các nhà lãnh đạo thế giới cần đoàn kết để cùng nhau tìm ra giải pháp tốt nhất đối phó đại dịch.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Guterres cảnh báo, một cuộc suy thoái toàn cầu “là điều gần như chắc chắn” và những hành động ứng phó ở cấp quốc gia riêng lẻ hiện nay nhằm chống đại dịch Covid-19 “sẽ không thể đối phó được với quy mô toàn cầu và mức độ phức tạp của cuộc khủng hoảng”. Ngay lúc này, các nhà lãnh đạo thế giới cần đoàn kết để cùng nhau tìm ra giải pháp tốt nhất đối phó đại dịch.

Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến ở trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) tại New York, Mỹ, Tổng Thư ký LHQ A.Guterres nhấn mạnh: “Đây là lúc cần có hành động theo chính sách phối hợp, quyết liệt và sáng tạo từ những nền kinh tế hàng đầu thế giới… Chúng ta đang ở trong một tình huống chưa có tiền lệ và các quy tắc thông thường không còn phát huy tác dụng”. Ông Guterres nhận định: “Một cuộc suy thoái toàn cầu - có lẽ ở quy mô kỷ lục - là một điều gần như chắc chắn”. Người đứng đầu LHQ cho biết, ông hy vọng cuộc họp khẩn của Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào tuần tới sẽ là dịp để các nước đưa ra được những giải pháp hữu hiệu đối với dịch Covid-19.

Tổng Thư ký LHQ A.Guterres kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hãy đoàn kết để cùng nhau tìm ra giải pháp tốt nhất đối phó đại dịch. Ông khẳng định, việc giải quyết cuộc khủng hoảng y tế hiện nay là mối quan tâm hàng đầu của LHQ. Ưu tiên thứ hai là giải quyết những ảnh hưởng của dịch đối với xã hội và phục hồi nền kinh tế toàn cầu.

Các nhà kinh tế của Ngân hàng Trung ương Đức cũng dự báo một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu nghiêm trọng sẽ xảy ra trong nửa đầu năm 2020, trong đó kinh tế của khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) giảm mạnh trong quý II năm 2020 ở mức 24%. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) C.Lagarde bày tỏ lo ngại đại dịch Covid-19 sẽ gây ra sự suy giảm đáng kể trong hoạt động kinh tế của Eurozone. Theo bà Lagarde, các chính sách công không thể ngăn chặn được tình trạng này.

Bà Lagarde khẳng định, ECB sẽ làm tất cả những gì cần thiết trong khả năng để giảm bớt tác động đối với nền kinh tế, giúp Eurozone vượt qua cuộc khủng hoảng này. Theo đó, ECB đã công bố một chương trình khẩn cấp mang tên “Chương trình thu mua khẩn cấp trong đại dịch” (PEPP) trị giá 750 tỷ ơ-rô (800 tỷ USD) nhằm đối phó đại dịch Covid-19. Chương trình PEPP được ban hành chưa đầy một tuần sau gói kích thích kinh tế trị giá 120 tỷ ơ-rô nhằm hỗ trợ nền kinh tế châu Âu.

Tại Mỹ, giới chuyên gia kinh tế nước này cảnh báo, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của người dân Mỹ có thể lên tới con số kỷ lục là 1,5 triệu hoặc nhiều hơn vào tuần tới trong bối cảnh các nhà hàng, quán bar và các khách sạn tại nhiều bang trên toàn nước Mỹ cho nhân viên nghỉ việc hàng loạt. Thậm chí, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ có thể lên tới ít nhất là 1,5 triệu ngay trong tuần này.

Trước tình trạng “mây đen” bao phủ nền kinh tế Mỹ, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ M.McConnell ngày 19-3 đã đề xuất gói cứu trợ khẩn cấp trị giá 1.000 tỷ USD nhằm ngăn chặn nguy cơ bất ổn kinh tế do tác động của đại dịch Covid-19. Theo đó, dự luật cứu trợ khẩn cấp đưa ra “hành động quyết liệt đối với bốn ưu tiên chính vô cùng cấp bách và cần thiết”. Bốn ưu tiên này gồm, trực tiếp hỗ trợ tài chính cho người dân Mỹ, nhanh chóng cứu trợ các doanh nghiệp nhỏ và người lao động, thực hiện các bước đi quan trọng để ổn định nền kinh tế và bảo vệ việc làm, tăng cường hỗ trợ dành cho các nhân viên y tế ở tuyến đầu và những người bệnh mắc Covid-19. Đây là dự luật hỗ trợ thứ ba và là dự luật có số tiền lớn nhất của Chính phủ Mỹ nhằm đối phó dịch Covid-19. Hai gói hỗ trợ trước đó trị giá lần lượt là 8,3 tỷ USD và 104 tỷ USD.

Việc ECB cũng như Quốc hội và Chính phủ Mỹ đưa ra những chương trình và gói cứu trợ khẩn cấp trị giá gần 2.000 tỷ USD nêu trên nhằm đối phó đại dịch Covid-19, đã nhận được sự đánh giá tích cực từ các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia vì họ cho rằng, đây là động thái chứng tỏ quyết tâm của châu Âu cũng như của Chính phủ Mỹ hành động ở cấp độ khu vực và quốc gia để đối phó cuộc khủng hoảng này.

Trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia cho rằng Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và các tổ chức tài chính quốc tế khác cần đóng vai trò chính trong việc hỗ trợ các nước, nhất là những nước đang phát triển trong việc đối phó đại dịch Covid-19 cũng như trong công cuộc phục hồi kinh tế thế giới sắp tới. Mặt khác, ngay lúc này các nước cần bãi bỏ những rào cản thương mại cũng như sớm thiết lập lại các chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo tính toán mới nhất của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), dịch Covid-19 khiến người lao động toàn cầu thiệt hại khoảng 3,4 nghìn tỷ USD tiền thu nhập từ nay đến cuối năm. Chính vì vậy, IMF và WB cần giúp các chính phủ tập trung hỗ trợ những người lao động thu nhập thấp thuộc nhóm dễ tổn thương, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như thực hiện các giải pháp để bảo đảm an sinh xã hội, giảm phá sản và thất nghiệp.

THÀNH TRUNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/43710702-doi-pho-nguy-co-suy-thoai-toan-cau.html