Đối phó hạn, mặn và dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi

* Tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng

* Tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, hôm nay 15-3, không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến Tây Bắc Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa, mưa rào và có nơi có dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời lạnh, nhiệt độ thấp nhất khoảng 180C; riêng các tỉnh vùng núi phía bắc trời rét, nhiệt độ thấp nhất khoảng 160C. Gió đông bắc trong đất liền cấp 2, cấp 3, vùng ven biển cấp 3, cấp 4. Ở vịnh Bắc Bộ và khu vực Bắc Biển Đông, gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7, biển động.

* Theo Đài Khí tượng Thủy văn Trung Trung Bộ, lượng mưa tích lũy trên địa bàn TP Đà Nẵng từ đầu năm 2020 đến nay đạt 64,2 mm, thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ là 28%, chỉ bằng một nửa của năm 2019.

* Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền nam, từ sau ngày 16-3 đến 6-4, mặn ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ giảm dần. Phạm vi cách biển từ 35 đến 45 km trở vào ở cửa sông Cửu Long có khả năng xuất hiện nước ngọt khi triều thấp, thuận lợi cho việc lấy nước. Vì vậy, các địa phương cần tập trung phương tiện để lấy nước ngọt trong thời gian này...

* Toàn tỉnh Bình Phước hiện có 458.152 ha cây trồng, trong đó hồ tiêu, cà-phê, lúa tập trung ở các huyện Lộc Ninh, Bù Đăng, Bù Đốp… cần có nước tưới thường xuyên. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, lượng mưa giảm, mực nước các hồ đập xuống thấp, đã ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây...

Tại huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), hầu hết các sông suối, ao hồ đều khô cạn. Riêng thị trấn Lạc Dương, hơn 80 ha rau, hoa đã không còn nước tưới. Biện pháp duy nhất hiện nay là người dân cần tưới tiết kiệm, san sẻ nguồn nước giúp nhau vượt qua khó khăn; đồng thời nạo vét các sông suối sẵn có để lấy nước.

* Do độ mặn vượt đỉnh năm 2019 với chỉ số 5.863 mg/lít tại cửa thu Nhà máy nước Cầu Đỏ vào ngày 10-3, TP Đà Nẵng có công văn yêu cầu các thủy điện xả nước ít nhất 12 giờ/ngày trong thời gian xây dựng tuyến đập tạm ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ. Theo đó, hồ A Vương xả từ 18 đến 22 m3/giây, Sông Bung 4 từ 25 đến 30 m3/giây...

* Đến giữa tháng 3, người dân thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) đã thu hoạch được khoảng 30% diện tích lúa đông xuân trong tổng số hơn 18.600 ha xuống giống. Nhờ chủ động ứng phó hạn mặn nên năng suất trung bình khoảng bảy tấn/ha, với giá lúa 5.300 đồng/kg sau khi trừ chi phí, người dân có lợi nhuận khoảng 20 đến 25 triệu đồng/ha.

* Từ khi bùng phát hồi tháng 2, đến nay, TP Hà Nội có năm ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 ở năm xã thuộc hai huyện (Chương Mỹ và Mê Linh). Có 10 hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng với số gia cầm bị tiêu hủy là 12.448 con. Nhằm hạn chế dịch bệnh, thành phố đã tổ chức tiêm phòng vắc-xin cúm cho đàn gia cầm sinh sản, đạt hơn 80% tổng đàn trong diện tiêm.

* Trong hai ngày 14 và 15-3, ngành chức năng tỉnh Quảng Ninh phối hợp UBND thành phố Uông Bí và thị xã Đông Triều tổ chức các chương trình kết nối, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thủy sản Quảng Ninh. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các mặt hàng thủy sản của tỉnh gặp khó khăn trong tiêu thụ. Tính đến ngày 6-3, sản lượng ngao tồn đọng của huyện Vân Đồn khoảng 4.500 tấn, hàu Thái Bình Dương khoảng 6.000 tấn.

* Hiện tỉnh Trà Vinh có hơn 1.470 trong tổng số 7.223 hộ nuôi tôm bị thiệt hại với số lượng 256 triệu con giống, trên diện tích hơn 480 ha mặt nước. Tôm nuôi bị chết khi từ 25 đến 40 ngày tuổi vì bệnh đốm trắng, đỏ thân, hoại tử gan tụy. Ngành chức năng đã cấp Chlorine cho người dân chủ động vệ sinh môi trường ao nuôi; đồng thời, khuyến cáo chậm tái vụ nuôi tôm...

* Tỉnh Kiên Giang đã đầu tư gần 30 tỷ đồng nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao, tiết kiệm nước vào nuôi tôm công nghiệp theo hướng VietGAP bước đầu mang lại hiệu quả. Theo đó, tỷ lệ tôm sống trung bình đạt hơn 88%, năng suất bình quân 23,4 tấn/ha, sản lượng trung bình 4.695 kg/ao 2.000 m². Với giá tôm 110 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí sản xuất, lợi nhuận hơn 174 triệu đồng/ao/vụ...

* Ngành lâm nghiệp tỉnh Bắc Giang đã lên các phương án phòng, chống cháy rừng (PCCR) năm 2020. Theo đó, tỉnh sẽ xây dựng, tu bổ 20 km đường băng cản lửa; hạ cấp thực bì giảm vật liệu cháy rừng 40 ha... Năm 2019 và hai tháng đầu năm 2020, tỉnh đã kiện toàn bảy ban chỉ đạo bảo vệ rừng và PCCR cấp huyện, 100 ban chỉ huy PCCR cấp xã; 551 tổ, đội xung kích sẵn sàng tham gia chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra.

* Tỉnh An Giang vừa phê duyệt “Phương án quản lý rừng bền vững Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư, xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, giai đoạn 2019 - 2030”, nhằm bảo vệ những sinh cảnh tự nhiên tiêu biểu và độc đáo của hệ sinh thái đất ngập nước ở vùng đồng bằng ngập nước ven sông Cửu Long; bảo vệ nơi cư ngụ của các loài sinh vật bản địa... Dự kiến, tổng vốn đầu tư của phương án là hơn 90 tỷ đồng.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/43614602-doi-pho-han-man-va-dich-benh-tren-cay-trong-vat-nuoi.html