Đối phó dịch bệnh tay, chân, miệng bùng phát ở trẻ em

Trong 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 53.529 trường hợp mắc bệnh tay, chân, miệng tại 63 tỉnh, thành phố.

Trong đó có 25.845 trường hợp nhập viện và đã có 06 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam”. Trước tình hình của dịch bệnh lây lan mạnh các bạn đã trang bị những gì để phòng bệnh cho con cháu mình?

Triệu chứng của bệnh ra sao?

Bệnh tay chân miệng là một nhiễm trùng do virut thường xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi rất dễ gây thành dịch song chưa có thuốc đặc trị, có hai mùa dịch là tháng 3-5 và tháng 9-12. Trẻ nhỏ không điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Khi trẻ mắc bệnh, trong vòng 3-5 ngày sau khi tiếp xúc với nhiễm trùng, sẽ xuất hiện những triệu chứng như: Sốt cao - thường khoảng 38-39°C; Chán ăn; Ho; Đau bụng; Đau họng; Đôi khi, bệnh tay chân miệng có thể gây nôn, nhất là nếu do chủng enterovirus 71 gây ra. Những triệu chứng sớm này có thể kéo dài 12-48 giờ.

Trẻ em bị mắc bệnh chân tay miệng

Trẻ em bị mắc bệnh chân tay miệng

Tiếp theo là đến triệu chứng loét miệng: Sau 1 hoặc 2 ngày, các nốt đỏ bắt đầu xuất hiện trong miệng, nhất là quanh lưỡi, lợi và mặt trong má. Đầu tiên, những nốt này có kích thước bằng chiếc cúc áo nhỏ. Sau đó chúng nhanh chóng phát triển thành những vết loét lớn có màu vàng-xám, bao quanh là một vòng tròn đỏ. Thường sẽ có từ 5-10 vết trong miệng. Những vết này có thể rất đau khiến trẻ khó ăn, uống và nuốt, khiến trẻ rất khó chịu và quấy khóc. Những vết loét miệng này sẽ hết trong vòng 5-7 ngày.

Rất nhanh sau khi các nốt loét trong miệng xuất hiện, sẽ thấy nổi những nốt nhỏ màu đỏ trên da của trẻ. Những vị trí hay gặp những nốt này nhất là ở ngón tay, lòng bàn tay, lòng bàn chân và thỉnh thoảng gặp ở mông và háng. Những nốt này có kích thước khoảng 2-5mm, ở giữa có màu xám sẫm và có hình bầu dục.

Những nốt này thường không đau và không ngứa, mặc dù chúng có thể trở thành những mụn nước nhỏ, đôi khi gây đau và tức. Điều quan trọng là không được làm vỡ những nốt này, vì có thể khiến bệnh lây lan. Các nốt ban trên da và mụn nước có thể kéo dài tới 10 ngày.

Nguyên nhân gây bệnh

Hình ảnh khi trẻ bị virus Coxsackie xâm nhập sinh ra căn bệnh chân - tay - miệng

Tác nhân gây bệnh là virus Coxsackie. Virus này có khả năng lây lan rất nhanh qua đường miệng hoặc các chất tiết từ mũi miệng hay phân của trẻ bệnh. Các đường lây truyền bệnh chủ yếu:

-Trẻ lành tiếp xúc trực tiếp với trẻ bệnh; bị nhiễm bệnh do hít phải nước bọt của trẻ bệnh văng ra trong lúc ho hay hắt hơi.

- Do trẻ lành cầm nắm đồ chơi hay chạm vào sàn nhà có dính nước bọt, chất tiết mũi họng của trẻ bệnh.

- Lây qua bàn tay của người chăm sóc trẻ.

Virus xâm nhập vào cơ thể qua niêm mạc miệng hay ruột vào hệ thống hạch bạch huyết, từ đó phát triển rất nhanh gây ra các tổn thương da và niêm mạc.

Biến chứng của bệnh

Bệnh tay chân miệng thường nhẹ và tự khỏi mà không cần điều trị. Biến chứng thường hiếm gặp, nhưng có thể gồm:

Mất nước:Đây là biến chứng phổ biến nhất.

Viêm màng não:Trẻ bị tay chân miệng có nguy cơ bị viêm màng não nếu virus xâm nhập vào màng hoặc dịch não tủy.

Viêm não:Tình trạng này thường do nhiễm virus gây ra và là một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng và có thể gây rối loạn ngôn ngữ, mất trí nhớ, thậm chí tử vong. Tin vui cho bạn, viêm não là một biến chứng hiếm gặp.

Mất móng tay và móng chân:Trong một số trường hợp, bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ có thể gây ra những biến chứng này. Tình trạng này thường xảy ra trong vòng một vài tuần sau khi trẻ bị bệnh.Cho đến nay, các chuyên gia y tế vẫn chưa chắc chắn được rằng việc móng tay và móng chân bị mất có phải là do bệnh gây ra. Tuy nhiên, trong một bản báo cáo, việc mất móng chân và móng tay chỉ là tạm thời và không cần điều trị.

Cách điều trị bệnh:

Bệnh chân - tay - miệng có thể do nhiều loại virus gây nên và không có thuốc điều trị đặc hiệu.

Tổn thương ở niêm mạc miệng gây đau, khiến trẻ ăn kém, có thể dẫn đến hạ đường máu. Các biện pháp điều trị mà cha mẹ có thể thực hiện tại nhà (theo chỉ định của bác sĩ): Dùng các thuốc giảm đau, sát trùng niêm mạc miệng như nước muối 0,9%, Kamistad…; Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu như cháo loãng, sữa…; Vệ sinh da tránh bội nhiễm vi khuẩn: tắm cho trẻ bằng các loại nước có tính sát trùng nhẹ như nước lá chè, lá chân vịt…Dùng dung dịch Betadin bôi các tổn thương ngoài da sau khi tắm.

Cách phòng chống bệnh tay, chân, miệng:

Hiện nay chưa có văcxin để phòng bệnh tay chân miệng. Vì vậy cha mẹ nên lưu ý những điều sau để tránh cho trẻ khỏi mắc bệnh:

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy, nhất là trước và sau khi nấu ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Rửa tay sau mỗi lần vệ sinh cho trẻ.

- Rửa sạch các dụng cụ, vật dụng, đồ chơi, sàn nhà bằng nước và xà phòng rồi khử trùng bằng Chloramin B 5%.

- Hạn chế thói quen trẻ ngậm mút tay. Không cho trẻ nhỏ ngậm vú giả. Luôn cắt móng tay và móng chân cho trẻ sạch sẽ, kể cả người lớn.

- Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh. Không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác cách ly mà đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.

- Ngoài ra, khi trẻ bị tay chân miệng phụ huynh không nên kiêng khem quá cho trẻ. Vì khi trẻ mắc bệnh, các bậc phụ huynh cần tắm rửa cho trẻ hàng ngày, vệ sinh răng miệng, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước mới nhanh khỏi bệnh.

Xem thêm: Clip Các em học sinh miêu tả ngắn gọn về mẹ của em

/**/

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/doi-pho-dich-benh-tay-chan-mieng-bung-phat-o-tre-em-d135383.html