Đòi nợ phải có bằng Đại học: Không đâu làm thế

Kiến thức và bằng cấp khác xa nhau. Có vị giáo sư, tiến sĩ vẫn làm sai pháp luật, điều hành doanh nghiệp làm thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng.

Ngày 26/6/2018, nói về quy định mới trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính quy định điều kiện về tiêu chuẩn đối với người quản lý, giám đốc chi nhánh của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải có trình độ học vấn từ đại học trở lên, Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) đã bày tỏ sự khó hiểu, cho rằng quy định này trái ngược với điều kiện thực tế trong nước và trên thế giới.

Ông Cương cho biết: "Trên thế giới ít có quốc gia quy định giám đốc doanh nghiệp phải có bằng đại học, kể cả những nước phát triển như Mỹ, Pháp, Nhật Bản... Những nước này họ thường tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng, trong đó mọi người đều được tham gia "cuộc chơi".

Đơn cử như trường hợp của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản chẳng trải qua trận mạc, trường lớp quân sự nào. Như vậy, để thấy người điều hành một lĩnh vực nào đó không nhất thiết phải được đào tạo từ A đến Z về lĩnh vực mình quản lý".

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Từ thế giới nhìn về Việt Nam, ông Cương chỉ ra vấn đề, có nhiều người được chứng nhận là Giáo sư, Tiến sĩ nhưng vẫn làm sai pháp luật, vẫn thất bại khi thua lỗ hàng ngàn tỷ khi điều hành doanh nghiệp. Ông Cương nói thẳng: "Kiến thức và bằng cấp khác nhau rất xa, trong cuộc sống điều quan trọng là hành động theo luật pháp".

Bên cạnh đó, ông Cương cho rằng nếu Dự thảo của Bộ Tài chính đi vào hiện thực là điều máy móc, không thực tế và vô tình góp phần tạo ra việc coi trọng bằng cấp trong xã hội

"Phải chăng lý do Bộ Tài chính đưa ra quy định người điều hành công ty đòi nợ phải có bằng đại học là vì yêu cầu người đứng đầu công ty phải có hiểu biết tối thiểu. Nhưng Bộ Tài chính lại quên mất rằng, trên thế giới có phải cứ ai có bằng đại học cũng vận hành đúng.

Nếu nói rằng vì công ty đòi nợ hoạt động trong lĩnh vực "nhạy cảm", lo sợ sẽ không đủ trình độ, kiến thức để điều hành là không phải, đấy chỉ là cách nói của người thiếu năng lực quản lý. Trong xã hội, không có vấn đề gì là nhạy cảm nếu như chúng ta nắm được và quản lý được thông qua hành lang pháp lý chặt chẽ, rõ ràng.

Tôi thấy quy định này phải xem lại, thay vì đưa ra quy định người đứng đầu, điều hành công ty đòi nợ phải tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành kinh tế, pháp luật, an ninh mà phải thay bằng hệ thống quy định pháp luật rõ ràng, chặt chẽ, cụ thể để mọi công ty vận hành trong đấy được ngay.

Hệ thống luật pháp giống như đường ray tàu hỏa, dù anh làm trong lĩnh vực nào cũng biết được rằng mình được làm gì, làm đến đâu, anh nào đi trượt ra ngoài thì biết ngay. Tất nhiên, bằng cấp xét ở khía cạnh nào đó vẫn cần thiết nhưng không phải là điều quan trọng" - Thiếu tướng Lê Văn Cương nói.

Vân Mai

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/doi-no-phai-co-bang-dai-hoc-khong-dau-lam-the-3360745/