Đòi nợ kiểu 'tra tấn' khách hàng

Đòi nợ bất kể thời gian, lãi suất cao, nhiều loại phí... vẫn là cách thức hoạt động của các công ty tài chính khiến khách hàng kêu trời.

Khách mua hàng trả góp qua công ty tài chính dễ bị “tra tấn” vì nhắc nợ - Ảnh: Đậu Tiến Đạt

Trả rồi vẫn bị truy sát

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, nhấn mạnh cần bổ sung các quy định chi tiết liên quan đến dịch vụ của công ty tài chính trong các văn bản pháp luật. Trong đó nêu cụ thể các hành vi vi phạm với mức chế tài nặng để làm cơ sở cho cơ quan quản lý nhà nước thực hiện kiểm tra, giám sát. Bởi bên cạnh việc đòi nợ như tra tấn, lãi suất không rõ ràng thì vẫn có hiện tượng nhân viên tư vấn gian dối, lừa đảo nhiều khách hàng

Anh Sơn (ngụ Quảng Ngãi) mới đây đã chia sẻ trên trang cá nhân rằng cách nay vài tháng, khi điện thoại đột ngột bị hư đúng lúc kẹt tiền nên anh chọn hình thức mua trả góp chiếc điện thoại trị giá 5,7 triệu đồng, trả trước 1,7 triệu đồng và số tiền còn lại trả góp với lãi suất 0% trong vòng 6 tháng, tương đương số tiền trả mỗi tháng là 760.000 đồng.

Tổng cộng sau 6 tháng, anh Sơn sẽ phải trả 6,26 triệu đồng, cao hơn giá trị gốc 560.000 đồng. Đây là mức phí hồ sơ gồm phí bảo hiểm, phí thu hộ... Đáng nói, anh Sơn mua điện thoại ngày 15 nhưng lúc làm hợp đồng đã bị nhân viên ghi lùi lại là ngày 12. Anh Sơn thắc mắc và nhận được câu trả lời: “Không sao, đến ngày 15 hằng tháng anh đóng cũng được”.

Nhưng cứ đến ngày 8 mỗi tháng là bắt đầu những cuộc điện thoại liên tục nhắc anh đóng tiền. “Tôi đã lên trực tiếp báo là cứ đúng ngày ký hợp đồng sẽ đóng và không cần nhắc. Nhưng hiện tượng điện thoại liên tục vẫn diễn ra. Kiểu kinh doanh của công ty như vậy làm khách hàng quá mệt mỏi. Chưa thiếu hào nào đã bị tróc nã kinh hoàng”, anh Sơn nói với Thanh Niên.

Trong khi đó, anh Cường tại TP.HCM mua trả góp máy tính cho em trai. Sau 2 tháng thấy phiền phức do nhân viên nhắc nợ gọi liên tục, gọi bất kể thời gian, anh Cường đã thanh toán đủ luôn trước hạn. Thế nhưng, 6 tháng sau đó, nhân viên của công ty tài chính đó vẫn gọi điện đòi nợ. “Tôi bực quá chửi cho một trận. Hôm sau lại có người gọi điện đòi. Tôi gọi lên tổng đài phản ánh và nghe xin lỗi. Đành rằng công ty sai nhân viên đôn đốc khách hàng nhưng cái kiểu gọi điện nhắc thế này rất phiền. Nên chăng công ty có thể thông báo nhắc nợ bằng tin nhắn?!”, anh Cường bức xúc.

Không chỉ bản thân người đi vay nợ bị nhắc liên tục mà nhiều trường hợp ngay cả người thân cũng bị vạ lây. Thậm chí người không vay nợ cũng bị đòi nợ.

Từ tháng 1 - 6 năm nay, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) đã nhận được rất nhiều phản ánh khiếu nại về dịch vụ của các công ty cho vay tiêu dùng. Đáng chú ý, một số lượng lớn khách hàng khiếu nại dù họ không vay tiền nhưng vẫn liên tục bị gọi điện, nhắn tin đòi nợ hoặc giục trả nợ cho người thân, đồng nghiệp, bạn bè đã vay tiêu dùng từ các công ty này. Trong đó, một số cá nhân đã gọi điện, nhắn tin với lời lẽ xúc phạm người tiêu dùng, thậm chí cử người đến tận nhà đe dọa, gây áp lực...

Ma trận lãi suất và phí

Ngoài việc hành xử chưa văn minh với khách, các công ty tài chính bị khiếu nại nhiều như cung cấp thông tin không chính xác, không đầy đủ và đặc biệt nhiều khách hàng rất dễ bị nhầm lẫn khi lạc vào “ma trận” lãi suất và phí của các công ty này.

Từ tháng 5, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cũng cảnh báo rằng, trong khi lãi suất cho vay mua hàng trả góp của các ngân hàng thương mại trung bình từ 20 - 25%/năm thì mức lãi suất của các công ty tài chính lên đến 55 - trên 84%/năm. Thậm chí nhân viên tư vấn cam kết mức lãi suất chỉ từ 1 - 2%/tháng nhưng thực tế lãi suất trên hợp đồng lên đến hơn 6%/tháng... Riêng vấn đề đòi nợ, chỉ trong vòng 4 tháng của năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã có 3 lần ra văn bản yêu cầu tăng cường kiểm tra nhằm chấn chỉnh hoạt động của các công ty này.

TS Bùi Quang Tín, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, nhận định hoạt động thu hồi nợ của nhiều công ty tài chính đang cực kỳ lộng hành, không khác gì kiểu đòi nợ của tín dụng đen. Để chấn chỉnh hoạt động này, việc chỉ nhắc nhở chung chung sẽ không có hiệu quả. Do đó cần có biện pháp xử phạt mạnh hơn khi có khiếu kiện từ người tiêu dùng. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng phải thanh tra giám sát chặt chẽ và khi phát hiện sai phạm thì xử phạt nghiêm khắc.

Mai Phương

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/doi-no-kieu-tra-tan-khach-hang-1008955.html