Đòi nợ kiểu bất lương: Thân phận bị đánh cắp

Bị trấn áp ngay tại nhà trước mặt hai đứa con thơ dại, bị đe dọa đòi nợ, một người đàn ông đã tự tử, bỏ lại vợ dại con thơ và tờ giấy nợ FE CREDIT trên cầu...

Tác giả Bùi Kiều Trang

Tác giả Bùi Kiều Trang

Loạt bài nhiều kỳ “Đòi nợ kiểu bất lương” đăng trên Ngày Nay về người đàn ông xấu số tên Tâm vì nghèo khó trót vay tiền của Công ty tài chính FE CREDIT, lãi mẹ đẻ lãi con. Anh Tâm bị nhóm người tự xưng đòi nợ cho FE CREDIT đến tận nhà thay phiên chửi bới, đánh đập nhiều lần, sau cùng cả hai vợ chồng bị “áp giải” lên xe đưa đến một trụ sở đòi nợ tiếp tục khủng bố, đe dọa. Người đàn ông 42 tuổi quá hoảng loạn, lo sợ liên lụy vợ con. Chỉ hơn một ngày sau, trong cơn tuyệt vọng anh Tâm trầm mình xuống sông tìm đến cái chết.

Đồng nghiệp của tôi đã đến tận nơi sinh sống của nạn nhân. Căn nhà tồi tàn được người ta cho ở nhờ không thể làm đám tang, linh cữu phải quàn tạm tại một ngôi đình bên cạnh chân cầu xa tít ngoại ô. Một người vợ đau khổ, chưa hết bàng hoàng, hai đứa con chậm phát triển hơn bạn bè trang lứa.

Dẫu nghèo, nhưng khi người đàn ông ấy còn sống âu cũng là một gia đình có đủ chồng đủ vợ, đủ cha đủ con. Nghiệt ngã thay, sau cái chết ấy đã có những thân phận vừa bị đánh gục. Một người chồng qua đời tức tưởi, thân phận người vợ vừa bị đánh cắp, chỉ còn lại góa bụa. Một người cha qua đời, thân phận những đứa con bị đánh cắp, chỉ còn lại mồ côi. Từ nay, mẹ góa con côi, vừa nghèo khổ, vừa trơ trọi sau tang thương, họ phải đi qua biến cố bằng cách nào và họ phải sống như thế nào đây? Tôi không dám nghĩ.

Tôi đọc một số tin nhắn của những người tự xưng đòi nợ thuê cho FE CREDIT được nhiều nạn nhân đưa lên trên mạng, thật sự rùng mình: “Tiền là máu, không trả tiền thì trả máu!”. Nhưng mà máu đang chảy trong huyết quản con người chúng ta có máu nào không đỏ, có hơi thở nào không quý, có giây phút nào được hiện hữu trên cuộc đời này mà không đáng trân trọng? Còn tiền, tiền không phải là máu, tiền chưa bao giờ là máu cả. Ông bà ta vẫn thường nói “người sống hơn cả đống vàng”, “ông trời còn có đức hiếu sinh”, sao nỡ bức tử một người đang sống? Sao lại đành lòng đánh cắp thân phận của những con người vốn đã rất xác xơ?

Không có gì xấu và sai khi hành nghề tài chính ngân hàng, cho vay, thu hồi khoản nợ đúng theo quy định của luật pháp. Nhưng thực tế, với lãi suất cắt cổ cùng chiêu bài dụ dỗ chào mời, những lời hứa hẹn “đẹp như mơ” đánh vào sự nhẹ dạ cả tin rồi dần dần đẩy con nợ vào những ngày túng quẫn còn hơn cả khi chưa vay, những cái gọi là tín dụng tiêu dùng núp bóng đã đến lúc cần đưa ra ánh sáng.

Từ loạt bài một người dân tự tử sau khi bị đòi nợ theo kiểu xã hội đen có liên quan đến Công ty tài chính FE CREDIT trên Ngày Nay, ngày 26/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết đã có chỉ đạo Vụ, Cục liên quan thanh tra, kiểm tra làm rõ và báo cáo Thống đốc để có biện pháp xử lý.

Nếu như chúng ta cứ làm ngơ cho qua, những điều buồn bã này vẫn có cơ hội ngày ngày hiện hữu khắp mọi nơi, sẽ còn biết bao nhiêu người lâm vào cảnh cửa nát nhà tan, tuyệt vọng rồi tìm đến cái chết, sẽ còn bao nhiêu mảnh đời bị tước đi thân phận.

Đã có những vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia ngân hàng và độc giả khắp nơi cùng lên tiếng, bày tỏ sự phẫn nộ. Phải lên tiếng, để ít nhất, các nạn nhân không cảm thấy mình yếu đuối, không thấy mình đơn độc hay lẻ loi. Dẫu vẫn biết, có những thân phận bị đánh cắp rồi vĩnh viễn không có gì thay thế hay bù đắp được.

Bùi Kiều Trang

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/doi-thoai/doi-no-kieu-bat-luong-than-phan-bi-danh-cap-175020.html