'Đời người chỉ sống có một lần'

Có địa vị đặc biệt trong lịch sử văn học Liên Xô (cũ) nói riêng và văn học thế giới nói chung, 'Thép đã tôi thế đấy' là một câu chuyện cảm động và sâu sắc về chàng thanh niên Pavel Kochagin – hiện thân của chính tác giả Nikolai A.Ostrovsky...

Niềm tự hào lớn nhất của tác giả chính là được gia nhập Hồng quân và phục vụ cho đoàn kỵ binh Kotovsky. Quân đội đã dạy ông cách bước qua bom đạn của kẻ thù và của số phận. Bởi thế mà dù bị bại liệt và mù hoàn toàn, ông vẫn để lại cho đời một tác phẩm đã đi vào lịch sử văn học thế giới: Thép đã tôi thế đấy. Có thể nói, mỗi trang viết chính là một sự trải nghiệm; đồng thời thể hiện sự nỗ lực không ngừng của Ostrovsky trong cuộc sống.

Thép đã tôi thế đấy không phải là một tác phẩm văn học "chỉ nhìn đời mà viết", tác giả sống với nó, rồi mới viết nên nó. Nhân vật trunng tâm là chàng trai Pavel Korchagin và cũng chính là bức họa chân dung bằng ngôn từ về tác giả. Anh là một thanh niên lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn của đất nước, mang trong mình lòng yêu Tổ quốc cao cả, lí tưởng cống hiến sức trẻ cho Cách mạng, cho Đảng Cộng sản. Nhưng lý tưởng của một thanh niên Xô viết đã thành một trở ngại đối với mối tình đẹp giữa anh và Tonhia, hay những cảm xúc rung động trước Rita. Pavel từng bước trở thành một chiến sĩ cách mạng già dặn. Bại liệt, mù lòa, vôi hóa cột sống là trận thử thách cuối cùng... Cuộc đời tưởng chừng đã đặt dấu chấm hết song anh quyết không lùi bước, không ngừng tin tưởng và hy vọng, để rồi cuối cùng, anh đã tìm đến với bước ngoặt mới trong cuộc đời: Viết sách – viết về những trang hồi kí nhắc nhớ những tháng năm hào hùng và cả những trang lãng mạn về các mối tình say đắm. Nguồn cảm hứng của anh (hay chính là của Ostrovsky) chính là sức mạnh tinh thần của người chiến sĩ cách mạng, dù tàn phế, đau đớn đến cùng cực vẫn không chịu nằm đợi chết mà không chiến đấu. Đấy chính bức tranh thu gọn hình tượng con người mới trong nhân vật hào hùng Pavel.

Đến với cuốn sách "gối đầu giường" một thời của thanh niên Việt Nam nói riêng và thanh niên xã hội chủ nghĩa nói chung, chúng ta - những người trẻ hôm nay chợt thấy mình còn quá nhỏ bé. "Thép" ở đây là Pavel, là Seryoga, là Valia, là Zharky, cả một lớp thanh niên lao động trên khắp Liên Xô, lớn lên trong cách mạng, ý thức giai cấp và tuổi trẻ bừng lên trong bão táp của phong trào. “Ngọn lửa đấu tranh giai cấp gay gắt, ác liệt, bốc cháy cả vùng Ucơren này. Số người cầm súng đánh nhau mỗi ngày một đông và mỗi lần xung đột lại đẻ ra thêm những người chiến đấu mới”. Cùng lúc ấy, Pavel đã nhận ra “con đường chân chính” có thể thành “người”, từ bỏ dáng điệu “cậu cả ù ì, bụ sữa”. Lửa cách mạng đã nung nấu thế gian. Nhìn những người nô lệ đã vùng dậy đạp phăng cuộc đời cũ, chàng trai bước chân mạnh mẽ ra khỏi vòng tay bao bọc của mẹ để “đến giờ quật nhau thì không như loài gián sợ ánh sang lẩn trốn vào khe vách, biết xông ra đạp không thương tiếc”. Hàng ngàn người ào ào ập vào hàng rào théo gai, những mũi quân đầu tiên lội qua vịnh Xivát, đặt chân lên những bờ đá lổm chổm. Hàng ngàn quả đại bác rú lên ghê rợn, máy bay nhằng nhịt trên trời, rắc tung cái chết, rơi xuống tóe ra thành những mảnh nhỏ vụn vặt. Mặt đá thì bị cày nát, bị nghiền vụn, bị bắn tung tóe lên, cỏ cây xơ xác, tiêu điều, bốn bề giăng phủ bởi màn khói thuốc mù mịt. Những tảng đất đên to tướng do đại bác cày đã hết lên khỏi vùng đất như muốn che lấp cả ánh Mặt Trời kia. Nhưng tất cả vẫn không vùi dập ý chí của những “người thép”.

Giữa con đường chiến trận nguy nan, thế nhưng tiếng đàn gió vẫn rung lên, kích thích, thúc giục chiến sĩ đang nhảy trong điệu hùng mạnh, hừng hực, tới tấp như những luồng gió cuồn cuộn liên tiếp. Pavel xông pha như một chàng kỵ binh tinh nhuệ.

“Các đồng chí ơi!/ Ta đi đều bước/ Ra trận tiền, dung cảm đi lên/ Dấn thân mình mở đường tiến bước/ Tới tự do đang chờ ta …”.Thép đã tôi thế đấy đã truyền cho ta lòng ham sống, ham chiến đấu, hy sinh vì dân tộc. Pavel say mê đem toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân, hy sinh cá nhân của mình một cách nồng nhiệt, không bao giờ do dự, không hề tính toán, tất cả vì sự nghiệp giai cấp, vì hạnh phúc nhân loại. Pavel tuy sống trong khổ cực, đớn đau nhưng lại hạnh phúc trong chính bản chất thanh niên cộng sản. Lắm lúc, bệnh tật ốm đau nhưng chí khí của thanh niên lại trỗi dậy mãnh mẽ. Nó như mũi giáo nhọn đâm thẳng vào chế độ Nga hoàng, vào chế độ phát xít, đập tan xiềng xích quái ác đã làm cho bao con người khốn khổ, lầm than. Lắm lúc, “trước mắt Pavel, một ngọn lửa xanh bừng lên, lóe sáng, như chớp lòe xoẹt mạnh bên tai nghe như tiếng sấm, mảnh đạn đỏ rực cháy sém vào đầu anh”. Nếu chúng ta không hiểu mục đích đấu tranh của Pavel, bản chất đấu tranh của Pavel thì chỉ thấy cuộc đời anh là "bể khổ". Không! Pavel nào cảm thấy đau khổ vì những vết đạn nhỏ nhặt kia, với anh, nỗi khổ đau lớn nhất là sợ sệt và không khắc phục, chế ngự được chúng mà thực hiện công tác. Anh vui sướng vì anh luôn đấu tranh, luôn chiến thắng mọi vết thương da thịt mà "khâu" lại vết thương dai dẳng cho đất nước, cho quần chúng Liên Xô. Lý tưởng của anh đại diện cho lý tưởng của bao lính kỵ binh đương thời. Mảnh đạn ghim vào đầu gối chân, những vết khâu đau đớn, hay kể cả cái chết cũng không bao giờ làm “nhụt chí” con người, bởi lẽ họ tin và chúng ta đều tin rằng “có cái chết hóa thành bất tử”.

Anh thanh niên Hồng quân ấy cũng từng yêu như bao người. Anh say đắm Tonya. Nhưng chủ nghĩa cá nhân rẻ tiền của Tonya đã làm khoảng cách giữa họ ngày càng xa nhau. Tonya đã từng "có gan" yêu một công nhân nhưng chưa từng đủ can đảm để yêu một lý tưởng. Còn Pavel, anh là con người của Cách mạng. Nhiệm vụ của anh là sống và chiến đấu vì dân tộc, vì chủ nghĩa cộng sản. Gạt bỏ tình yêu, anh không vô cảm, anh vẫn đau nhưng anh biết rằng, khi “đất nước bị ngập trong máu lửa cần có một thời gian trì hoãn” thì tình cảm của cá nhân chỉ còn là điều “rất tiếc”, chỉ còn “muốn giữ những kỷ niệm tốt đẹp”. Nửa dùng dằng với tình yêu, nửa thiết tha với dân tộc, trong anh giờ như có hai phe đối nghịch đang chiến đấu dữ dội. Vị tướng của vô sản sẽ thắng hay thiên thần tình yêu sẽ nung chảy con tim? Ostrovsky đã khắc họa đồng thời hai tâm trạng trong một hình tượng nhân vật Pavel.

Càng đi đến những trang cuối cùng, mỗi độc giả càng cảm nhận được, lò ngàn độ nóng đã tôi rèn Pavel là cuộc đấu tranh trường kỳ gian khổ của Cách mạng tháng Mười Nga. Nó sẵn sàng thiêu đốt mọi mảnh giấy hồng vụn vặt mà cháy rực lên chẳng bao giờ lụi tàn. Người thợ vĩ đại đã tôi rèn thép ấy chính là Đảng Cộng sản, là ngọn cờ và bộ tham mưu cách mạng, cả quần chúng nhân dân. Nhiều người trong chúng ta, chắc lẽ đều nghe đến câu nói nổi tiếng của Pavel: “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình để khi nhắm mắt xuối tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”. Câu nói đến nay vẫn được rất nhiều người ưa thích. Tác phẩm kiệt xuất này là một phần hành trang ta mang theo khi bước vào đời. Có lúc ta vấp ngã, ta đau đớn, thất vọng… nhưng ta luôn nhớ “hãy biết sống cả khi cuộc đời trở nên là không thể chịu đựng. Đã có câu “cuộc sống luôn thử thách một cách khắc nghiệt những người mà nó chọn”. Tác phẩm là khúc ca tươi đẹp của cuộc sống. Pavel đã sống, sống một cách khẩn trương và gấp gáp, đầy lý tưởng, vì anh biết “đời người chỉ sống có một lần”.

Pavel không chỉ sống ở Liên Xô. Tố Hữu từng viết “Sống đẹp là gì hỡi bạn?”. Năm tháng chiến tranh đã lùi xa, thay vì bôn ba bên lưỡi gươm, chúng ta hãy đem tài trí của mình giúp non sông thay da đởi thịt. Đất nước chúng ta, một đất nước "chưa bao giờ khuất" cần những người như Pavel, như Valia - những chàng trai, cô gái rường cột nước nhà thời đại mới.

Những tác phẩm lớn luôn rọi vào bên trong chúng ta thứ ánh sáng diệu kì, làm thay đổi mắt ta nhìn, óc ta nghĩ. Pavel của Thép đã tôi thế đấy giúp chúng ta "nhìn rõ" chúng ta hơn, sống lại những kinh nghiệm đã qua, củng cố và bồi dưỡng những bài học của thực tế cách mạng hiện nay, sống mạnh mẽ hơn, hăng hái hơn, dũng cảm hơn...

Cuốn tiểu thuyết đã được dịch ra hơn 70 thứ tiếng và in ra ở hơn 80 nước, trong đó có Việt Nam. Tác phẩm đã nhiều lần được đưa lên màn ảnh vào các năm: 1942(Thép đã tôi thế đấy), 1956 (Pavel Korchagin), 1975 (Thép đã tôi thế đấy, 6 tập) và gần đây được sản xuất thành một bộ phim truyền hình dài 20 tập vào năm 1999 tại Trung Quốc. Cho tới thời điểm này, cuốn sách đã được tái bản 772 lần với tổng ấn lượng lên đến 74 triệu bản, trở thành một trong 28 cuốn nằm trong bộ Văn học kinh điển dành cho thiếu nhi trên thế giới. Năm 1954, lần đầu tiên ở Việt Nam, tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Xô Viết được dịch sang tiếng Việt. Thời gian ấy, trong các chiến hào Điện Biên Phủ mù mịt đạn bom, khói lửa, các chiến sĩ của chúng ta đã chuyền tay nhau bản dịch tóm lược tác phẩm này với nhan đề Luyện thành gang thép. Trong suốt 50 năm qua, tác phẩm này đã trở thành cuốn sách gối đầu của nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam...

(Trích đăng bài dự thi "Đại sứ Văn hóa đọc 2020")

Mời xem thể lệ chi tiết cuộc thi tại đây.

Huỳnh Thị Bảo Thy

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/svvn-song-tre/doi-nguoi-chi-song-co-mot-lan-1653735.tpo