Đội ngũ cán bộ Công đoàn phải thật vững mạnh

Đội ngũ cán bộ Công đoàn khối quận, huyện, thị xã là cán bộ Công đoàn chuyên trách có kinh nghiệm trong hoạt động Công đoàn, mang lại hiệu quả cao trong công tác. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác cán bộ Công đoàn của huyện Thanh Trì nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung cần có những đổi mới để phù hợp với yêu cầu của tình hình mới.

Phát huy vai trò của Công đoàn cơ sở

Theo bà Trần Thu Hương – Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần công nghệ thiết bị Tân Phát, để thực hiện tốt chức năng của tổ chức Công đoàn, cần phải có đội ngũ cán bộ có năng lực, có trình độ, bản lĩnh và nhiệt tình với công việc. Điều kiện hiện nay đã và đang đặt ra những yêu cầu đối với đội ngũ cán bộ phải thật vững mạnh, giỏi về chuyên môn và vững về nghiệp vụ, cán bộ Công đoàn cũng không nằm ngoài yêu cầu đó.

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Liên đoàn Lao động huyện Thanh Trì, cán bộ Công đoàn Công ty cổ phần công nghệ thiết bị Tân Phát có những bước phát triển mạnh mẽ, hầu hết cán bộ Công đoàn đều rất nhiệt tình, trách nhiệm, tâm huyết, gắn bó với tổ chức Công đoàn, gần gũi với người lao động, có tiếng nói, có uy tín đối với các cấp lãnh đạo và tập thể đoàn viên trong đơn vị. Cán bộ Công đoàn thường xuyên bám sát các đơn vị, phòng ban, tổ chức tốt các hoạt động Công đoàn, đóng vai trò then chốt, thúc đẩy các hoạt động công đoàn, thể hiện được vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên Công đoàn và người lao động tại các đơn vị mình.

Cán bộ Công đoàn cơ sở kiến nghị Công đoàn cấp trên chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Công đoàn theo hướng thiết thực, sát với yêu cầu thực tiễn. Ảnh minh họa

Cán bộ Công đoàn cơ sở kiến nghị Công đoàn cấp trên chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Công đoàn theo hướng thiết thực, sát với yêu cầu thực tiễn. Ảnh minh họa

Theo đó, trong những năm qua, Công đoàn công ty đã tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả trên các mặt hoạt động, trong đó các hoạt động nổi bật như: Tổ chức đối thoại với Ban Giám đốc nâng cao chất lượng cuộc sống của công nhân lao động bằng các chế độ chính sách ưu đãi, thu nhập ổn định và cao hơn mức chi tiêu sinh hoạt cần thiết. Hàng năm, Ban lãnh đạo công ty và Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở tổ chức thương lượng và đi đến thống nhất điều chỉnh các chế độ đãi ngộ và nâng lương cơ bản, tiền thưởng, các khoản phụ cấp, trợ cấp cho toàn thể công nhân lao động để khuyến khích họ gắn bó lâu dài với Công ty.

Bên cạnh đó, Công đoàn cơ sở cũng tích cực tổ chức các hoạt động nâng cao thể chất và tinh thần thông qua luyện tập văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Cán bộ Công đoàn luôn đặt mục tiêu cho hoạt động thể dục, thể thao là phát triển từ hoạt động phong trào để công nhân lao động có thói quen luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày.

Cùng với đó, các hoạt động như tổ chức chăm lo đời sống cho cán bộ công nhân viên; tổ chức các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Thanh Trì; phát động các phong trào thi đua lao động sản xuất mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp… cũng được chú trọng phát huy.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Bên cạnh những kết quả đạt được như trên, trong thực tiễn hoạt động Công đoàn, đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở còn những hạn chế, khó khăn nhất định như: Các cán bộ Công đoàn đều là những nhân viên thuộc các bộ phận phòng ban chuyên môn như khối kinh doanh, hành chính nhân sự, kế toán, kho hàng, kỹ thuật công nghệ, sản xuất… đều rất bận công việc chuyên môn nhưng phải kiêm nhiệm công tác Công đoàn cho nên thời gian dành cho hoạt động công đoàn còn hạn chế. Do đó, cán bộ Công đoàn chưa chủ động được thời gian mà phải phụ thuộc vào sự phê duyệt từ các lãnh đạo phòng. Việc nhận thức về vai trò, vị trí của cán bộ Công đoàn chưa được đầy đủ, chưa mạnh dạn hoặc chủ động trong việc thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ theo đúng chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn.

Tại Tọa đàm “Thực trạng và giải pháp về công tác cán bộ Công đoàn Thủ đô trong tình hình mới”, ông Phạm Bá Vĩnh – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội nhấn mạnh: Cán bộ Công đoàn phải đổi mới, khẳng định vai trò trong quá trình hội nhập. Thay đổi nhận thức cho đúng về trách nhiệm của cán bộ Công đoàn tại doanh nghiệp, cơ quan đơn vị. Ngoài việc làm tốt chuyên môn đòi hỏi mỗi cán bộ phải có tinh thần nhiệt huyết, trách nhiệm với vai trò là cán bộ Công đoàn cơ sở. Về hệ thống, tổ chức, bộ máy, tiêu chuẩn cán bộ… cần có bộ nhận diện để mỗi cán bộ Công đoàn khẳng định hơn nữa vai trò của tổ chức.

“Cán bộ Công đoàn Tân Phát về trình độ chuyên môn hầu hết đều từ đại học trở lên, nhưng kiến thức, kỹ năng về nghiệp vụ công tác Công đoàn thì chưa được đào tạo bài bản, hầu hết chỉ được tập huấn mang tính chất bổ sung cập nhật những vấn đề mới nhưng những vấn đề cơ bản mang tính nền tảng thì thiếu. Đồng thời, mức phụ cấp cho cán bộ Công đoàn còn thấp, nên tư tưởng đôi khi còn mang tính chất “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, bà Trần Thị Thu Hương cho biết.

Trước tình hình thực trạng đội ngũ cán bộ Công đoàn và những khó khăn nêu trên, bà Trần Thu Hương cũng đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Công đoàn. Trong đó, cần tiếp tục đổi mới công tác quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ một cách rõ ràng, tạo cơ hội cho cán bộ được cống hiến và phấn đấu, động viên, khuyến khích cán bộ có khả năng đảm nhiệm trọng trách làm cán bộ công đoàn; Tạo cơ chế, tạo điều kiện về thời gian, công việc để cán bộ Công đoàn yên tâm công tác.

Công đoàn cấp trên cần xây dựng và triển khai có hiệu quả kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công đoàn theo hướng thiết thực, sát với yêu cầu thực tiễn, đặc biệt về kỹ năng hoạt động cho cán bộ công đoàn cấp cơ sở; Tiếp tục quan tâm và đề xuất với cấp có thẩm quyền nghiên cứu xây dựng các chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với cán bộ Công đoàn cơ sở.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/doi-ngu-can-bo-cong-doan-phai-that-vung-manh-122150.html