Đối ngoại nhân dân trong tình hình mới

Cùng với đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước, Đối ngoại nhân dân đã trải qua một chặng đường lịch sử với những bước chuyển mình mạnh mẽ, toàn diện, tích cực đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa Việt Nam đến gần hơn với bạn bè năm châu.

Đối ngoại nhân dân (ĐNND) là lực lượng hợp thành, là một trong ba chân kiềng của nền ngoại giao Hồ Chí Minh: đối ngoại Đảng, Ngoại giao Nhà nước và ĐNND. Trong suốt sự nghiệp cách mạng của nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, dưới ngọn cờ của chính nghĩa, ĐNND đã có truyền thống vẻ vang, đóng góp xứng đáng vào việc vận động nhân dân thế giới đoàn kết, ủng hộ, bảo vệ, hữu nghị, hợp tác với Việt Nam qua các thời kỳ với những bài học và kinh nghiệm quý giá trong thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Những kết quả thực tế

Trong những năm vừa qua, cùng với những thành tựu quan trọng của công tác đối ngoại nói chung, ĐNND trong đó Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (gọi tắt là Liên hiệp) là lực lượng chuyên trách đã đạt được những kết quả khích lệ.

Thực hiện phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”, Liên hiệp và các tổ chức thành viên đã quán triệt đầy đủ và đề ra các giải pháp để thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các Chỉ thị số 04-CT/TW và Chỉ thị 28/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đổi mới và nâng cao hiệu quả của công tác ĐNND nói chung và Liên hiệp nói riêng, tạo được bước phát triển mới trong công tác ĐNND và trong công tác xây dựng tổ chức của Liên hiệp, đồng thời khẳng định được vị trí, vai trò chuyên trách trong hoạt động ĐNND và hậu thuẫn tích cực cho công tác đối ngoại chung của đất nước, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ông Đôn Tuấn Phong (phải) tặng Kỷ niệm chương cho Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Lee Hyuk, tháng 4/2018

Có thể nhìn thấy rõ một số kết quả nổi bật của công tác ĐNND trong thời gian qua. Trước tiên, mạng lưới bạn bè quốc tế mà các thế hệ ĐNND đi trước đã gây dựng, được củng cố, mở rộng, phát huy và hoạt động chính trị đối ngoại trên lĩnh vực hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và hợp tác nhân dân được nâng cao.

Công tác quan hệ và vận động viện trợ, quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài được đẩy mạnh và tăng cường, tranh thủ được một giá trị viện trợ không hoàn lại khá lớn (trên 4 tỷ USD – tương đương khoảng 300 triệu USD/năm) cho giảm nghèo và phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện chủ yếu trong các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam; kết hợp chặt chẽ với yêu cầu chính trị đối ngoại bảo đảm an ninh chính trị và phát triển bền vững của đất nước.

Công tác nghiên cứu, tham mưu và thông tin đối ngoại cũng được đẩy mạnh, trong đó đã xây dựng được một số sản phẩm thông tin đối ngoại có giá trị. Liên hiệp đã triển khai xây dựng và phát hành trang điện tử của báo Thời đại bằng 05 ngôn ngữ Anh, Trung, Nga, Lào và Khmer...

Về công tác xây dựng và phát triển tổ chức, Liên hiệp đã có 65 tổ chức thành viên ở Trung ương và 52 tổ chức thành viên ở địa phương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Tổng số tổ chức thành viên hiện nay là 117 với hàng nghìn đối tác ở các châu lục.

Ngoài ra, sự phối hợp với Đối ngoại Đảng, Ngoại giao Nhà nước đã được thực hiện trong từng hoạt động ĐNND, trong đó chú trọng vai trò hậu thuẫn cho đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước và vai trò nòng cốt trong các hoạt động đối ngoại đa phương của các tổ chức nhân dân Việt Nam.

Tuy nhiên, cùng với những mặt tích cực, công tác ĐNND do Liên hiệp là nòng cốt vẫn còn gặp phải một số khó khăn, hạn chế.

Cụ thể như việc quán triệt thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, trong đó có Chỉ thị 28-CT/TW về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Chỉ thị 04-CT/TW về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác ĐNND trong tình hình mới và Quyết định số 41/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ, chính sách đối với Liên hiệp còn bất cập, nhất là ở cấp địa phương. Đặc biệt, nhận thức về đối ngoại nhân dân chưa thống nhất.

Hiện nay, một số tổ chức hữu nghị song phương hoạt động kém hiệu quả, chưa thiết lập được mạng lưới bền vững bạn bè quốc tế ở một số địa bàn, một số hoạt động đối ngoại nhân dân còn hình thức, hiệu quả không cao và chưa đổi mới mạnh mẽ. Bên cạnh đó, sự phối hợp với đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước trong một số trường hợp cụ thể còn chưa chặt chẽ, chưa thật sự phát huy vai trò hậu thuẫn của đối ngoại nhân dân

Những biện pháp trong thời gian tới

Trên cơ sở quán triệt nghiêm túc, sâu sắc và toàn diện các văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Chỉ thị 04, nhằm tiếp tục tăng cường công tác ĐNND trong thời gian tới, cần thực hiện một số biện pháp như sau:

Về tư duy và cách tiếp cận: Sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong những năm qua đã chứng minh vai trò và đóng góp quan trọng của ĐNND. Trong tình hình mới, cần tạo điều kiện nhiều hơn để phát triển toàn diện ĐNND Việt Nam tương xứng với vị trí và vai trò của ĐNND; cần có các chính sách tương thích và thỏa đáng về đầu tư nguồn lực, chế độ chính sách, tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực của đội ngũ chuyên trách làm ĐNND. Phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh hơn bao giờ hết cần được học tập, phát huy và nhân rộng trong lực lượng làm ĐNND trong cả nước.

Về lực lượng ĐNND: ĐNND có lực lượng tham gia rộng lớn và là sự nghiệp của toàn dân. Vì nhiều lý do, hoạt động đối ngoại của các tổ chức chính trị-xã hội, các hội nghề nghiệp, việc huy động các nhân vật nổi tiếng, doanh nhân, các nhân sỹ yêu nước, các học giả… chưa khai thác được tiềm năng. Trong khi đó các lực lượng chuyên trách cũng gặp hạn chế, khó khăn về nguồn lực, cần xây dựng cơ chế, chính sách để huy động lực lượng tham gia ĐNND.

Về đào tạo đội ngũ làm ĐNND: Để nâng cao hiệu quả công tác ĐNND, cần sớm tổ chức các chương trình đào tạo chuyên sâu cho lực lượng làm ĐNND ở cả Trung ương và địa phương và bồi dưỡng kiến thức ĐNND cho các nhà ngoại giao chuyên nghiệp.

Trong thời kỳ đất nước hội nhập sâu rộng với thế giới, hoạt động và quan hệ ĐNND ngày càng mở rộng ở tất cả các cấp, các lĩnh vực với các hình thức đa dạng, kết nối ngày càng trực tiếp với quốc tế. Bên cạnh đó, chính phủ một số nước và các thế lực chống phá Việt Nam tăng cường quan tâm, đầu tư, lợi dụng kênh ĐNND để gia tăng các hoạt động xuyên tạc, kích động, chống phá Việt Nam thông qua vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo. Vì vậy, công tác ĐNND càng có vị trí, vai trò quan trọng trong việc tham gia thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại chung, góp phần vào việc tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự phát triển của đất nước, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, củng cố hình ảnh, vị thế của Việt Nam, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đôn Tuấn Phong

Phó Chủ tịch Phụ trách Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/doi-ngoai-nhan-dan-trong-tinh-hinh-moi-76139.html