Đối ngoại của Trung Quốc năm 2021 sẽ là gì?

Trước thềm năm mới 2021, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, các chuyên gia, nhà báo nước ngoài nhận định về đường hướng đối ngoại của Trung Quốc với một số nước láng giềng thời gian tới.

(Từ trái qua phải) Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Thượng đỉnh G20 năm 2016. Ảnh: Getty Images

(Từ trái qua phải) Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Thượng đỉnh G20 năm 2016. Ảnh: Getty Images

Với Nga

Một nhà báo Xinhua nói rằng, trong cuộc điện đàm chúc mừng năm mới với Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 28/12, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố, Bắc Kinh sẵn sàng làm việc với Mátxcơva để phát triển bền vững quan hệ đối tác chiến lược toàn diện phối hợp cho một kỷ nguyên mới giữa hai nước. Ông Tập nói rằng, hai bên ủng hộ lẫn nhau về các vấn đề liên quan lợi ích cốt lõi của mỗi nước. “Năm 2021, hai nước kỷ niệm 20 năm ký Hiệp ước Láng giềng tốt và Hợp tác hữu nghị Nga-Trung nên có thể đẩy mạnh hợp tác song phương theo cả bề rộng và chiều sâu, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học-công nghệ và công nghiệp”, nhà báo Trung Quốc nói.

Một nhà báo Trung Quốc khác, làm việc cho People’s Daily, nhận định, Trung Quốc sẽ tăng cường hợp tác với Nga về thương mại, đặc biệt về dầu khí; công nghệ quân sự (điện tử hàng không, máy bay chiến đấu đa năng Sukhoi, tên lửa phòng không S-400…), an ninh…. Đồng thời, thúc đẩy các giá trị chung như coi trọng chủ quyền nhà nước, kiểm soát không gian mạng, phản đối nước ngoài can thiệp nội bộ dưới chiêu bài dân chủ-nhân quyền… Trung Quốc cũng sẽ nỗ lực chứng minh với Nga rằng,sáng kiến Vành đai-Con đường không làm suy giảm ảnh hưởng của Nga ở Trung Á;Trung Quốc không can thiệp Liên minh Kinh tế Á-Âu, thực lòng muốn cùng Nga phá chiến lược 3 trụ cột hậu chiến của Mỹ (liên minh an ninh đa phương, trật tự kinh tế quốc tế do Mỹ dẫn dắt và cam kết mạnh mẽ đối với các giá trị tự do, dân chủ).

Với Lào

Nhà báo Xinhua nhận định, Trung Quốc tập trung phát triển quan hệ thương mại, đầu tư (nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, sản xuất, năng lượng, du lịch…), cung cấp vốn, công nghệ và tiền viện trợ cho Lào, từ đó thúc đẩy tổng thể quan hệ song phương và tác động các vấn đề ASEAN. Trung Quốc sẽ đẩy mạnh kết nối sáng kiến Vành đai-Con đường với chiến lược, chính sách của Lào là biến đất nước bị giới hạn bởi đất liền thành đất nước liên kết đường bộ và biến Lào thành trung tâm năng lượng của Đông Nam Á.

Trung Quốc cũng sẽ tăng cường kết nối hạ tầng song phương và khu vực, khai thác năng lượng, xây dựng khu kinh tế… Ví dụ, xây dựng, vận hành đường sắt Trung Quốc-Lào (khởi công tháng 12/2016, dự kiến khai trương tháng 12/2021) giúp thúc đẩy hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực khác như vật liệu xây dựng, dịch vụ, logistics, nông nghiệp sinh thái, chế biến, khai khoáng, công nghiệp nhẹ… Với tổng vốn đầu tư 5,8 tỷ USD, toàn tuyến đường sắt dài 428km với 32 nhà ga sử dụng tiêu chuẩn công nghệ và thiết bị Trung Quốc.

Tương lai, tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào sẽ được kết nối với đường sắt Thái Lan, Malaysia và Singapore, trở thành “con đường tơ lụa sắt thép” để tăng kết nối giữa Trung Quốc với các nước ASEAN. Đường sắt Trung Quốc-Lào cũng thúc đẩy việc xây dựng các khu nông nghiệp, như Công viên trình diễn công nghệ nông nghiệp Vân Nam-Oudomxay, Cơ sở Quảng Tây-Champasak về thí nghiệm giống rau quả Trung Quốc mới, Công viên Nông nghiệp toàn diện Trùng Khánh-Lào, Công viên Nông nghiệp Trung Quốc-Lào (tích hợp chế biến nông sản, lưu kho, logistics, khoa học-công nghệ).

Trong bối cảnh đang bị phương Tây bao vây, tẩy chay về mặt công nghệ, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ đẩy mạnh chuyển giao công nghệ vệ tinh cho Lào. Năm 2012, Tập đoàn Khoa học và Công nghệ vũ trụ Trung Quốc xây dựng vệ tinh viễn thông Lao Sat-1 (phóng từ Trung Quốc năm 2015, chuyển giao cho Lào năm 2016). Đây là vệ tinh chủ quyền đầu tiên của Lào. Đây là lần đầu tiên ngành công nghiệp vũ trụ Trung Quốc xuất khẩu vệ tinh viễn thông và hệ thống hỗ trợ mặt đất cho một nước ASEAN. Đây cũng là lần đầu tiên ngành vũ trụ Trung Quốc đưa ra mô hình mới cho khách hàng nước ngoài. Đó là “tích hợp không gian và mặt đất + vận hành thương mại”.

Với Campuchia

GS James Borton (Đại học Tufts, Mỹ) cho rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục rót vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tiền viện trợ và tăng cường hợp tác quân sự, trong đó có tập trận chung, với Campuchia, duy trì độ phụ thuộc cao của Campuchia cả về kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh, không để Campuchia lại gần Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), không để Campuchia kiên định chính sách đối ngoại không liên kết và trung lập vĩnh viễn.

Trung Quốc tiếp tục duy trì vị thế đối tác thương mại, nhà đầu tư nước ngoài, nước cung cấp viện trợ lớn nhất cho Campuchia. Trung Quốc cam kết tăng cường nhập khẩu nông sản Campuchia, chủ yếu là gạo, sắn (để sản xuất nhiên liệu sinh học), hạt điều, cao su và dầu cọ sơ chế. Doanh nghiệp nhà nước và tư nhân Trung Quốc tiếp tục đầu tư vào Campuchia trong một số lĩnh vực như cơ sở hạ tầng và dịch vụ liên quan, nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ…

Về nông nghiệp, một trong những dự án đầu tư nông nghiệp quan trọng nhất của Trung Quốc ở Campuchia là Đặc khu kinh tế ở tỉnh Kampong Speu, trị giá 2 tỷ USD. Về đầu tư cảng, Đặc khu kinh tế Sihanoukville là đặc khu kinh tế đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài. Đặc khu này được coi là Thâm Quyến của Campuchia. Về năng lượng, Campuchia dựa vào nhập khẩu điện từ Lào, Thái Lan và Việt Nam. Trung Quốc sẽ tăng đầu tư xây dựng nhiệt điện chạy than và thủy điện ở Campuchia. Trung Quốc đã đầu tư gần 1,8 tỷ USD vào 5 nhà máy thủy điện ở Campuchia, bao gồm thủy điện Hạ Sesan 2, Kirirom 3, Kamchay gây tranh cãi.

Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục viện trợ, cho vay ưu đãi để Campuchia xây mới, nâng cấp đường, cầu, cảng, sân bay… Cao tốc Phnom Penh-Preah Sihanouk dài 190km đang được xây dựng bằng viện trợ và vốn vay Trung Quốc, nhà thầu Trung Quốc, trị giá 2 tỷ USD. Dù bị COVID-19 cản trở việc xây dựng cao tốc nối thủ đô Phnom Penh với tỉnh có cảng nước sâu Preah Sihanouk, chính phủ Trung Quốc và Campuchia hồi tháng 5/2020 vẫn nhất trí thúc đẩy xây dựng tuyến đường cao tốc đầu tiên của Campuchia này.

Trung Quốc sẽ tài trợ, cho Campuchia vay ưu đãi hàng tỷ USD để phát triển nông nghiệp, y tế, giáo dục, an sinh xã hội và cơ sở hạ tầng. Thăm Campuchia năm 2016, ông Tập Cận Bình xóa nợ 89 triệu USD cho Campuchia và cam kết viện trợ thêm 600 triệu USD mà không có điều kiện ràng buộc. Bắc Kinh cũng cho Phnom Penh vay để mua máy bay, trực thăng, xe tải, xây dựng trung tâm huấn luyện quân sự, quân y…; đồng thời viện trợ khí tài, tàu tuần tra, giáo viên dạy tiếng Trung, học bổng cho sĩ quan Campuchia học ở Trung Quốc.

Trung Quốc sẽ duy trì mối quan hệ gần gũi với các quan chức cấp cao trong chính phủ Campuchia và cộng đồng Hoa kiều ở nước này; tiếp tục trao đổi đoàn cấp cao giữa hai nước. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện “Kế hoạch hành động giai đoạn 2019-2023 về xây dựng cộng đồng Trung Quốc-Campuchia chung vận mệnh” (phiên bản nâng cao của đối tác chiến lược toàn diện) mà 2 nước ký tháng 4/2019. Thực hiện 31 giải pháp trong 5 lĩnh vực, gồm chính trị, an ninh, kinh tế, giao lưu nhân dân và hợp tác đa phương.

Với Ấn Ðộ

TS Gareth Price, đơn vị tư vấn độc lập Chatham House (Anh), cho rằng, xác định Ấn Độ tiếp tục chính sách vừa cạnh tranh vừa hợp tác với Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ đồng ý không để tranh chấp biên giới làm suy yếu quan hệ hai nước, đồng thời gia tăng tương tác về thương mại và đầu tư, điều phối tiếng nói chung (thương mại đa phương, biến đổi khí hậu, phát thải CO2, kinh tế carbon…) ở các tổ chức, diễn đàn quốc tế như BRICS, G20…

Xác định Ấn Độ đã thay đổi chiến lược bảo vệ khu vực đông bắc, chuyển từ bỏ hoang sang xây dựng đường sá, sân bay quân sự, nên Trung Quốc gia cố các điểm cao trọng yếu để giữ thế thượng phong phòng khi xung đột xảy ra.

Để Ấn Độ không bắt chặt tay với các đối thủ của Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ tăng cường tuyên truyền để giải tỏa nghi ngờ của Ấn Độ về quan hệ Trung Quốc-Pakistan, cụ thể là Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan, Hành lang hạ tầng Bangladesh-Trung Quốc-Ấn Độ-Myanmar, hoạt động của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương (tàu ngầm ghé cảng Colombo ở Sri Lanka…).

Đặc khu kinh tế Sihanoukville (cách thủ đô Phnom Penh khoảng 210km về phía tây) được coi là Thâm Quyến của CampuchiaẢnh: Construction-Property

“Năm 2021, hai nước kỷ niệm 20 năm ký Hiệp ước Láng giềng tốt và Hợp tác hữu nghị Nga-Trung nên có thể đẩy mạnh hợp tác song phương theo cả bề rộng và chiều sâu, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học-công nghệ và công nghiệp”Nhà báo Trung Quốc

Thái An

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/doi-ngoai-cua-trung-quoc-nam-2021-se-la-gi-1772153.tpo