Đối ngoại của nước Mỹ dưới thời ông Biden sẽ ra sao?

Giới chuyên gia cho rằng ông Biden sẽ đảo ngược một số quyết định được đưa ra bởi người tiền nhiệm, song điều đó không có nghĩa là chiến lược ngoại giao của Mỹ sẽ thay đổi sau ngày 20/1.

Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden sẽ nhậm chức trưa nay (20/1, giờ bờ Đông nước Mỹ) trong một buổi lễ được cả thế giới quan tâm. Không chỉ đồng minh, đối tác mà cả các đối thủ của Mỹ đang theo dõi chi tiết những bước đi đầu tiên của ông trên cương vị mới, để từ đó xây dựng chính sách của riêng họ trong quan hệ với Mỹ.

Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden. Ảnh: Getty Images

Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden. Ảnh: Getty Images

AFP trước giờ ông Biden nhậm chức dẫn lời các phụ tá của ông cho hay nhà lãnh đạo mới của nước Mỹ sẽ lập tức ký 17 sắc lệnh hành pháp nhằm đảo ngược các quyết sách của người tiền nhiệm, khởi đầu bằng việc tái gia nhập thỏa thuận khí hậu Paris và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Ông cũng sẽ chấm dứt lệnh cấm đi lại với một số quốc gia đạo Hồi mà ông Trump ban hành năm 2017. Bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico mà ông Trump khởi xướng nhằm ngăn dòng người di cư bất hợp pháp, sẽ bị ngừng xây dựng.

Nhiều động thái sẽ đưa Mỹ trở lại thời điểm 19/1/2017, ngày cuối nhiệm kỳ chính quyền Barack Obama - Joe Biden, trước khi ông Trump tới tiếp quản Nhà Trắng và xóa bỏ nhiều chính sách được chính sách mà hai ông Obama-Biden xây dựng.

Trong những ngày tiếp theo của nhiệm kỳ, ông Biden được cho là sẽ có thêm nhiều động tác mới nhằm theo đuổi con đường lãnh đạo nước Mỹ của riêng mình. Khi tranh cử, ông Biden không ít lần có phát ngôn trái ngược hoàn toàn người tiền nhiệm Donald Trump trong công tác đối ngoại, khiến một số người cho rằng chiến lược ngoại giao của Mỹ có thể biến động đáng kể.

Dẫu vậy, một số nhà quan sát vẫn cho rằng các bước đi của ông Biden không phải đảo ngược hoàn toàn chính sách ngoại giao của ông Trump. Những thay đổi trong chính sách ngoại giao sẽ chủ yếu nằm ở tầng chiến thuật thay vì chiến lược, bởi các lợi ích quốc gia cốt lõi của Mỹ về cơ bản là bất biến: Dù ai nắm quyền thì Mỹ vẫn theo đuổi con đường bảo vệ vị thế siêu cường trước Nga và Trung Quốc; muốn ngăn Iran và CHDCND Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân; và muốn có vai trò chủ yếu trong giải quyết các vấn đề toàn cầu.

So với thời ông Trump, chính quyền của ông Biden được cho là sẽ sử dụng giọng điệu mềm mỏng hơn với các đồng minh để gây dựng lại hình ảnh và uy tín của nước Mỹ với vai trò là người dẫn dắt, đồng thời củng cố và tận dụng triệt để các kênh đa phương mà chính quyền tiền nhiệm bỏ ngỏ trong 4 năm nhiệm kỳ.

Hôm 19/1, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định khối quân sự và Liên minh châu Âu (EU) đang rất trông đợi vào sự hợp tác với ông Biden để củng cố và tăng cường mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

“Chúng tôi trông chờ vào việc hợp tác với Tổng thống đắc cử Joe Biden để thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu, trong bối cảnh chúng ta đối mặt với những thách thức toàn cầu mà không một nước nào có thể tự mình giải quyết”, ông Stoltenberg nhấn mạnh.

Từ Brussels, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen bình luận: "Nghi lễ cao quý trên các bậc thang của Đồi Capitol sẽ là một minh chứng cho sự kiên cường của nền dân chủ Mỹ… và đó là bằng chứng rõ ràng rằng một lần nữa, sau 4 năm, châu Âu có một người bạn trong Nhà Trắng".

Trong quan hệ cùng các nước mà Mỹ coi là đối thủ như Nga, Trung Quốc hay với các quốc gia có mâu thuẫn với Mỹ như Iran, Triều Tiên hay Venezuela, ông Biden được dự báo sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với các nước liên quan, nhất là các đồng minh thông qua các mạng lưới cơ chế hợp tác và tổ chức khu vực để tìm kiếm giải pháp tập thể.

Với Iran, việc ông Biden nhậm chức có thể là tin vui khi ông đã hứa sẽ trở lại thỏa thuận hạt nhân 2015. Tuy nhiên, một số chuyên gia đã cảnh báo việc này sẽ không sớm diễn ra vì ông Biden đã nêu quan điểm rằng cần có một thỏa thuận con trong thỏa thuận 2015 để ngăn các hành vi vi phạm tái diễn trong tương lai.

Với Trung Quốc, bất chấp những dự báo quan hệ hai bên sẽ ấm lên, hôm 19/1, ông Antony Blinken, người được Tổng thống Biden đề cử cho vị trí tân Ngoại trưởng Mỹ, phát biểu công khai rằng ông ủng hộ cách tiếp cận cứng rắn của chính quyền ông Trump với Trung Quốc, đồng thời chỉ trích một số hành động gần đây của Bắc Kinh. Đây là chỉ dấu cho thấy sẽ không sớm có thay đổi đáng kể nào trong quan hệ Trung-Mỹ.

Với Nga, cá nhân ông Biden từng khẳng định sẽ cùng Moscow gia hạn hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân chiến lược New START, song ông cũng dọa mạnh tay với Nga liên quan đến những cáo buộc chưa được kiểm chứng về việc Điện Kremlin dính líu đến vụ tấn công mạng quy mô lớn gần đây nhằm vào Mỹ.

Cần lưu ý rằng ông Biden từng làm việc gần 40 năm ở Thượng viện, trưởng thành qua thời Chiến tranh Lạnh và cũng là người có vai trò quan trọng định hình chính sách ngoại giao của Mỹ cho tới tận khi ông Trump nhậm chức, bởi vậy, ông Biden được dự báo sẽ là người có tư duy đối ngoại “truyền thống” giống những người tiền nhiệm đảng Dân chủ.

Thiện Minh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/doi-ngoai-cua-nuoc-my-duoi-thoi-ong-biden-se-ra-sao-628146/