'Đối ngoại biên phòng đã góp phần giữ vững chủ quyền lãnh thổ, giữ được nền hòa bình lâu dài cho Tổ quốc…'

Phát huy truyền thống vẻ vang 60 năm gắn bó với sự nghiệp xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, những năm qua, lực lượng BĐBP đã có những cách làm mới, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần xây dựng biên cương ngày càng vững mạnh, cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân giữ vững sự ổn định và phát triển của đất nước. Phóng viên Báo Biên phòng đã có cuộc phỏng vấn Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng về vấn đề này.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì lễ đón Thượng tướng Phạm Trường Long, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc tham dự Chương trình “Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc” lần thứ 4, năm 2017, tại cửa khẩu Ma Lù Thàng (Lai Châu). Ảnh: Lê Hoàng

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì lễ đón Thượng tướng Phạm Trường Long, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc tham dự Chương trình “Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc” lần thứ 4, năm 2017, tại cửa khẩu Ma Lù Thàng (Lai Châu). Ảnh: Lê Hoàng

- Đề nghị Thượng tướng đánh giá về vai trò của BĐBP trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia nói chung và công tác đối ngoại biên phòng nói riêng?

- Lực lượng BĐBP gắn liền với những cái tên rất đẹp như “Người chiến sĩ vệ binh quốc gia” hay “Người gác cổng của đất nước”, “Người chiến sĩ mang quân hàm xanh”... nhưng lại chịu rất nhiều khó khăn, gian khổ khi đứng chân trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Giữa thời bình nhưng biết bao cán bộ, chiến sĩ phải xa hậu phương, xa gia đình để gắn bó với đồn, trạm, các bản làng xa xôi nơi địa đầu của Tổ quốc để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia. Đó là chức năng, nhiệm vụ chủ yếu và quan trọng nhất mà BĐBP đã hoàn thành xuất sắc trong suốt 60 năm qua.

Tôi hết sức trân trọng khi các đồng chí không chỉ làm tốt công tác xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, đối ngoại biên phòng, mà còn tham gia các hoạt động xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, chăm sóc sức khỏe cho người dân, cải thiện giáo dục, xây dựng hệ thống cơ sở chính trị, giúp nhân dân định canh, định cư trên biên giới... để tạo ra thế trận quốc phòng toàn dân tại những địa bàn trọng yếu.

Điều tôi muốn nói đến đầu tiên chính là công tác giúp dân ở vùng biên giới. Chúng ta nghe chưa đủ mà cần phải nhìn người chiến sĩ Biên phòng dạy chữ cho trẻ em, chăm sóc cho người bệnh và quan tâm, nâng giấc những người già yếu, cô đơn... Có tận mắt chứng kiến, chúng ta mới có thể cảm nhận một cách sâu sắc về tình cảm quân dân thắm đượm nơi biên giới qua những thực tế giản dị như vậy.

Điều thứ hai, tôi cho rằng, BĐBP đã và đang làm rất tốt việc xây dựng một đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển với các nước láng giềng. Các đồng chí đã hết sức nỗ lực để vun đắp mối quan hệ giữa BĐBP Việt Nam với lực lượng bảo vệ biên giới và nhân dân các nước láng giềng để chúng ta bảo vệ biên giới bằng tình hữu nghị, sự tin cậy và yêu quý lẫn nhau.

Từ Mục Nam quan đến mũi Cà Mau, đường biên giới của chúng ta đã thực sự là một đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển. Tôi cho rằng, trong kết quả đó có công lao rất to lớn và cả sự hy sinh âm thầm của những cán bộ, chiến sĩ Biên phòng. Nói đúng hơn là trong công tác đối ngoại quốc phòng nói chung thì công tác đối ngoại biên phòng đã giúp Việt Nam giữ vững được chủ quyền lãnh thổ, giữ biên giới bình yên và giữ được một nền hòa bình lâu dài cho Tổ quốc.

- Như Thượng tướng vừa chia sẻ thì hẳn đồng chí có nhiều kỷ niệm đối với các chiến sĩ Biên phòng. Thượng tướng có thể chia sẻ những câu chuyện thú vị về người chiến sĩ Biên phòng?

- Kỷ niệm với BĐBP của tôi thực sự rất nhiều, trong đó có hai câu chuyện nhỏ mà tôi hết sức ấn tượng. Lần đầu tiên tôi lên biên giới, chỉ huy đồn Biên phòng đã cử một tổ công tác đưa tôi đến thăm cột mốc. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản là đặt một bó hoa bên chân cột mốc rồi quay về. Một đồng chí sĩ quan còn rất trẻ đã ngăn tôi lại và nói rằng: “Xin thủ trưởng hãy quay lại để chào cột mốc”. Câu nói đó đã giúp tôi học được một bài học về sự thiêng liêng của cột mốc, của chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Câu chuyện thứ hai là trong một lần tôi chứng kiến hoạt động tuần tra chung giữa BĐBP Việt Nam và BĐBP nước bạn Trung Quốc. Tuần tra chung của Biên phòng không chỉ là tập hợp đội hình, khoác súng tuần tra mà đây còn là cơ hội giao lưu giữa các chiến sĩ Biên phòng của hai nước với nhau. Tôi hiểu rằng, họ tuần tra không chỉ phân định bên nào của anh, chỗ nào của tôi mà tuần tra để cùng phát hiện và thống nhất xử lý những vấn đề bất thường xảy ra trên biên giới; cùng bàn với nhau những biện pháp để làm sao quản lý và bảo vệ khu vực biên giới của mỗi nước hiệu quả hơn; phòng chống có hiệu quả các loại tội phạm và giúp đỡ nhân dân biên giới hai nước có cuộc sống ổn định, no ấm hơn... Tôi cho rằng điều đó vô cùng ý nghĩa.

Không chỉ chứng kiến tuần tra chung, tôi còn chứng kiến lực lượng bảo vệ biên giới Việt Nam và nước láng giềng giao lưu với nhau trong những buổi liên hoan nhân các ngày lễ, Tết, giao lưu văn hóa – thể thao... để vun đắp thêm tình cảm giữa con người với con người. Qua những hình ảnh đó, tôi chỉ mong không chỉ riêng tôi hay nhân dân các dân tộc trên biên giới cảm nhận được, mà qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhân dân của cả hai nước được thấy và hiểu được điều này. Như tôi nhận định, khi người dân đã thể hiện mong muốn hai nước phải đoàn kết hữu nghị, thì cả hai bên, Chính phủ, lãnh đạo hai bên phải tuân thủ ý chí của nhân dân.

- Những năm qua, thực hiện sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, lực lượng BĐBP đã tham mưu, phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng tổ chức thành công nhiều chương trình giao lưu như: “Biên cương thắm tình hữu nghị”, “Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc”, “Giao lưu biên giới Việt Nam - Lào; Việt Nam - Campuchia lần thứ nhất”... Đề nghị Thượng tướng cho biết, mô hình giao lưu này sẽ được triển khai như thế nào trong thời gian tới?

- Hiện nay, giao lưu biên giới trên bộ của chúng ta với Trung Quốc, Lào và Campuchia có thể nói là một điểm sáng trong mối quan hệ quốc tế của chúng ta. Qua giao lưu biên giới hằng năm, các đơn vị, địa phương ở biên giới ngày càng thắt chặt mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị với các lực lượng và chính quyền, nhân dân nước láng giềng.

Từ nhận thức đúng thì hành động đúng, cho nên là mọi vấn đề của hai bên biên giới, kể cả thuận lợi hay khó khăn thì chúng ta đều có các kênh để chia sẻ và chúng ta giải quyết rất gọn gàng, rất tốt, trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng độc lập chủ quyền, tôn trọng chủ quyền quốc gia, tôn trọng lợi ích của mỗi bên và cũng tôn trọng mối quan hệ giữa hai nước.

Không chỉ ở Trung Quốc, giao lưu với Lào và Campuchia cũng có rất nhiều điểm sáng và ý nghĩa, mục đích vô cùng tốt đẹp và đạt được nhiều thành tựu to lớn. Với mỗi nước thì chúng ta có những hình thức, mức độ, nội dung tương đối khác nhau, nhưng tất cả đều được đặt dưới sự chỉ đạo thống nhất, tập trung của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng.

- Trân trọng cảm ơn Thượng tướng!

Phạm Vân Anh (thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/doi-ngoai-bien-phong-da-gop-phan-giu-vung-chu-quyen-lanh-tho-giu-duoc-nen-hoa-binh-lau-dai-cho-to-quoc/