Đổi mới xúc tiến thương mại, tấn công mạnh vào thị trường tiềm năng

Trong bối cảnh mới, khi doanh nghiệp vừa phải đối mặt với những ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19, khiến sản xuất, kinh doanh suy giảm, vừa đứng trước những cơ hội từ các FTA thế hệ mới, đòi hỏi cần có những chiến lược xúc tiến thương mại phù hợp để hội nhập hiệu quả.

Hội nghị giao thương trực tuyến quốc tế nông sản, thực phẩm Việt Nam 2020 từ ngày 22 - 25/9 thu hút sự tham dự của trên 150 DN, nhà nhập khẩu nước ngoài. Ảnh: T.U

Hội nghị giao thương trực tuyến quốc tế nông sản, thực phẩm Việt Nam 2020 từ ngày 22 - 25/9 thu hút sự tham dự của trên 150 DN, nhà nhập khẩu nước ngoài. Ảnh: T.U

Nhờ xúc tiến thương mại, DN tận dụng tốt FTA

Đánh giá về hoạt động xúc tiến thương mại của nước ta trong thời gian qua, các chuyên gia kinh tế đều ghi nhận sự nỗ lực vào cuộc của các cơ quan quản lý và sự chủ động tham gia tìm kiếm thị trường, tích cực hội nhập của doanh nghiệp (DN).

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát khiến các hoạt động giao thương trực tiếp bị đình trệ, những hoạt động giao thương trực tuyến liên tục được tổ chức để tìm kiếm giải pháp hỗ trợ DN xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường. Chia sẻ với phóng viên, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, xúc tiến thương mại trực tuyến trở thành xu thế mới để đẩy mạnh xuất khẩu theo hướng an toàn, bền vững.

Thời gian qua, Bộ Công thương đã phối hợp với các đơn vị, tổ chức liên quan tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến và đẩy mạnh ứng dụng nền tảng kỹ thuật số vào xúc tiến thương mại để hỗ trợ đưa hàng hóa Việt Nam tham gia ngày càng sâu vào các chuỗi giá trị và tăng độ phủ trên thị trường thế giới. “Xúc tiến thương mại trực tuyến có nhiều ưu thế vượt trội đem đến nhiều cơ hội cho xuất khẩu. Ước tính đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 100 nghìn DN xuất nhập khẩu hàng hóa và lượng DN tham gia xúc tiến thương mại và xuất khẩu trực tuyến ngày càng nhiều”, ông Phú nhấn mạnh.

Điển hình, từ ngày 22 - 25/9, Cục Xúc tiến thương mại tổ chức “Hội nghị giao thương trực tuyến quốc tế nông sản, thực phẩm Việt Nam 2020” với sự tham dự của trên 150 DN, nhà nhập khẩu nước ngoài đã giao thương trực tuyến với hơn 30 doanh nghiệp sản xuất, cung cấp nông sản, thực phẩm Việt Nam. Lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại cho biết, đây là hội nghị giao thương trực tuyến lớn nhất trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm được tổ chức từ trước tới nay. Thông qua hội nghị giao thương này, DN Việt và các nhà nhập khẩu nước ngoài sẽ hiểu rõ hơn nhu cầu, năng lực của nhau, tiến tới thỏa thuận các cơ hội hợp tác kinh doanh, góp phần hỗ trợ DN vượt qua đại dịch và xây dựng các chiến lược phát triển kinh doanh bền vững cho đa dạng sản phẩm nông sản, thực phẩm.

Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội đánh giá, có thể thấy, nhờ những thành quả từ hoạt động xúc tiến thương mại, các DN đã và đang tận dụng tốt hơn cơ hội đến từ hội nhập. Minh chứng, ở tất cả các thị trường mà Việt Nam có ký kết hiệp định thương mại tự do đều ghi nhận sự tăng trưởng vượt trội, thị phần xuất khẩu tại các thị trường trọng điểm ngày càng gia tăng; nhiều mặt hàng xuất đã khẩu tận dụng tốt cơ hội từ cắt giảm thuế quan…

DN cần chủ động giao thương thông, xúc tiến thương mại

Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, song hoạt động xúc tiến thương mại vẫn chưa được đồng đều và đồng bộ từ khâu sản xuất đến khâu tiếp thị và thâm nhập thị trường. Mới đây, Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương cùng các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương xây dựng chương trình hành động, kế hoạch xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng.

Đại diện Cục Xúc tiến thương mại cho hay, trong thời gian tới, Bộ Công thương chú trọng thực hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến với các thị trường trọng điểm, phù hợp với tiến trình hội nhập. Trong đó, tập trung vào các thị trường trong nhóm CPTTP và EVFTA.

“Để các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến đạt hiệu quả, bên cạnh sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, DN cần có bước đi bài bản, chủ động đầu tư về công nghệ, tương ứng với ngành hàng của mình. Về lâu dài, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của DN cần tiếp tục cải thiện về chất lượng và đa dạng hơn, sát với nhu cầu của thị trường hơn. Đồng thời, Bộ Công thương sẽ tăng cường hỗ trợ DN xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản, thực phẩm Việt Nam, xây dựng thương hiệu…”, ông Phú cho biết.

Còn theo Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, kết nối giao thương trực tuyến là chìa khóa “vàng” để hàng hóa của DN Việt vươn ra toàn cầu. Không nên chỉ trông chờ vào các chương trình xúc tiến thương mại của Nhà nước, bản thân DN có thể tự chủ động giao thương, kết nối trực tuyến với các đối tác khắp thế giới thông qua việc sử dụng các sàn thương mại diện tử hay mạng xã hội…./.

Tố Uyên

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2020-09-24/doi-moi-xuc-tien-thuong-mai-tan-cong-manh-vao-thi-truong-tiem-nang-92636.aspx