Đổi mới việc tuyển dụng giáo viên

Năm học 2020-2021 là năm thứ ba TPHCM bỏ quy định hộ khẩu trong tuyển dụng giáo viên đối với các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên và đơn vị trực thuộc. Đây cũng là năm học đầu tiên các trường được trực tiếp tham gia tuyển dụng, ứng viên nộp hồ sơ theo hình thức trực tuyến nhằm rút ngắn thời gian, tăng hiệu quả tuyển dụng.

Cơ hội chia đều cho tất cả ứng viên

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tuyển dụng giáo viên cho năm học 2020-2021 triển khai từ đầu tháng 7, trễ hơn một tháng so với các năm trước. Thống kê của Phòng Tổ chức cán bộ (Sở GD-ĐT TPHCM) cho thấy, đây là năm đầu tiên ứng viên không có hộ khẩu thành phố chiếm tỷ lệ áp đảo với 64,59% (766 ứng viên trên tổng số 1.186 ứng viên vượt qua vòng xét tuyển hồ sơ).

Chị Đỗ Diệu Linh, ứng viên đến từ tỉnh Quảng Ngãi cho biết, việc thành phố bỏ quy định hộ khẩu trong xét tuyển viên chức đã tác động lớn đến định hướng việc làm của bản thân. Theo đó, dù tốt nghiệp Đại học Sư phạm TPHCM năm 2017, nhưng ứng viên này chỉ làm việc theo hình thức ký hợp đồng lao động có thời hạn, phụ trách nhiều công việc từ giáo viên đứng lớp, giám thị quản lý học sinh đến nhân viên văn phòng, tư vấn tuyển sinh tại một trung tâm bồi dưỡng văn hóa.

Sau khi Sở GD-ĐT thành phố công khai nhu cầu tuyển dụng của các trường THPT, Diệu Linh quyết định nộp hồ sơ ứng tuyển vị trí giáo viên Vật lý, Trường THPT Tạ Quang Bửu (quận 8) với mong muốn tìm một môi trường làm việc ổn định. Việc tham gia thi tuyển viên chức ngoài mục tiêu thay đổi môi trường giảng dạy còn là cơ hội giúp cô học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với ứng viên đến từ các đơn vị khác.

Với anh Ngô Vũ Thiên Quang, nam ứng viên có hộ khẩu TPHCM nhìn nhận, khoảng 5 năm trở lại đây, các trường quốc tế, tư thục đã có nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút và giữ chân đội ngũ. “Hiện tại thu nhập của tôi ở trường tư không chênh lệch nhiều so với tổng thu nhập từ lương, theo vị trí chức vụ kèm phụ cấp ưu đãi nếu công tác tại một trường THPT công lập. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn thử sức ở môi trường làm việc mới, với độ ổn định và tính chuyên môn cao hơn”. Ngoài ra, ứng viên này cho biết, việc Quốc hội bỏ chế độ biên chế suốt đời đối với viên chức bắt đầu từ ngày 1-7-2020 không hề làm giảm tính cạnh tranh của các trường công lập, mà trái lại buộc các ứng viên phải nỗ lực thể hiện mình nhiều hơn vì cơ hội chia đều cho tất cả mọi người.

Riêng với Nguyễn Ngọc Dân, ứng viên có hộ khẩu thành phố, sau 3 năm thi tuyển viên chức nhưng chưa trúng tuyển, năm nay vẫn quyết tâm ứng thí. Ngọc Dân chia sẻ, đổi mới lớn nhất trong quy trình tuyển dụng năm nay là tất cả trường THPT đều công khai nhu cầu tuyển dụng, cũng như số lượng hồ sơ đăng ký để ứng viên chủ động lựa chọn, hiểu được mức độ cạnh tranh của đơn vị đăng ký công tác.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Ngoài việc mở rộng đối tượng tuyển dụng, năm học 2020-2021 là năm đầu tiên thành viên ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn các đơn vị có nhu cầu tuyển dụng được tham gia hội đồng tuyển dụng, trực tiếp kiểm tra hồ sơ ứng viên, khảo sát nghiệp vụ và chuyên môn giảng dạy.

Ứng viên thi thực hành kiểm tra năng lực chuyên môn và nghiệp vụ giáo viên năm học 2020-2021

Ứng viên thi thực hành kiểm tra năng lực chuyên môn và nghiệp vụ giáo viên năm học 2020-2021

Cụ thể, theo hiệu trưởng một trường THPT ở quận 1, việc được tham gia hội đồng xét tuyển, trực tiếp đặt câu hỏi và lựa chọn ứng viên giúp các trường có thêm nhiều cơ hội sàng lọc ứng viên, tìm ra cá nhân phù hợp với định hướng phát triển của nhà trường. Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác quản lý, nhà giáo này cho biết, phần đông ứng viên hiện nay lựa chọn đơn vị công tác theo các tiêu chí gần nơi cư trú, đăng ký theo nhóm bạn, chứ không nhiều người đầu tư tìm hiểu môi trường công tác, mục tiêu giáo dục của nhà trường. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ứng viên sau khi trúng tuyển không gắn bó lâu dài với đơn vị công tác. Nhằm khắc phục tình trạng đó, năm nay đại diện các trường đều cho biết sàng lọc rất kỹ từ vòng xét tuyển hồ sơ dự tuyển của các ứng viên, nhằm tìm ra người phù hợp.

Đơn cử, tại Trường THPT Linh Trung (quận Thủ Đức), cô Nguyễn Thị Ngọc Diệp, một thành viên trong hội đồng xét tuyển của trường này cho biết, đơn vị mới hoạt động từ năm học 2018-2019. Do tuổi đời còn khá non trẻ nên việc được trực tiếp tham gia hội đồng xét tuyển, giúp đơn vị chủ động hơn trong việc tìm kiếm các ứng viên có kinh nghiệm, phù hợp thực tế giảng dạy và mục tiêu phát triển của nhà trường.

Năm học 2020-2021, toàn thành phố cần tuyển 495 giáo viên, nhân viên để bổ sung nhân sự cho các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên và đơn vị trực thuộc. Trên tổng số hơn 1.300 hồ sơ đăng ký, hội đồng xét tuyển đã chọn ra 1.186 hồ sơ đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia vòng thi thực hành kiểm tra năng lực chuyên môn và nghiệp vụ. Nhìn chung, năm nay hồ sơ của ứng viên tập trung đông ở các môn như Toán, Vật lý, Hóa học. Hai môn tiếng Anh và Tin học tiếp tục diễn ra tình trạng khan hiếm ứng viên. Ngoài ra, tỷ lệ chọi giữa các đơn vị xét tuyển khá chênh lệch, phân bổ số lượng lớn hồ sơ tại các trường ở khu vực nội thành. Dự kiến kết quả xét tuyển sẽ được công bố vào ngày 24-8.

THU TÂM

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/doi-moi-viec-tuyen-dung-giao-vien-680734.html