Đổi mới về trật tự giao thông - đô thị các vùng ven đô

Mệnh lệnh 02 của Giám đốc CATP Hà Nội về tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông - trật tự đô thị (TTATGT - TTĐT) trên địa bàn toàn thành phố không chỉ được triển khai sâu rộng ở các quận nội thành mà đã lan tỏa mạnh mẽ ở các huyện ngoại thành với những giải pháp mang tính đồng bộ, phù hợp đặc thù từng địa bàn.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo ANTĐ, sau 2 tuần triển khai thực hiện Mệnh lệnh 02, TTATGT - TTĐT tại các địa bàn ngoại thành Hà Nội đã chuyển biến tích cực, với sự tham gia trách nhiệm của chính quyền cơ sở.

CAH Thạch Thất tuyên truyền nhắc nhở người dân không bày bán hàng hóa dưới lòng đường

Vượt lên áp lực từ địa bàn ngoại thành

Điều dễ nhận thấy là việc triển khai thực hiện Mệnh lệnh 02 ở từng huyện ngoại thành Hà Nội như Thạch Thất, Quốc Oai, Thường Tín, Ba Vì, Sóc Sơn... khá linh hoạt, bám sát thực tế địa bàn. Tại các huyện này, ngoại trừ những khu vực trung tâm, còn lại hầu hết hạ tầng cơ sở đều không có vỉa hè. Không chịu nhiều áp lực về TTĐT, song TTATGT lại luôn là vấn đề không hề đơn giản, bởi ý thức của nhiều người dân chưa được tốt. Từ thực tế ấy, lực lượng Công an cơ sở đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền có kế hoạch chỉ đạo các ngành, đoàn thể cùng vào cuộc đảm bảo TTATGT - TTĐT theo đúng tinh thần của Mệnh lệnh 02.

Tại huyện Thạch Thất, Ban Chỉ huy CAH đã tham mưu với chính quyền địa phương chỉ đạo hệ thống chính trị cơ sở vào cuộc cùng lực lượng Công an để tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý các trường hợp kinh doanh tại “chợ cóc” như khu vực thị trấn Liên Quan, dọc trục đường 84, đường TL419; tập trung giải tỏa “chợ cóc” gần cổng Bệnh viện huyện Thạch Thất (thuộc xã Kim Quan). Hàng ngày, loa truyền thanh của UBND các xã phát thông báo, tuyên truyền các nội dung của Mệnh lệnh 02 đến từng thôn, xóm.

“Vỉa hè tại địa bàn huyện Thanh Trì đã bước đầu được trả lại cho người đi bộ. Đó là kết quả từ trách nhiệm, sự kiên quyết, kiên trì của lực lượng chức năng và ngược lại, sự chấp hành của người dân cho thấy họ thấu hiểu trách nhiệm về TTĐT đều phải xuất phát từ ý thức, vì lợi ích chung”.

Ông Nguyễn Tiến Cường (Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì, Hà Nội)

“Nhiều người dân mang mớ rau, con cá ra đường bán mà không hiểu được quy định của pháp luật về giữ gìn TTATGT - TTĐT. Chính vì vậy, chúng tôi xác định chú trọng công tác tuyên truyền trên tinh thần mưa dầm, thấm lâu. Các Tổ công tác của CAH sẽ thường xuyên bám sát địa bàn, phối hợp với các ban Công an xã đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành quy định”, Đại tá Trần Quang Huy, Trưởng CAH Thạch Thất chia sẻ và cho biết, sau 15 ngày đầu thực hiện Mệnh lệnh 02, CAH đã lập biên bản 23 trường hợp vi phạm TTATGT - TTĐT, xử lý 1 trường hợp đổ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định; thường xuyên duy trì 5 chốt chỉ huy, điều khiển giao thông tại các tuyến, địa bàn trọng điểm…

Tại địa bàn huyện Thường Tín, Trung tá Tạ Quang Vinh, Phó Đội trưởng CSGT - CAH cho biết, ngoài kế hoạch của CAH triển khai Mệnh lệnh 02, lãnh đạo huyện đã gửi thư ngỏ tới các hộ dân, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn, kêu gọi mọi người chung tay giữ gìn TTĐT, vệ sinh môi trường, góp phần xây dựng Thủ đô văn minh. Trên cơ sở đó, các xã, thị trấn đã tổ chức để các hộ dân ký cam kết tự giác chấp hành TTATGT - TTĐT; những hộ vi phạm phải khắc phục hậu quả, trả lại nguyên trạng thông thoáng hè đường. Cá nhân, tổ chức nào không tự giác, lực lượng chức năng sẽ xử lý và thông báo công khai tại địa bàn dân cư. Nhờ sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền cơ sở và sự đồng thuận của người dân, diện mạo đô thị huyện Thường Tín, nhất là trung tâm thị trấn, đã có chuyển biến tích cực.

Tại huyện Đông Anh, ghi nhận cách làm của chính quyền cơ sở là việc duy trì bền bỉ tiêu chí “4 không”, gồm: không rác thải; không mái che, mái vẩy, bục bệ, quảng cáo rao vặt; không lấn chiếm, sử dụng vỉa hè sai quy định; không để xe sai quy định.

Người dân tại các tuyến đường 84, Quốc lộ 32 ký cam kết không vi phạm trật tự đô thị

Kiên trì vận động, quyết liệt xử lý

Khó khăn của hầu hết các địa bàn tuyến huyện là phần lớn cư dân xuất thân nông nghiệp, ý thức giữ gìn văn minh đô thị chưa cao. Thế nhưng điều đó càng khiến lực lượng chức năng không ngại khó mà ngược lại, càng phải làm tốt hơn.

Theo Đại tá Nguyễn Thế Hùng, Trưởng CAH Thanh Trì, những ngày đầu thực hiện Mệnh lệnh 02, lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn bởi nhận thức, ý thức của nhiều người dân chưa đầy đủ. Thậm chí, có trường hợp phản ứng khi lực lượng chức năng làm nhiệm vụ và đưa ra nhiều lý do như việc mưu sinh vất vả, thuê cửa hàng đắt đỏ, rồi trách lực lượng chức năng làm nghiêm khiến họ giảm doanh thu.

Cả trăm lý do được người dân đưa ra mỗi khi bị xử lý vi phạm, song lực lượng chức năng vẫn kiên trì giải thích, vận động bà con hiểu, chấp hành và đề nghị chung tay thực hiện để đô thị đẹp, thông thoáng hơn.

Theo ghi nhận của phóng viên, cho đến thời điểm này, vỉa hè, lòng đường tại địa bàn huyện Thanh Trì đã bước đầu được trả lại cho người đi bộ. Ông Nguyễn Tiến Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì nhìn nhận, đó là kết quả từ trách nhiệm, sự kiên quyết, kiên trì của lực lượng chức năng và ngược lại, sự chấp hành của người dân cho thấy họ thấu hiểu trách nhiệm về TTĐT đều phải xuất phát từ ý thức, vì lợi ích chung.

Vận động và tranh thủ sự đồng thuận của người dân trong thực hiện Mệnh lệnh 02 là cách làm của huyện Đan Phượng. Những ngày này, dọc tuyến Quốc lộ 32 khu vực thị trấn Phùng, nhiều bậc tam cấp đã được cắt chỉnh gọn gàng. Nhưng trước đó, lực lượng chức năng đã thông báo rõ chủ trương để người dân chủ động tự tháo dỡ. “Đúng quy định, song điều quan trọng chúng tôi xác định khi làm nhiệm vụ là phải hết sức linh hoạt, làm sao để người dân thấy được mục đích cao nhất là đường phố thông thoáng, phong quang, trật tự. Sau khi vỉa hè thông, đường thoáng, lực lượng chức năng bàn giao hiện trạng “sạch đẹp, thông thoáng” cho các xã, đồng thời phân công lực lượng giám sát. Nếu địa bàn nào tái phạm sẽ có biện pháp xử lý, quy trách nhiệm cho người đứng đầu”, chỉ huy CAH Đan Phượng nêu rõ.

Mỗi cách làm, mỗi quyết tâm và mỗi một nhận thức đúng, thật trách nhiệm đối với công tác đảm bảo TTATGT - TTĐT, đó là điều kiện cần và đủ để Mệnh lệnh 02 đạt hiệu quả cao nhất. Những điều kiện ấy đang từng bước định hình ở nhiều địa bàn ngoại thành.

“Nhiều người dân mang mớ rau, con cá ra đường bán mà không hiểu được quy định của pháp luật về giữ gìn TTATGT - TTĐT. Chính vì vậy, chúng tôi xác định chú trọng công tác tuyên truyền trên tinh thần mưa dầm, thấm lâu. Các tổ công tác của CAH sẽ thường xuyên bám sát địa bàn, phối hợp với các ban Công an xã đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành quy định”.

Đại tá Trần Quang Huy (Trưởng CAH Thạch Thất, Hà Nội)

Linh Nhi

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/doi-moi-ve-trat-tu-giao-thong-do-thi-cac-vung-ven-do/764271.antd