Đổi mới tuyển sinh lớp 10: Sẽ công bố đề minh họa trong tháng 9

Trước những lo lắng của phụ huynh về sự thay đổi trong đề thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM trên Báo Thanh Niên ra ngày 29.8, lãnh đạo Sở GD-ĐT khẳng định các câu hỏi tích hợp kiến thức sẽ đơn giản, không phức tạp, không đánh đố và học sinh không phải học thêm.

Thí sinh lớp 9 dự thi vào lớp 10 năm học 2016 - 2017 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Một phụ huynh có con học lớp 9 Trường THCS Nguyễn Văn Tố (Q.10) lo ngại học sinh (HS) không được học, rèn luyện các dạng câu hỏi mới trong trường. Một phụ huynh tại Q.3 đặt vấn đề: “Con tôi có phải đi học thêm các môn lý, hóa, sinh để đáp ứng đề thi môn toán không?”. Còn nhóm HS lớp 9 của Trường THCS Colette (Q.3) khi nghe những thông tin này liền nói: “Sở công bố sớm cấu trúc đề và các câu hỏi minh họa để chúng con biết và chuẩn bị các kiến thức ôn tập”.

Trường lên kế hoạch thay đổi cách học

Trước thông tin năm học tới sẽ có những thay đổi về phương pháp học, cấu trúc, kiến thức xuất hiện trong đề thi lớp 10, ông Vũ Vạn Xuân, Phó hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3), cho biết: “Ngay sau khi nhận được văn bản chỉ đạo và kế hoạch năm học từ Sở GD-ĐT, trường sẽ có kế hoạch để chuẩn bị cho những thay đổi”.

Còn ông Hoàng Long Trọng, giáo viên (GV) môn ngữ văn Trường THCS Văn Lang (Q.1), cho rằng: “Việc đổi mới đề thi lớp 10 theo định hướng tăng cường tính ứng dụng thực tiễn và tích hợp kiến thức liên môn sẽ giúp HS có cái nhìn rộng hơn về một vấn đề, không gò bó trong khuôn khổ một môn học. Vì vậy, trong quá trình dạy GV cần chú trọng giúp HS liên hệ, áp dụng kiến thức được học vào thực tiễn cuộc sống hoặc biết liên hệ với kiến thức ở bộ môn khác, làm phong phú thêm hiểu biết của mình”. Cũng theo ông Trọng, việc liên hệ với thực tế hoặc tích hợp với môn học khác đã được Sở triển khai trong một số năm gần đây như: cho một vấn đề thực tế để HS tính toán trong môn toán học. Hay ở mỗi đề văn lại có phần yêu cầu liên hệ với thực tế đời sống… Tuy nhiên, tính liên hệ hay tính tích hợp chưa thể hiện thật rõ trong đề thi. Vậy trách nhiệm của GV trước những thay đổi lần này là đầu tư vào bài giảng để kích thích sự hứng thú, tích cực của HS trong quá trình học và làm bài thi.

Ông Trọng cũng nêu ý kiến: “Đổi mới như định hướng của Sở là tích cực, phù hợp với chương trình mới của Bộ, với xu hướng phát triển. Nhưng để GV, HS an lòng, không hoang mang thì Sở nên có những định hướng rõ ràng hơn và có những kiểu đề mẫu sớm”.

Một GV tại Q.Tân Phú cho biết tất cả các bài học hiện nay đều có thể mở rộng, liên hệ thực tiễn, tức là trong quá trình dạy không phải đi sâu nhưng vẫn có những tích hợp kiến thức. Do vậy, sự đổi mới về đề thi sẽ không gây xáo trộn với những GV tích cực, đam mê bồi đắp kiến thức cho bài giảng, mang lại sự hứng thú cho HS. Còn với người dạy giữ nguyên thói quen, dạy đúng phân môn thì đây cũng là dịp đổi mới chính mình để cung cấp kiến thức tốt nhất cho HS.

Để tạo sự chủ động cho các trường THCS, ông Dương Bửu Lộc, chuyên viên môn toán Phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: “Ngày 12.9, trong buổi họp chuyên môn đầu năm với khối THCS, Sở sẽ công bố cấu trúc đề thi minh họa vào lớp 10. Đề thi sẽ chia làm nhiều câu hỏi nhỏ, gồm kiến thức được tích hợp của nhiều môn. Việc phổ biến cấu trúc đề thi minh họa ngay từ đầu năm học sẽ giúp các trường chủ động trong việc lập kế hoạch học và ôn tập phù hợp”. Còn theo ông Phạm Ngọc Tiến, Phó phòng Trung học, tiếp sau môn toán ngày 13.9 sẽ công bố cấu trúc, đề minh họa kỳ thi vào lớp 10 môn ngữ văn. Môn tiếng Anh cũng sẽ công bố trong thời gian này.

Không gây áp lực, không phải học thêm

Người phụ trách Hội đồng biên soạn đề thi của Sở GD-ĐT cho biết sẽ có GV của các bộ môn tham gia hội đồng để đảm bảo nội dung đề thi thực hiện theo đúng chuyên môn, kiến thức kỹ năng cần có của HS lớp 9. Lãnh đạo Sở khẳng định, không gây áp lực cho HS, không tạo điều kiện cho dạy thêm - học thêm trái quy định nên phụ huynh không phải lo lắng, hốt hoảng. HS không cần học thêm các môn khác. Đề thi sẽ có các bài toán vận dụng đơn giản, nhẹ nhàng, không có công thức phức tạp, khó nhớ. Kiến thức trên lớp hoàn toàn đủ để thi, không cần luyện tính toán các bài lý, hóa, sinh.

Người phụ trách biên soạn đề thi của Sở đưa ra một ví dụ cho câu hỏi tích hợp kiến thức. Chẳng hạn, trong gia đình có người bị tiêu chảy, nhưng gấp rút không thể chạy đi mua thuốc được nên cần pha 300 ml nước giúp chống mất nước thì cần tỷ lệ đường và muối như thế nào? Với câu hỏi này, HS chỉ cần có kiến thức về tỷ lệ phần trăm nồng độ trong hóa học là có thể tìm ra đáp số.

Từ công bố của Sở về những thay đổi ở đề thi môn toán, GV Nguyễn Thanh Tịnh (Q.1) cho biết 50% kiến thức cơ bản chủ yếu là vận dụng giải bài toán biến đổi biểu thức đại số chứa căn bậc 2, định lý Viet, đồ thị và hàm số, bài toán hình học. Còn 30% kiến thức tích hợp liên môn sẽ là những dạng bài toán liên quan đến kiến thức vật lý bao gồm vận tốc quãng đường, tỷ số, phần trăm; hóa học là vận dụng giải hệ phương trình về nồng độ phần trăm; địa lý là tính tỷ lệ phân bố các nguồn lực lao động, tài nguyên khoáng sản, vẽ biểu đồ về sự tăng trưởng của các nền kinh tế. Hay có thể dùng kiến thức toán để giải bài tập về gien, di truyền, biến dị hoặc tính toán thống kê vẽ biểu đồ tăng dân nhập cư, phân bố lao động gắn với TP.HCM. Cũng không loại trừ các bài toán về xác suất thống kê có vẽ biểu đồ, các vấn đề của thực tế tại TP.HCM để từ đó đề xuất các giải pháp giải quyết các vấn đề xã hội.

Ông Tịnh cũng nói rằng đây là những dạng toán đều được học trong chương trình THCS, đặc biệt là lớp 9 và không phải khó, nhưng để đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi thì HS cần có sự chuẩn bị.

Bích Thanh - Lam Ngọc

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/doi-moi-tuyen-sinh-lop-10-se-cong-bo-de-minh-hoa-trong-thang-9-870576.html