Đổi mới tuyển sinh ĐH, CĐ: Tiếp tục xem xét các đề xuất mới

(HNM) - Theo Bộ GD-ĐT, tới nay, trong tổng số 400 trường ĐH, CĐ, đã có 31 trường có đề án tự chủ tuyển sinh gửi tới Bộ, trong đó có 15 đề án tương đối hoàn thiện đã được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến đóng góp. Theo lộ trình đổi mới thi cử, từ nay đến năm 2016, các trường phải hoàn thành đề án tự chủ tuyển sinh và đến năm 2017 không còn kỳ thi tuyển sinh "3 chung".

Đa dạng hóa hình thức tuyển sinh

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, trong các đề án tuyển sinh đưa ra, các trường đã đặt ra nhiều phương án. Có phương án vừa thi, vừa xét tuyển và sử dụng kết quả học tập THPT. Điều đáng chú ý là các trường đều xác định "ngưỡng tối thiểu" về kiến thức đối với thí sinh.

Kỳ thi năm 2014, nhiều trường đại học sẽ được tự chủ tuyển sinh.Ảnh: Viết Thành

Đánh giá ưu điểm của phương án tuyển sinh có thêm vòng sơ tuyển, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, quy trình tổ chức sơ tuyển của trường giúp giảm tỷ lệ thí sinh ảo, giảm số lượng thí sinh tới trường dự thi, giúp nhà trường tổ chức kỳ thi gọn nhẹ và hiệu quả hơn, đồng thời giảm đáng kể áp lực và chi phí cho một số lượng lớn thí sinh. Việc tổ chức cho thí sinh đăng ký sơ tuyển qua mạng cũng là cải tiến theo hướng đơn giản hóa thủ tục và giảm thiểu sai sót dữ liệu nhờ tận dụng triệt để thế mạnh của công nghệ thông tin. Phương thức xét tuyển theo nhóm ngành (phân ngành sau năm thứ nhất) giúp thí sinh giảm nhẹ rủi ro chọn ngành sai, đồng thời tăng cơ hội trúng tuyển (chênh lệch điểm chuẩn giữa các nhóm ngành không quá lớn). Trường tạo điều kiện cho thí sinh đăng ký các nguyện vọng bổ sung trước kỳ thi bên cạnh nguyện vọng chính theo hồ sơ đăng ký dự thi cũng giúp tăng cơ hội trúng tuyển vào trường cho các em, giảm rủi ro khi phải nộp hồ sơ đăng ký nguyện vọng bổ sung vào các trường khác sau này.

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, việc mở rộng hình thức xét tuyển cho một số ngành như trong phương án đã công bố giúp thu hút được nhiều thí sinh hơn. Việc đa dạng hóa hình thức tuyển sinh cũng phù hợp với đặc thù các ngành đào tạo, đánh giá được năng lực thí sinh toàn diện hơn. Hơn nữa, chất lượng nguồn tuyển được bảo đảm thông qua các yêu cầu về ngưỡng điểm xét tuyển, theo đó các đối tượng được đăng ký tham gia xét tuyển đã có yêu cầu cao hơn nhiều so với đối tượng học sinh tốt nghiệp THPT.

Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Mai Văn Trinh: Với đề án tuyển sinh của các trường, Bộ chỉ có chức năng xác nhận có phù hợp hay không, chứ không cấp phép, không phê duyệt. Lãnh đạo Bộ cho rằng, những nội dung quy định trong dự thảo quy định tự chủ tuyển sinh các trường ĐH, CĐ giúp thí sinh có nhiều cơ hội hơn trước. Các trường có những phương án tuyển sinh đa dạng, có thể không thi theo khối, không quy định bắt buộc các môn, có thể là thi một môn kết hợp phỏng vấn… Thí sinh cũng có nhiều cơ hội hơn với đề thi phong phú, không bỏ sót thí sinh có năng lực phù hợp.

Những đề xuất mới

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng cho biết, trong quá trình lấy ý kiến về đổi mới tuyển sinh ĐH, CĐ, ngoài các ý kiến đồng thuận theo dự thảo đề án của Bộ, còn có 3 vấn đề được dư luận nêu ra Bộ thấy nên tiếp tục nghiên cứu. Thứ nhất là ý kiến cho rằng, với kỳ thi "3 chung" năm 2014, Bộ nên xem xét việc xác định điểm sàn phù hợp hơn, nghiên cứu các tiêu chí khác thay thế cho điểm sàn mềm dẻo hơn nhưng vẫn bảo đảm chất lượng đầu vào. Thứ hai, theo quy định kỳ thi "3 chung" hiện nay, thí sinh đăng ký nguyện vọng dự thi vào các trường trước khi thi nên tính may rủi rất lớn, vậy nên chăng tổ chức kỳ thi chung trước rồi sau khi có kết quả, thí sinh mới đăng ký xét tuyển vào các trường phù hợp? Thứ ba là băn khoăn: Có nên nhập hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ làm một kỳ thi. Khi đó, đề thi sẽ có một số lượng câu hỏi mang tính chất cơ bản, để xét tốt nghiệp THPT và những câu hỏi nâng cao để phân loại thí sinh xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Về việc nhập kỳ thi, có ý kiến đề xuất, một số năm trước mắt tổ chức thi chung, có thể thi 4 bài: toán (và tư duy logic), khoa học xã hội (văn, sử, địa, giáo dục công dân), khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh, kỹ thuật) và ngoại ngữ (ở các thành phố khuyến khích thí sinh thi tiếng Anh theo TOEFL, IELTS, tiếng Pháp TCF hoặc DELF…). Về lâu dài hướng tới việc tổ chức kỳ thi kiểu SAT của Mỹ. Có nghĩa là tất cả các môn học ở cấp học THPT sẽ được đưa vào một bài thi chung với các phần thi là các môn học.

Trong dự thảo quy định về tuyển sinh, Bộ đề ra lộ trình 3 năm để học sinh vào lớp 10 năm nay vẫn có thể thi "3 chung" sau 3 năm nữa. Học sinh học theo chương trình với cách dạy, học mới sẽ thích nghi với cách thi mới. Việc thay đổi như vậy sẽ tránh gây sốc cho thí sinh cũng như cho các trường có thời gian chuẩn bị. Bộ đã thành lập hai Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục ở ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP Hồ Chí Minh với nhiệm vụ triển khai hình thức thi nói trên.

Tuy nhiên, ý kiến chung ghi nhận từ Bộ GD-ĐT cũng như các trường đều cho rằng, việc áp dụng hình thức thi này cũng cần phải có lộ trình sao cho việc đổi mới phải phù hợp với đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá. Từ nay đến trước ngày 10-3, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến phản hồi về các đề án tự chủ tuyển sinh trước khi công bố chính thức các cơ sở đạt yêu cầu của dự thảo.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Tuyen-sinh/661861/doi-moi-tuyen-sinh-dh-cd-tiep-tuc-xem-xet-cac-de-xuat-moi