Đổi mới tư duy, xóa bỏ rào cản, tạo đà cho kinh tế bứt phá

Theo PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ, việc Đảng bộ Hà Nội trăn trở cùng cả nước đổi mới tư duy tìm đường xây dựng, hình thành và phát triển kinh tế thị trường đã để lại nhiều kinh nghiệm quý, trong đó nổi bật là kinh nghiệm phải xuất phát từ hoạt động thực tiễn rộng lớn của nhân dân, vì nhân dân, từ thực tiễn cuộc sống mà tìm tòi nhận thức, hiểu biết, khám phá và sáng tạo.

90 năm hình thành và phát triển, Đảng bộ TP Hà Nội luôn nhận thức rõ trọng trách của mình với Đảng và dân tộc. Trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Đảng bộ Hà Nội đã lãnh đạo nhân dân lập nên nhiều thành tích nổi bật trong phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh cũng như công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; qua đó, nâng cao uy tín và vị thế của Thủ đô ở trong nước cũng như trên thế giới.

Không chỉ là trung tâm chính trị, hành chính của cả nước, Hà Nội còn là trung tâm kinh tế với tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh

Không chỉ là trung tâm chính trị, hành chính của cả nước, Hà Nội còn là trung tâm kinh tế với tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh

Trung tâm kinh tế năng động

Nhận định về vai trò của Đảng bộ TP Hà Nội trong phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản cho hay, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân Hà Nội luôn sẵn sàng vượt qua khó khăn, thách thức để đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển Thủ đô.

Từ năm 1986 đến nay, cùng với cả nước, Hà Nội luôn gương mẫu đi đầu trong sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Hà Nội sau gần 35 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử, kinh tế - xã hội từng bước tăng trưởng, vượt qua những thách thức của suy thoái kinh tế thế giới; tầm vóc Thủ đô đã đổi thay khá nhiều; chất lượng cuộc sống của nhân dân ngày càng được cải thiện; an ninh, quốc phòng được giữ vững; hội nhập quốc tế ngày được mở rộng.

Khẳng định vị thế Đảng bộ Hà Nội - một Đảng bộ vững mạnh trong sự nghiệp cách mạng của cả nước nói chung, trong phát triển kinh tế nói riêng, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ, trong thành tựu chung của cả nước, có sự đóng góp lớn của Thủ đô Hà Nội trên tất cả các phương diện.

Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị, hành chính của cả nước, mà còn là trung tâm kinh tế với tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa nhanh, có hiệu quả thúc đẩy kinh tế cả nước, thu ngân sách và tăng trưởng GDP, thương mại, dịch vụ và giao dịch quốc tế phát triển, thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Nhấn mạnh vào cuộc chuyển mình 10 năm của kinh tế Thủ đô, PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hà phân tích, thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, từ năm 2008 đến nay, Hà Nội đã có sự phát triển vượt bậc, toàn diện về tất cả các lĩnh vực. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng với tốc độ khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Giai đoạn 2008-2017, kinh tế Thủ đô phát triển ổn định ở mức cao và đạt mức tăng trưởng cao. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân 7,41%/năm (dự kiến bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 8,54%).

Năm 2018, GRDP tăng 7,61% với quy mô 906,5 nghìn tỷ đồng (theo giá hiện hành và cách tính mới), cao hơn mức bình quân chung cả nước (7,08%). GRDP bình quân đầu người đạt 116 triệu đồng, tương đương 3.043USD (gấp 2,5 lần so với 46,95 triệu đồng/người vào năm 2010).

Hơn nữa, Hà Nội đang tận dụng tối đa cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chú trọng phát triển kinh tế tri thức, tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao để nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh kinh tế Thủ đô…

Đổi mới là sự lựa chọn đúng đắn

Theo PGS, TS. Nguyễn Chí Mỳ, quay trở lại thời điểm cách đây hơn 40 năm, quán triệt quan điểm "cho sản xuất bung ra" từ Hội nghị Trung ương 6 khóa IV năm 1979 của Đảng, Thành ủy Hà Nội đã kiên trì phong trào trong toàn Đảng bộ, các cấp, các ngành, các đơn vị sản xuất kinh doanh tiếp tục tìm tòi, phát huy sáng kiến, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.

Giai cấp công nhân Thủ đô đi đầu thực hiện "kế hoạch 3 phần", các xí nghiệp đã tự cân đối vật tư, nguyên liệu từ nguồn cấp theo kế hoạch sản xuất chính, nguồn tự khai thác, nguồn qua liên kết, liên doanh với các bộ, ngành, địa phương bạn. Sự năng động, sáng tạo đó đã góp phần ngăn chặn đà giảm sút của công nghiệp. Từ năm 1982, công nghiệp Hà Nội bắt đầu có chiều hướng đi lên. Trong việc thử nghiệm, tìm tòi theo hướng kinh tế thị trường, ở Thủ đô đã xuất hiện những nhân tố mới như: Điện cơ Thống nhất, X40, In Tiến bộ, Giầy da Hà Nội...

Cũng theo PGS, TS. Nguyễn Chí Mỳ, việc Đảng bộ Hà Nội trăn trở cùng cả nước đổi mới tư duy tìm đường xây dựng, hình thành và phát triển kinh tế thị trường đã để lại nhiều kinh nghiệm quý, trong đó nổi trội là kinh nghiệm phải xuất phát từ hoạt động thực tiễn rộng lớn của nhân dân, vì nhân dân, từ thực tiễn cuộc sống mà tìm tòi nhận thức, hiểu biết, khám phá và sáng tạo.

“Nếu không có sự dũng cảm, không có cái tâm, vì dân, vì nước cùng với cái đầu tỉnh táo và tinh thần trách nhiệm cao, chắc chắn không dám đột phá vào kinh tế thị trường, từ bỏ cơ chế bao cấp (quan liêu) sang cơ chế kinh tế thị trường theo định hướng XHCN; không dám chấp nhận hiện tượng bóc lột, làm thuê, quan hệ tư bản, đảng viên được làm kinh tế tư nhân (có điều kiện)… Kinh nghiệm ấy hôm nay vẫn đang giữ nguyên giá trị khi chúng ta đang đứng trước tình hình mới của thế giới và trong nước” - PGS, TS. Nguyễn Chí Mỳ phân tích.

P.V

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/doi-moi-tu-duy-xoa-bo-rao-can-tao-da-cho-kinh-te-but-pha/846344.antd