Đổi mới tư duy quản trị

Cải cách, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là phải thay đổi hẳn tư duy quản trị doanh nghiệp thì mới hiệu quả, bền vững. Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia tại cuộc tọa đàm 'Nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, minh bạch thông tin, đổi mới quản trị', do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, sáng 18/9.

Các vị chủ trì buổi tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh.

Chậm cổ phần hóa vì sao?

Báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính về tiến trình cổ phần hóa (CPH), thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cho biết, trong 8 tháng đầu năm, có 10 DN được phê duyệt phương án CPH gồm 9 DNNN và 1 đơn vị sự nghiệp. Tổng giá trị DN là 29.524 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 15.271 tỷ đồng. Các tập đoàn, tổng công ty các DN đã thoái được 3.772 tỷ đồng, thu về 9.140 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng số DN phải hoàn thành CPH trong năm nay lên tới 85 DN. Như vậy, để hoàn thành mục tiêu đề ra đối với CPH DNNN từ nay đến cuối năm là khá nặng nề.

Lý giải vì sao CPH DNNN còn chậm, ông Đặng Quyết Tiến- Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính nhận định, hiện có một số vấn đề lớn ảnh hưởng đến tiến độ CPH. Trong đó có nguyên nhân từ tổ chức thực hiện và quyết tâm thay đổi nhận thức của người đứng đầu DN vẫn chưa đạt được một số kết quả. Thứ nhất là tính kỷ luật chấp hành chỉ đạo của cấp trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chưa được thực hiện nghiêm. Thứ hai là còn sự nhận thức e ngại trong việc thực hiện thực chất đổi mới khi CPH “bình mới, rượu mới”; tâm lý sợ mất vị trí, vai trò sau CPH; tư tưởng yên vị vẫn còn đã và đang kìm hãm tiến độ đổi mới. Thứ ba là tư tưởng né tránh trách nhiệm, sợ va chạm nên chưa làm quyết liệt, mạnh mẽ khi thực hiện quy trình mới chặt chẽ, công khai minh bạch, rõ ràng hơn và phải có nhiều bước đi hơn gắn với trách nhiệm cá nhân người đứng đầu DN, cơ quan.

“DNNN chậm CPH vì còn luyến tiếc”- TS Phùng Văn Hùng, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định. Theo ông Hùng, tiến độ CPH chậm lại phải cần quyết tâm cao không chỉ của Nhà nước mà DN người ta có quyết liệt không? Khi từ bỏ quyền hạn của mình với DN mình từng làm chủ trong thâm tâm chắc còn trở ngại, luyến tiếc. “Vấn đề là chúng ta đã từng phê bình, kiểm điểm, khiển trách ai chưa quyết liệt trong CPH chưa?”- ông Hùng đặt câu hỏi.

Minh bạch thông tin, thay đổi cách quản trị

Để CPH có hiệu quả, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ- nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng: Nhiều DNNN làm ăn hiệu quả thấp nhưng có khối tài sản lớn là đất đai nên có sức hấp dẫn. Vấn đề làm sao để DN tin tưởng vào môi trường kinh doanh của nước ta, để DN tin rằng, nếu tiếp cận công ty đó với cách quản trị mới DNNN này sẽ phát triển. Theo đó, CPH là con đường đúng đắn để nâng cao hiệu quả quản trị của DNNN. Vì vậy, cần đẩy nhanh tiến độ CPH, tái cấu trúc DN. Không tái cơ cấu, khó thoát ra khỏi tình hình khó khăn. Muốn tăng trưởng bền vững thì phải dựa vào tái cơ cấu, trong đó có tái cơ cấu DNNN.

Muốn đẩy nhanh CPH, theo ông Đặng Quyết Tiến, phải minh bạch thông tin mới kéo nhà đầu tư vào khu vực này. Nếu đất đai của DNNN ở vị trí đắc địa mà không làm gì thì lãng phí. Theo đó, cần sắp xếp tài sản đất đai, định giá cho đúng, nếu DN hoạt động không hiệu quả thì trả lại để giao tài sản này cho cơ quan hoạt động có hiệu quả. “Trước đây chúng ta cứ CPH ào ào, không thể lấy đất để tạo ra giá trị gia tăng của cổ phiếu được. Do đó, cần mời chuyên gia tư vấn vào, định giá cả đất đai, minh bạch thông tin. Cần làm rõ rằng DN anh có lãi là do cho thuê đất chứ không phải là sản xuất kinh doanh như vậy làm ăn chưa chắc đã hiệu quả”- ông Tiến nói.

Trả lời câu hỏi nhà đầu tư nào sẽ được lựa chọn đế kế nghiệp DNNN CPH, ông Tiến cho hay, sẽ ưu tiên cho DN công nghệ, tìm cổ đông cùng chia sẻ công nghệ, để quản lý tốt hơn. Phải chú trọng chọn nhà đầu tư có năng lực thực sự chứ không chọn nhà đầu tư cơ hội, chỉ nhìn vào lợi thế đất đai.

Theo ông Phùng Văn Hùng, đất đai là lợi thế lớn, việc xác định đất ấy tham gia thế nào sau CPH cần công khai minh bạch. Nhà đầu tư chân chính rất cần điều này. Nhà nước cần có cơ chế tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư sãn sàng bỏ vốn vào, Chính sách hỗ trợ phải phù hợp thị trường, quá trình hội nhập.

12 dự án yếu kém của ngành công thương thế nào?

Về xử lý 12 DN yếu kém của ngành công thương ra sao, ông Đặng Quyết Tiến thông tin: Sau hơn 1 năm xử lý 12 DN ngành công thương yếu kém, có 4 dự án đã hoạt động, sản xuất trở lại. 6 nhà máy thua lỗ cơ cấu lại và đã có 2 DN có lãi. 4 dự án vẫn còn lỗ nhưng lỗ đã giảm so với trước. 3 dự án dừng hoạt động đã khởi động lại. 3 dự án dỡ dang đã khởi động lại, trong đó có dự án phải bán thu hồi vốn, tìm nhà đầu tư để mua lại chứ nhà nước không tiếp tục bỏ vốn vào. Đối với dự án không khởi động lại, không bán được sẽ phải chấp nhận phá sản.

Về giải pháp xử lý với DNNN thua lỗ, kém hiệu quả ông Phùng Văn Hùng cho biết, cần có giải pháp căn cơ để tháo gỡ. Nếu vướng về pháp lý phải xử lý trước khi các giải pháp khác. Phải xác định giá của DN, quyền sử dụng đất, mối quan hệ tổng thầu, nếu chưa giải quyết được những mắc mớ này khó có nhà đầu tư nào dám nhận DN này khi phải đối mặt với một mớ pháp lý lùng bùng.

“DNNN làm ăn không hiệu quả phải bán cho người đủ năng lực quản lý vực dậy DN là đúng”- ông Lưu Bích Hồ nói. Nhưng nếu là bán cho DN tư nhân thì phải hoàn thiện pháp lý cho họ yên tâm làm. Nếu tư nhân là nước ngoài thì xem có ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia hay không để có những cân nhắc đúng đắn nhất.

“Nếu CPH không thay đổi về chất, tức là vẫn duy trì bộ máy cũ, cách quản lý cũ, không đổi mới về quản trị, không công khai minh bạch thì sẽ khó phát triển. Do đó, CPH phải là làm quyết liệt, triệt để thay đổi toàn bộ về lượng và chất, thực sự là “bình mới, rượu mới” thì mới đem lại sự hiệu quả.

Muốn vậy cần có sự giám sát, kiểm tra, công khai minh bạch, trước trong sau CPH. Đặc biệt, sau CPH cần kiên quyết hoạt động theo cơ chế thị trường thì mới đem lại giá trị gia tăng lớn”- ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp nói.

Nguyên Khánh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/kinh-te/doi-moi-tu-duy-quan-tri-tintuc416092