Đổi mới truyền thông về BHXH, BHYT

Đây là một trong những điểm nhấn tại hội thảo với chủ đề 'Báo chí truyền thông chính sách BHXH, BHYT trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0' do Tạp chí Người làm báo, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức mới đây.

Có thể thấy những năm qua, BHXH, BHYT luôn là đề tài phong phú, đa dạng để báo chí sáng tạo nhiều tác phẩm sinh động, từng bước nâng cao nhận thức, hiểu biết chia sẻ và tạo sự đồng thuận của xã hội đối với các chính sách lớn về BHXH nói chung, góp phần củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào hệ thống chính sách an sinh xã hội.

Đánh giá vai trò của truyền thông đối với chính sách BHXH, BHYT ông Đào Việt Ánh- Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam khẳng định, trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp 4.0, BHXH Việt Nam xác định chiến lược trọng tâm tiếp tục đổi mới, hiện đại hóa công tác quản lý BHXH, BHYT, BHTN, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các quy trình, thủ tục tham gia BHXH, BHYT, BHTN để doanh nghiệp, người dân tiếp cận nhanh chóng, thuận tiện các dịch vụ này và giảm số thời gian phải thực hiện các thủ tục, giao dịch của doanh nghiệp. Tuy nhiên, phát triển BHXH, BHYT cũng đang đặt ra những yêu cầu mới với công tác truyền thông, đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa, nâng cao nhận thức cho người dân, qua đó tăng diện bao phủ, nhất là với BHXH. Nhất là trong bối cảnh mạng xã hội ngày càng phát triển, công tác truyền thông nói chung và truyền thông về BHXH, BHYT đòi hỏi phải có sự đổi mới về cách thức quản lý, kênh, nội dung thông điệp truyền thông theo hướng đa dạng, đa chiều, thường xuyên liên tục, tiếp cận các nhóm công chúng hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, những chủ trương mới tại Nghị quyết 28 – NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH là một bước tiến dài, đưa chính sách BHXH của Việt Nam tiếp cận đến các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế về an sinh xã hội.

“Do vậy BHXH Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành của các cơ quan báo chí trong công tác truyền thông, đưa nghị quyết và những chính sách BHXH, BHYT đi vào cuộc sống. Trong đó, chú trọng việc đổi mới mạnh mẽ hình thức tuyên truyền, các thông điệp truyền thông bám sát những nội dung chủ đạo của nghị quyết, hướng tới từng nhóm đối tượng cụ thể, góp phần hoàn thành mục tiêu BHXH toàn dân mà nghị quyết đã đề ra” - ông Đào Việt Ánh đề xuất.

Nhấn mạnh mối quan hệ giữa những người làm báo và người làm công tác BHXH, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, có rất nhiều vấn đề mới và khó liên quan đến an sinh xã hội đang đặt ra cấp thiết. Trong đó cần làm rõ hơn cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng và hoàn thiện chiến lược, chính sách an sinh xã hội trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Chính vì vậy, đòi hỏi công tác truyền thông về BHXH, BHYT cần phải được đổi mới, sáng tạo, hiệu quả, nhằm đưa các chính sách đi vào cuộc sống. Sự chính xác, kịp thời, sắc sảo, thuyết phục, kể cả việc sử dụng các thuật ngữ chuyên môn liên quan đến BHXH, BHYT là hết sức cần thiết.

Cũng theo ông Hồ Quang Lợi, BHXH Việt Nam luôn phối hợp chặt chẽ để nâng cao hiệu quả tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về BHXH, BHYT. Tuy nhiên, một số tin, bài phản ánh trên báo chí thời gian qua chưa thực sự khách quan, gây hiệu ứng xã hội không tốt khiến một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ được tầm quan trọng của BHXH, BHYT. Do vậy công tác truyền thông về BHXH, BHYT cần phải được đổi mới, sáng tạo, hiệu quả, nhằm đưa ra các chính sách đi vào cuộc sống.

Đức Cường

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/xa-hoi/doi-moi-truyen-thong-ve-bhxh-bhyt-tintuc422299