Đổi mới tổ chức, nâng chất lượng cán bộ

Sáng 14-1, tại Hà Nội, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức Hội nghị lần thứ hai (khóa XII) dưới sự chủ trì của ông Bùi Văn Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Góp ý vào báo cáo kiểm điểm của tập thể Đoàn chủ tịch, bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, cho rằng từ thực tiễn cơ sở tại một địa bàn có số lượng đoàn viên rất lớn cho thấy sắp tới đây, việc đổi mới phương pháp điều hành của hệ thống Công đoàn (CĐ), không chỉ dừng lại ở nội dung công việc hay thông qua các văn bản mà cần phải thực sự đổi mới. Liên quan đến Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được Quốc hội phê chuẩn, bà Thúy cho biết có nhiều vấn đề mới cần được đặc biệt quan tâm, trong đó có chính sách đối với CĐ cơ sở và những nơi có người lao động (NLĐ) nhưng chưa xây dựng được tổ chức CĐ. "Vậy chính sách của chúng ta đối với hệ thống này như thế nào? Các quy định về tài chính, mức chi và những quy định dành cho NLĐ chúng ta sẽ sửa đổi như thế nào để nguồn lợi của tổ chức CĐ dành cho cơ sở nhiều hơn" - bà Thúy nói.

Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, phát biểu tại hội nghị

Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, phát biểu tại hội nghị

Theo ông Bùi Văn Cường, 2019 là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội XII CĐ Việt Nam; cũng là năm đầu tiên thực hiện CPTPP, do đó nhiệm vụ trọng tâm là triển khai các nghị quyết của Đại hội XII CĐ Việt Nam, trong đó trọng tâm là 3 khâu đột phá. Trong bối cảnh CPTPP có thêm tổ chức đại diện cho NLĐ thì CĐ Việt Nam cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về tổ chức. Ông Bùi Văn Cường nhấn mạnh phải thống nhất tư tưởng rằng khi thực hiện vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ đoàn viên và NLĐ thì mỗi cấp CĐ phải xác định rõ: làm gì, chăm lo những gì, bảo vệ thế nào.

Để thích ứng với CPTPP, bên cạnh việc nỗ lực đổi mới toàn diện, tổ chức CĐ đang tích cực tham gia sửa đổi Bộ Luật Lao động, trong đó có chương về tổ chức của NLĐ.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương - đánh giá cao nỗ lực cũng như những kết quả đạt được của tổ chức CĐ Việt Nam trong năm 2018, theo đó đã mở ra định hướng mới để thực hiện tốt việc đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Đề cập những thách thức khi Việt Nam tham gia CPTPP, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, hoạt động CĐ phải chuyên nghiệp. "Chuyên nghiệp là khi NLĐ cần gì thì ta hỗ trợ cái đó. Muốn vậy, phải trang bị trình độ, kỹ năng cho cán bộ CĐ; phải phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho từng cấp CĐ" - bà Mai nói.

Bà Trương Thị Mai cũng đề nghị tổ chức CĐ thực hiện tốt những cam kết liên quan đến lao động, CĐ khi Việt Nam tham gia hiệp định này, bởi bên cạnh những lợi ích, một trong những thách thức khi CPTPP có hiệu lực, thuế suất bằng 0 thì có khả năng một bộ phận doanh nghiệp sẽ thất bại ngay từ sân nhà khiến NLĐ mất việc làm, trở thành người nghèo; một bộ phận lao động cũng có thể bị o ép.

Bài và ảnh: Văn Duẩn

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/doi-moi-to-chuc-nang-chat-luong-can-bo-20190114214308987.htm