Đổi mới tín dụng sinh viên

Thực hiện Luật Giáo dục đại học sửa đổi, từ năm 2020 các trường đại học sau khi đủ điều kiện tự chủ sẽ xác định mức học phí trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Chuyển dịch từ cơ chế tài chính Nhà nước bao cấp sang người học chi trả là xu thế không thể đảo ngược, và theo lộ trình, học phí đại học trong thời gian tới tiếp tục tăng. Cân bằng mục tiêu, bảo đảm cơ hội được đi học cho người nghèo và chất lượng đào tạo là vấn đề lớn Việt Nam đang đối diện như phần lớn các nước phát triển gặp phải trước đây.

Một trong những giải pháp để cân bằng mục tiêu này là sự ra đời của chương trình tín dụng sinh viên. Hoạt động này ở Việt Nam được thực hiện từ năm 2004 và triển khai rộng rãi năm 2007 với Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Qua hơn 10 năm triển khai, chương trình đã cho hơn 3,5 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn, góp phần bảo đảm cơ hội học tập của những người có năng lực và nguyện vọng vào đại học.

chính sách nhân văn với những đóng góp đáng ghi nhận, nhưng khi đối diện với yêu cầu đổi mới nhanh chóng của giáo dục đại học, tín dụng sinh viên vẫn có độ trễ, thiếu linh hoạt. Chỉ tính riêng mức vay, số tiền cho vay tối đa được quy định áp dụng cho cả 3 năm học (từ 2016 - 2018) mà không có điều chỉnh, trong khi học phí đại học tăng đều qua các năm theo lộ trình được xác định. Gần đây nhất, với đề xuất của các Bộ GD&ĐT, Tài chính, cuối năm 2019, Chính phủ ban hành quyết định điều chỉnh mức cho vay lên 2,5 triệu đồng/sinh viên/tháng. Dù mức cho vay tăng hơn so với trước nhưng học phí cũng tăng cao và nhanh hơn nhiều, có nơi tăng 4 - 5 lần như thông tin mới đây của Trường ĐH Y Dược TPHCM.

Một trong những vướng mắc hiện nay là tín dụng sinh viên ở Việt Nam mới được xem xét trong phạm vi hẹp là chương trình tín dụng chính sách, chưa được định hướng trở thành tín dụng thương mại, chưa được nhìn nhận vai trò trong cải cách giáo dục đại học. Với mức vay thấp, học sinh nghèo muốn học đại học chỉ có thể lựa chọn trường/chương trình đại trà, học phí thấp nhất, khó có thể tiếp cận trường/chương trình chất lượng cao, học phí cao. Và như vậy, tín dụng sinh viên vẫn chưa thực sự giải quyết được bất bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục đại học giữa người giàu và người nghèo.

Để chương trình tín dụng sinh viên theo kịp đổi mới tự chủ đại học, cần thiết rà soát, sửa đổi một số nội dung khoản vay cho phù hợp hơn, cải thiện nguồn vốn cho chương trình, mở rộng đối tượng vay... Đặc biệt, để chương trình này không những thực hiện tốt vai trò xã hội mà còn là giải pháp cho cải cách tài chính giáo dục đại học, cần định hướng trở thành tín dụng thương mại trong tương lai, giảm dần vai trò tín dụng chính sách. Giải pháp xây dựng một chương trình tín dụng sinh viên tùy theo thu nhập (Income contingent loan - ICL) như các nước đã làm, với vốn vay nước ngoài cũng có thể xem xét, qua đó vừa giúp cải thiện chất lượng giáo dục đại học thông qua việc tăng học phí, mà vẫn bảo đảm sinh viên nghèo có thể chi trả học phí đã được vay tiền Nhà nước từ ICL.

Những thay đổi về mặt chính sách vĩ mô còn phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Quan trọng vào lúc này, các trường đại học phải nâng cao trách nhiệm xã hội, huy động nhiều nguồn hỗ trợ chia sẻ, đồng hành với sinh viên. Thời gian qua, ngoài chương trình tín dụng theo Quyết định 157, nhiều trường đã triển khai mô hình vốn vay học tập cho sinh viên một cách khá linh hoạt bằng chính nguồn lực tài chính của mình hoặc phối hợp với ngân hàng thương mại. Đây là những mô hình cần thiết được nhân rộng trong bối cảnh đẩy mạnh tự chủ, nâng cao chất lượng đại học nhưng vẫn phải bảo đảm cơ hội học tập của người nghèo.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/doi-moi-tin-dung-sinh-vien-20200610102637460.html