Đổi mới tạo động lực thúc đẩy phát triển

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập là một vấn đề lớn mà Đảng ta đã dày công suy nghĩ và có những tổng kết rất quý báu trong thực tiễn qua hơn 30 năm đổi mới. Đây là mắt xích xung yếu nhất trong đổi mới hệ thống chính trị nói chung dưới 2 lực đẩy quan trọng là kinh tế thị trường và dân chủ hóa.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan giải quyết khiếu nại đất đai của gia đình ông Trần Văn Thành, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh Ảnh: HOÀI NAM

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan giải quyết khiếu nại đất đai của gia đình ông Trần Văn Thành, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh Ảnh: HOÀI NAM

Đáp ứng ý nguyện, khát khao của nhân dân

Trong lý luận nghiên cứu đổi mới ở Việt Nam có một vấn đề hết sức quan trọng. Đó là để đổi mới xã hội thì trước hết phải đổi mới bản thân Đảng. Đổi mới Đảng để làm động lực thúc đẩy đổi mới toàn xã hội, vì Đảng là người khởi xướng đổi mới, là người trực tiếp chỉ đạo đổi mới, là người lãnh đạo công cuộc đổi mới này của toàn dân.

"Có tư tưởng, băn khoăn lo lắng là đổi mới Đảng có phải là thay bằng một đảng khác hay không? Hoàn toàn không, không bao giờ như vậy cả. Đổi mới Đảng không có nghĩa là xóa bỏ đảng này, lập một đảng khác. Không bao giờ.
Đây chỉ là đổi mới tư duy về Đảng lãnh đạo cầm quyền, đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo cầm quyền của Đảng. Đổi mới chính tổ chức, bộ máy và con người, cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng, để làm cho Đảng thực hiện tốt nhất sứ mệnh lịch sử vẻ vang mà nhân dân giao phó cho Đảng. Như thế, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng nằm trong nội dung xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng mạnh lên. Nói như đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: “Đảng phải trong sạch, vững mạnh để xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân”.
- GS-TS HOÀNG CHÍ BẢO

Đổi mới ở Việt Nam thành công như những năm qua là thành tựu rất to lớn và có ý nghĩa lịch sử như Đảng đã nói. Đó chính là sự kết hợp hài hòa giữa đổi mới từ trên xuống, với đổi mới từ dưới lên. Từ trên xuống tức là ở lãnh đạo Trung ương, mà đầu não là Trung ương Đảng, nơi hình thành các quyết sách đổi mới. Thể chế hóa Nhà nước thì nó ra chính sách và luật pháp. Còn đổi mới từ dưới lên là đáp ứng nguyện vọng, khát khao của dân chúng muốn được sống tốt hơn, dân chủ hơn và thực sự làm chủ hơn.

Đảng thấu hiểu lòng dân và Đảng chủ động đổi mới để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tức là của dân chúng. Và dân chúng cũng tin cậy ở Đảng, một lòng theo Đảng để tiếp nhận đường lối của Đảng. Nhân dân là người nhập cuộc rất sớm với đổi mới. Khi còn sống, Thủ tướng Phạm Văn Đồng có nói một câu rất sâu sắc là: “Đổi mới ở Việt Nam, đó là sự kết hợp hài hòa giữa ý Đảng, lòng dân và phép nước”. Sự kết hợp hài hòa này làm cho đổi mới trở nên nhịp nhàng, thực sự là sự nghiệp sáng tạo của quần chúng nhân dân do Đảng lãnh đạo. Điều này Bác Hồ cũng từng đề cập trong Di chúc: “Phải dựa vào dân, tập hợp lực lượng của dân thành phong trào, thành lực lượng để dân quyết định”.

Có thể nói, nhân dân có một vai trò là đồng tác giả của công cuộc đổi mới này. Thành công của đổi mới là của cả Đảng và dân. Nhân dân thực sự đóng vai trò là đồng tác giả của công trình đổi mới vĩ đại ở Việt Nam. Sáng kiến, sáng tạo của dân đã dẫn đến thành tựu đổi mới, cũng khẳng định rằng, tư tưởng đổi mới của Đảng là rất đúng đắn và hợp lòng dân.

Bác Hồ từng căn dặn: “Đảng không tồn tại vì chính mình, mà tồn tại vì dân tộc, vì nhân dân. Đảng không có lý do nào khác ngoài phấn đấu, đấu tranh cho quyền lợi của nhân dân, cho độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân”. Cho nên, đổi mới xã hội nói chung và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng nói riêng chính là đáp ứng cả yêu cầu khách quan của tình hình thực tiễn và yêu cầu của nhân dân. Đảng tự nhận thức để mà tự giác đổi mới.

Làm cho dân chủ trong Đảng tốt hơn

Thực tiễn chỉ ra rằng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là đổi mới về phương pháp, về cách thức, bắt đầu từ tư duy, từ quan điểm. Đổi mới phương thức, phương pháp, cách thức để làm cho tư tưởng, đường lối của Đảng đi vào cuộc sống gần hơn, tốt hơn và hiệu quả hơn. Nó hoàn toàn đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, của dân tộc và ý nguyện của nhân dân, chứ không phải là ý muốn chủ quan của Đảng. Đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng chính là hạt nhân, là cốt lõi của câu chuyện đổi mới toàn diện Đảng ta.

Có 2 luận điểm rất quan trọng cần phải nhắc lại. Một là, sự hài lòng của người dân phải coi là thước đo về năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, thước đo về năng lực, phẩm chất của cán bộ, đảng viên. Hai là lòng tin của nhân dân với Đảng, với chế độ phải coi là tài sản vô giá, phải được gìn giữ và phát huy. Khi dân gắn bó máu thịt với Đảng, Đảng gắn bó máu thịt với nhân dân, trách nhiệm cao nhất trước cuộc sống của nhân dân, Đảng ấy sẽ bền vững ngay trong lòng dân và bền vững trong sự ổn định chung của xã hội để phát triển.

Đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng lúc này là phải chú ý giải quyết những vấn đề cơ bản và cấp bách nhất, cả lâu dài lẫn trước mắt là phải làm cho dân chủ trong Đảng tốt hơn nữa. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh là thực hành dân chủ rộng rãi, trước hết trong Đảng, tạo động lực thúc đẩy quá trình dân chủ hóa xã hội, xây dựng cho được nền dân chủ xã hội của Việt Nam. Thực hành dân chủ trong Đảng gắn liền với nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, một nguyên tắc chính trị rất quan trọng, có thể coi là nguyên tắc cốt tử. Cho nên, Đảng phải bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là như vậy.

GS.TS HOÀNG CHÍ BẢO - nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương

HOÀI NAM ghi

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/doi-moi-tao-dong-luc-thuc-day-phat-trien-683714.html