Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước

LTS: Ngày 29-11-1991, tại Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII, đồng chí ĐỖ MƯỜI đã có bài phát biểu rất quan trọng với tiêu đề 'Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước'. Tưởng nhớ nguyên Tổng Bí thư ĐỖ MƯỜI, Báo Quân đội nhân dân xin trích đăng một phần bài phát biểu nói trên.

Trong thời gian qua, chúng ta đã từng bước đổi mới hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu đổi mới kinh tế-xã hội (KT-XH). Tình hình hiện nay đòi hỏi và cho phép chúng ta tiến hành đổi mới hệ thống chính trị một bước căn bản hơn, có hệ thống hơn, vững chắc hơn, làm sâu sắc thêm nội dung của quá trình đổi mới đồng bộ và toàn diện do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Đồng chí Phạm Văn Đồng và đồng chí Đỗ Mười chỉ đạo chống lụt tại Hải Dương, tháng 8-1971. Ảnh: VOV.

Để thực hiện bước đổi mới đó, tại kỳ họp này, Ban Chấp hành Trung ương sẽ cho ý kiến về sửa đổi Hiến pháp. Đó là công việc rất hệ trọng. Trước khi Trung ương thảo luận và sửa đổi Hiến pháp, thay mặt Bộ Chính trị, tôi xin trình bày một số vấn đề về quan điểm và phương hướng cơ bản cải cách một bước bộ máy Nhà nước và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước là hai vấn đề quan trọng nhất trong đổi mới hệ thống chính trị, cần được quán triệt khi sửa đổi Hiến pháp cũng như trong quá trình thực hiện Hiến pháp sửa đổi.

Từ sau Cách mạng Tháng Tám thành công, hệ thống chính trị mới ra đời, trong đó Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và sau đó là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam đã đóng vai trò lịch sử hết sức quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Từ đó đến nay và mãi mãi sau này, Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Sự ra đời của Nhà nước Việt Nam là kết quả của cuộc đấu tranh lâu dài đầy hy sinh, gian khổ của nhân dân ta, là thành quả cách mạng to lớn của dân tộc mà toàn dân ta phải quyết tâm bảo vệ.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, chúng ta đã đạt được một số tiến bộ trong đổi mới hệ thống chính trị, đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của bộ máy Nhà nước và sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, đáp ứng yêu cầu của cách mạng nước ta trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, đó mới chỉ là bước đầu; còn nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn phải được tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi và dần dần hoàn thiện. Trước yêu cầu đổi mới toàn diện của đất nước, mà trọng tâm là đổi mới về kinh tế, hệ thống chính trị đã bộc lộ nhiều khuyết điểm và nhược điểm; trong đó nhược điểm lớn nhất là bộ máy Đảng, Nhà nước và các đoàn thể nhân dân chưa thể hiện và thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân; chế độ trách nhiệm không rõ ràng, tổ chức rất cồng kềnh, cách làm việc thủ công, thiếu trật tự, kỷ cương và kém hiệu lực. Bệnh quan liêu, tệ tham nhũng khá phổ biến và nặng nề.

Vì vậy, cải cách bộ máy Nhà nước là một yêu cầu khách quan của công cuộc đổi mới, của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Sửa đổi Hiến pháp, cải cách bộ máy Nhà nước hoàn toàn không phải là thay đổi bản chất của hệ thống chính trị của Nhà nước ta, mà chính là nhằm tăng cường hiệu lực quản lý xã hội của Nhà nước, xây dựng nền dân chủ XHCN, làm cho kiến trúc thượng tầng phát huy tốt vai trò thúc đẩy, mở đường cho sự phát triển của cơ sở hạ tầng.

Công cuộc đổi mới nói chung và cải cách bộ máy Nhà nước nói riêng là một quá trình phải tiến hành tích cực, khẩn trương, song phải thận trọng, không thể nôn nóng, vội vàng. Phải tính toán từng bước đi vững chắc, bảo đảm giữ vững và tăng cường ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển KT-XH, nhất là trong tình hình đất nước còn nhiều khó khăn, bối cảnh quốc tế rất phức tạp và đầy biến động hiện nay. Quá trình ấy phải dựa chắc trên cơ sở vận dụng một cách sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, xuất phát từ thực tiễn đất nước và những kinh nghiệm xây dựng Nhà nước Việt Nam trong hàng chục năm qua, có tính đến những kiến thức và kinh nghiệm tiên tiến trên thế giới.

Cần nhấn mạnh rằng, sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước là điều kiện cơ bản và yêu cầu khách quan bảo đảm cho Nhà nước giữ đúng bản chất là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, lấy liên minh công nhân, nông dân, trí thức làm nền tảng; thực hiện ngày càng đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân, động viên, khai thác được tiềm năng mọi mặt của đất nước, phấn đấu xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.

Trong những năm trước đây, Đảng ta có một số khuyết điểm như lẫn lộn chức năng của Đảng với chức năng của Nhà nước, Đảng bao biện làm thay công việc của Nhà nước; thậm chí có nơi, có lúc có cả hiện tượng độc đoán, chuyên quyền, làm cho cơ quan Nhà nước mang tính hình thức, không phát huy được hiệu lực thực tế. Chúng ta đang sửa và quyết tâm sửa. Nhưng không thể vì thế mà phạm sai lầm cực đoan khác, dẫn đến buông trôi hoặc hạ thấp sự lãnh đạo của Đảng. Kinh nghiệm các nước cho thấy, chỉ cần một chút mơ hồ, buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng là lập tức tạo điều kiện cho các thế lực chống đối cướp lấy chính quyền, xóa bỏ thành quả cách mạng, đưa đất nước đi theo con đường ngược lại với lợi ích của nhân dân. Chúng ta quyết tâm thực hiện công cuộc đổi mới, đồng thời kiên quyết bác bỏ những luận điệu mị dân, mượn cớ "đổi mới", "dân chủ" để rêu rao chiêu bài "xóa bỏ độc quyền lãnh đạo", "tất cả chính quyền về tay nhân dân". Thực chất của những luận điệu đó là mưu toan gạt bỏ sự lãnh đạo của Đảng, gạt bỏ nhân dân khỏi chính quyền.

Lý luận và thực tiễn đều khẳng định tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và phát huy hiệu lực của Nhà nước có vai trò và chức năng khác nhau, cần phân định rõ, nhưng đều là những công cụ thực hiện và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đều phấn đấu vì lợi ích của nhân dân. Đảng ta lãnh đạo nhân dân nắm chính quyền, được nhân dân thừa nhận trước sau như một. Điều đó đòi hỏi Đảng phải hết sức quan tâm, làm cho những nguyên tắc dân chủ không chỉ là khẩu hiệu mà được thực hiện trong thực tế. Nhân dân giao phó quyền lãnh đạo cho Đảng ta, đồng thời yêu cầu Đảng ta phải nâng cao tính tiên phong về lý luận cũng như về tổ chức thực hiện, cán bộ, đảng viên của Đảng phải nâng cao năng lực, phẩm chất, đạo đức cách mạng. Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng nói chung và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước chính là nhằm đáp ứng yêu cầu đó...

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/doi-moi-su-lanh-dao-cua-dang-doi-voi-nha-nuoc-551347