Đổi mới, sáng tạo trong công tác dân tộc, tôn giáo

Các dân tộc thiểu số ở Nghệ An có gần 45 vạn người, chiếm 15,2% dân số toàn tỉnh và khoảng 28 vạn người theo đạo Công giáo. Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị các cấp trong tỉnh tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc và các tôn giáo cùng hòa nhập, phát triển đi lên. Đặc biệt, MTTQ với vai trò tập hợp khối đại đoàn kết dân tộc đã có nhiều đổi mới nội dung, phương thức hoạt động trong công tác dân tộc, tôn giáo.

Ông Võ Văn Tiến, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An thăm, tặng quà cho ông Nguyễn Ty Thanh, người uy tín xóm Trung Độ, xã Tân Hợp, huyện Tân Kỳ (Nghệ An).

Tại huyện Quế Phong, nơi có 9 dân tộc thiểu số, với hơn 6,2 vạn người sinh sống, chiếm 88,79% dân số toàn huyện; đặc thù về trình độ dân trí, khả năng tiếp cận các thông tin khó khăn.

Do vậy MTTQ từ cấp huyện đến cơ sở tập trung vào việc đa dạng hóa công tác tuyên truyền, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Theo đó, ngoài hình thức tuyên truyền trực tiếp, MTTQ các cấp còn đẩy mạnh tuyên truyền thông qua việc lồng ghép vào các hoạt động văn hóa, thể thao, tiếp xúc giữa cán bộ Mặt trận với đồng bào... thông qua Ngày hội Đại Đoàn kết toàn dân tộc.

Vào dịp trước Tết Nguyên đán hàng năm, huyện Quế Phong tổ chức hội nghị gặp mặt các già làng, trưởng bản, người uy tín tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc.

Bà Hà Thị Tuyết - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Quế Phong chia sẻ, ngoài ý nghĩa ghi nhận, động viên thì Hội nghị này còn có ý nghĩa cổ vũ, động viên tinh thần to lớn và trao đổi, học hỏi lẫn nhau giữa những người uy tín trong đồng bào nhằm tiếp tục có nhiều đóng góp hơn nữa.

Tại các hội nghị gặp mặt, Ban Thường trực MTTQ huyện đều lồng ghép việc ký cam kết thực hiện các phong trào “làm nhiều việc tốt”, “toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”, phong trào xây dựng các mô hình kinh tế… gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia “xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Ngoài ra, MTTQ huyện Quế Phong còn vận động nhân dân hiến, tặng, đổi đất làm đường giao thông, trường học và nhà văn hóa cộng đồng; vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, đưa chuồng trại ra khỏi nhà, giữ gìn phát huy truyền thống của dân tộc.

Nhờ đó, đồng bào đã hiến hơn 100.000 m2 đất và đóng góp trên 7 tỷ đồng cùng với hàng nghìn ngày công làm đường giao thông liên thôn, liên bản. Số làng, đơn vị đạt danh hiệu văn hóa toàn huyện là 148/194 làng và đơn vị văn hóa.

Huyện Nghi Lộc lại có đông đồng bào Công giáo và Phật giáo. Riêng đạo Công giáo chiếm tỷ lệ 25,3% dân số và gần 5.000 phật tử đã quy y Tam Bảo.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã chọn 3 việc tập trung làm tốt. Đó là làm tốt công tác tuyền truyền, vận động các tầng lớp nhân dân có đạo, các chức sắc, chức việc chấp hành các chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng, Nhà nước về tôn giáo, đặc biệt là Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Chỉ thị số 1940/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nhà, đất liên quan đến tôn giáo.

Song song với đó, MTTQ huyện Nghi Lộc và cơ sở cũng đã chú trọng vận động các chức sắc, chức việc cùng phối hợp với cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể các cấp cùng chăm lo xây dựng cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo” trong các khu dân cư và đồng bào có đạo; đồng thời chủ động ngăn ngừa kẻ xấu lợi dụng để kích động đồng bào có đạo gây rối làm mất an ninh trật tự, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân.

Ông Trần Xuân Quang - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện khẳng định: “Nhờ làm tốt 3 nội dung nêu trên mà bộ mặt nông thôn mới ở các khu dân cư có đồng bào có đạo ngày một khang trang và đời sống, thu nhập của người dân được cải thiện. Đến nay, trong tổng số 11 xã đạt chuẩn NTM toàn huyện thì có 4 xã có đông đồng bào theo đạo. Đồng bào có đạo trên địa bàn đã góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn”.

Theo ông Võ Văn Tiến- Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An, sau 3 năm triển khai Kết luận số 01, 02-KL/ĐCT của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Mặt trận từ tỉnh đến cơ sở đã có nhiều trăn trở để đổi mới, sáng tạo trong công tác dân tộc, tôn giáo; xác định rõ những việc cần tập trung ở từng cấp, từng địa bàn; tăng cường hướng về cơ sở, kịp thời nắm bắt và tham mưu xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh ở cơ sở.

Để MTTQ các cấp làm tốt hơn nữa công tác dân tộc, tôn giáo, ông Tiến cho rằng, cần đa dạng về phương pháp, hình thức tuyên truyền giúp cộng đồng dân tộc, tôn giáo nhận thức đầy đủ hơn quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước về chính sách dân tộc, tôn giáo. Đồng thời MTTQ các cấp cũng phải tiếp tục chăm lo xây dựng và phát huy vai trò già làng, trưởng ban, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số và các chức sắc, chức việc, tạo tiếng nói chung trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến dân tộc, tôn giáo vì cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo”…

Điền Bắc - Mai Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tieng-noi-co-so/doi-moi-sang-tao-trong-cong-tac-dan-toc-ton-giao-tintuc420437